Nữ giáo viên âm thầm gieo chữ nơi 'ốc đảo'

20/11/2018 - 11:23
Muốn sang “ốc đảo” Hồng Lam phải đi thuyền hết khoảng 10 phút. Tại điểm trường Mầm non Xuân Giang 2 (thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hiện chỉ có duy nhất 1 lớp với 14 học sinh. Ngày ngày, những chuyến đò ra “ốc đảo” đưa cô Trần Thị Hồng Nguyên đến với lớp học của mình.

Những chuyến 'đò kép'

Chúng tôi đến thăm “ốc đảo” Hồng Lam vào những ngày thượng tuần tháng mười một. Nằm lọt thỏm giữa dòng sông Lam, “ốc đảo” Hồng Lam cứ như xa vời với thế giới bên ngoài. Bao bọc xung quanh là sông nước mênh mông, phương tiện duy nhất để đi vào đây chỉ là những con đò đơn sơ. Từ bến đò phía bên này đất liền của xã Xuân Giang nhìn về bên kia “ốc đảo”, chỉ thấy mái nhà thấp nhỏ lô nhô giữa mênh mông bốn bề sóng nước.

6 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt trên bến đò để kịp chuyến đò đầu tiên trong ngày đưa cô giáo sang sông, để thăm trường, thăm lớp. Không hiểu vì gió mạnh hay trước cảnh con đò thì nhỏ, dòng sông lại mênh mông mà chúng tôi đều cảm thấy lành lạnh, run run khi lướt trên sông.

 

46522573_2370400579671174_2744969081261129728_n.jpg
Cô giáo Trần Thị Hồng Nguyên trên đường đến với "ốc đảo" Hồng Lam.

Thôn Hồng Lam là một cồn nổi nằm giữa sông Lam. Cả thôn có 182 hộ gia đình, đời sống người dân hết sức khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Hai nghề trồng cói, làm chiếu và trồng lạc là sinh kế duy nhất giải quyết cái ăn qua ngày... nên chuyện học hành của học sinh trên đảo cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Từ những năm 50 của thế kỉ trước, ở gò nổi Hồng Lam có hai ngôi trường là trường Tiểu học và trường Mầm non. Trước đây, trường Tiểu học chỉ là lều tranh vách đất và 3 gian phòng học nhà cấp 4 tạm bợ, số học sinh có khi lên đến 180 em.

46495131_528818204252409_1364253837103202304_n.jpg
Hằng ngày, con thuyền nhỏ là phương tiện duy nhất để đến lớp học.

Đến năm 2002, với hai chương trình hỗ trợ quên góp do Bộ Công an và tỉnh Hà Tĩnh phát động, trường được xây dựng lại, gồm 01 nhà hai tầng 8 phòng học kiên cố, khang trang có điện sáng. Vào thời điểm ấy, trường có 7 giáo viên nữ, 01 giáo viên nam và 58 học sinh chia làm 5 lớp học. Thế nhưng, qua thời gian nhiều hộ gia đình đi nơi khác sinh sống, số lượng học sinh đã ít dần, cách đây khoảng 3 năm trường Tiểu Học Xuân Giang được chuyển về trụ sở chính bên kia sông. Đến nay, tại gò nổi thôn Hồng Lam chỉ còn trường Mầm non Xuân Giang 2.

Xuống thuyền, chúng tôi và cô giáo Trần Thị Hồng Nguyên phải đi bộ thêm 2km mới đến điểm trường Mầm non Xuân Giang 2 trên ốc đảo. Từ xa ngôi trường nhỏ bình dị, nằm lọt thỏm giữa làng. “Ngày nào cũng vậy, tôi phải thức dậy từ lúc 4h sáng, chuẩn bị đồ ăn sáng cho gia đình, sau đó đưa hai con đến trường và đến bến đò vào lúc 6h30 phút để kịp giờ sang đứng lớp”, cô Nguyên vừa đi vừa nói.

Lần thứ 2 tự nguyện sang “ốc đảo” gieo chữ

Lần đầu tiên bước chân lên ốc đảo, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi cảnh làng quê yên bình nơi đây. Ngôi trường nhỏ nhắn, màu sơn đã nhuộm màu thời gian lọt thỏm giữa xóm.

Vừa bước chân đến trường, cô Nguyên đã nhanh chóng mở cửa, quét dọn sân trường để đón các em học sinh. Khi cô vừa dọn dẹp xong cũng kịp lúc phụ huynh đưa con đến trường, chỉnh trang lại trang phục, cô vội vàng ra trước cổng đón các cháu.

 

img_0166.JPG
Lớp học chỉ có 14 học sinh với 3 độ tuổi.

