pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ dược sĩ chuyển sang kinh doanh nhờ sự "tiếp lửa" từ Hội LHPN địa phương
Chị Phạm Thị Hoàng Phi (phải) giới thiệu sản phẩm tại triển lãm các sản phẩm OCOP được tổ chức ở TPHCM
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Anh Nguyên được thành lập năm 2021 tại Krông Năng, có 75ha trồng cà phê và macca, trong đó có 2ha cà phê trồng theo hướng hữu cơ. HTX hiện có 8 thành viên và hơn 60 hộ liên kết.
Các dòng sản phẩm tại HTX Anh Nguyên được cam kết có nguồn gốc xuất xứ tại Tây Nguyên, được chọn lọc kĩ càng, sản xuất theo quy trình khép kín. Chị Phạm Thị Hoàng Phi cho biết, để thành lập và duy trì hoạt động của HTX là một hành trình dài, với nhiều thách thức.
Xuất phát điểm của chị Hoàng Phi là dược sĩ. Việc chị chuyển hướng sang kinh doanh có sự "tiếp lửa" từ Hội LHPN địa phương.
"Lúc trước, tôi làm bên dược. Vào buổi trưa, tôi hay lên mạng thì thấy nhiều thông tin về hạt sachi. Bản thân làm dược nên tôi biết được đây là loại hạt có hàm lượng dinh dưỡng cao. Sau đó, tôi về nghiên cứu, mày mò làm hạt sachi để bán, tôi còn làm cả tinh dầu. Thời điểm đó, ở khu vực Tây Nguyên, nhiều người đổ xô đi trồng sachi, làm sachi.
Tuy nhiên, họ làm mà không nghiên cứu nên sản phẩm tinh dầu sachi có mùi khó chịu, khách hàng dùng bị say. Được một thời gian thì thị trường sachi lắng xuống. Tôi vẫn kiên trì làm, ban đầu bán sản phẩm ở phạm vi người quen.
Sau này, có dịp được Hội LHPN địa phương mời tham gia gian hàng khởi nghiệp, cuộc thi khởi nghiệp và cung cấp thông tin về việc thành lập HTX, tôi mạnh dạn thành lập HTX và duy trì đến nay là sang năm thứ 4", chị Phi nói.
Bằng nghị lực vượt khó của người con vùng đất Tây Nguyên nắng gió, chị cố gắng học hỏi để không ngừng hoàn thiện sản phẩm. Chị lặn lội đưa sản phẩm đi tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để tìm kiếm cơ hội quảng bá và bán hàng.
Chị Hoàng Phi cho biết: "Để khởi nghiệp tôi phải học nhiều kiến thức, học từng chi tiết nhỏ nhất như: kỹ năng giao tiếp với khách hàng, cách bán hàng, nắm bắt nhu cầu thị trường... Lý thuyết thì ngắn gọn nhưng quá trình thực hiện rất vất vả.
Có giai đoạn, tôi di chuyển 4 nơi trong vòng 3 tuần để xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Nhiều lúc áp lực công việc dồn lên, tôi muốn nghỉ hoặc tìm ai đó thay thế nhưng nói vậy thôi, chứ khi vượt qua rồi lại tiếp tục làm".
Khát khao khẳng định giá trị sản vật quê hương đã tạo động lực để chị trụ vững trước nhiều khó khăn. "Điều may mắn là HTX có vùng nguyên liệu dồi dào. Chúng tôi tự hào về các sản vật quê hương và muốn đưa sản phẩm đi xa hơn.
Trong quá trình đi giới thiệu sản phẩm, gặp những vị khách rất tốt, họ truyền cho mình thêm động lực để cố gắng. Các cơ quan ban, ngành tại địa phương cũng tạo điều kiện cho chúng tôi có môi trường để phát triển", chị Phi bộc bạch.
Khi được hỏi về ý nghĩa của khởi nghiệp với bản thân, chị Hoàng Phi chia sẻ: Phụ nữ thời nay bước ra xã hội phải khẳng định bản thân, ngoài việc tạo thu nhập cho bản thân, gia đình còn phải nghĩ tới quê hương.
Khởi nghiệp luôn đi cùng với khó khăn nhưng mình phải cố gắng. Động lực để vượt qua chính là sự phát triển của bản thân mình.
Bạn đọc có nhu cầu mua sản phẩm có thể liên hệ chị Phạm Thị Hoàng Phi, số điện thoại: 0934.934.549. Địa chỉ HTX Anh Nguyên tại thôn Đoàn Kết, xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Trang web: https://capheanhnguyen.com/