Đều đặn, khi các em vừa đến khoanh tay chào cô, cô xoa đầu và ôn tồn hỏi “Sáng nay con ăn gì rồi”, có em thì trả lời em ăn mì tôm, có em lại nói em ăn cơm…

Thấy chúng tôi có vẻ tò mò trước câu hỏi được lặp đi lặp lại của cô, cô Nguyên vui vẻ nói: “Các em học sinh bên này không giống ở phân hiệu chính, ra đường nhiều đồ ăn sáng bủa vây. Bên này, cuộc sống người dân khó khăn, ngày tôi vừa bước chân sang đây dạy nhiều em đến khoảng tầm 9h đói lã đi, hỏi ra mới biết khi đến trường các em chưa ăn gì vào buổi sáng. Từ đó về sau, tôi thường nhắc nhở phụ huynh khi đưa trẻ đến trường phải cho trẻ ăn sáng”.

Theo cô Nguyên, ở trường Mầm non này đặc thù hơn các  ngôi trường khác bởi ở đây chỉ có 1 lớp học duy nhất với 14 cháu. Các em ở độ tuổi khác nhau, trẻ 3 tuổi có 4 cháu; trẻ 4 tuổi có 5 cháu và trẻ 5 tuổi có 5 cháu nên phương pháp dạy cũng vất vả hơn.

 

46486195_308139039798615_6064009620223950848_n.jpg
Lớp học giữa "ốc đảo"

Trò chuyện với cô Nguyên, chúng  tôi được biết đây là lần thứ 2 cô Nguyên ra đảo dạy tại trường Mầm non Xuân Giang 2. Năm 2008, khi mới ra trường cô may mắn được nhận về trường Mầm non Xuân Giang. Về nhận nhiệm vụ tại trường cô biết trường Mầm non Xuân Giang còn có một cơ sở ở bên kia sông, người ta vẫn thường gọi “ốc đảo”. Không chút đắn đo, với sức trẻ và lòng nhiệt huyết cô Nguyên tự nguyện sang “ốc đảo” để gieo con chữ cho học sinh nghèo.

Ngày đầu đứng lớp, cô cũng chu đáo soạn giáo án, thế nhưng khi vừa đặt chân đến bến đò để sang trường nước mắt cô như chực trào bởi sự hoang vắng đến lạ lùng. Ngôi trường nhỏ lọt thỏm giữa xóm, xung quanh bốn bể đều bị nước bủa vây.

“Ngày mới về trường nhận nhiệm vụ, tôi cũng hăm hở soạn giáo án gần đến sáng nhưng khi vừa bước chân đến trường mọi thứ như vụt tắt, trang giáo án trở thành mớ giấy lộn bởi không giống như tưởng tượng của tôi, một lớp học lại có đến 3 độ tuổi khác nhau”, cô Nguyên nói.

Sau hai năm, trời mưa hay nắng cô Nguyên đều đặn dậy từ sáng sớm, đi đò qua trường , đến năm 2008 cô được điều về trường Mầm non Xuân Giang cơ sở chính. Đến năm 2018 lại một lần nữa, cô tình nguyện sang “ốc đảo” tiếp tục sự nghiệp “gieo chữ”.

 

46447665_353834955194431_4565905459508150272_n.jpg
"ốc đảo" Hồng Lam tách biệt với khu dân cư nên thuyền là phương tiện duy nhất để qua đây hằng ngày.

Nói về cơ duyên này, cô Nguyên tâm sự: “Thực ra, tôi chưa đến thời điểm phải quay trở lại đây, thế nhưng có lẽ tôi nhớ trò, nhớ mảnh đất yên bình nơi đây nên khi có điều kiện tôi lại xung phong qua đây tiếp tục sự nghiệp giảng dạy”.

Trao đổi với chúng tôi, cô Trần Thị Thu - Hiệu trưởng trường Mần non Xuân Giang - cho biết: “Cô Nguyên là một trong những giáo viên xuất sắc của nhà trường. Mặc dù ở “ốc đảo” điều kiện khó khăn, tỉ lệ học sinh ít rải rác từ 3 đến 5 tuổi nhưng đây là lần thứ 2 cô Nguyên tự nguyện ra “ốc đảo” giảng dạy”.

Ngược chuyến đò rời ốc đảo, những con sóng râm ran va đập làm con đò thêm chòng chành. Nhưng khi nhớ về những nụ cười trẻ nhỏ và sự tận tụy của người nữ giáo viên từ điểm trường “ốc đảo” Hồng Lam khiến chúng tôi thấy ấm lòng và thêm tin yêu vào nghề giáo cao quý.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm