Nữ giáo viên dành cả cuộc đời cho người học trò đặc biệt

19/11/2016 - 09:55
Anne Sullivan là cô giáo nổi tiếng trong lịch sử ngành giáo dục thế giới. Người học trò được nhắc tới nhiều nhất trong sự nghiệp giảng dạy của giáo viên người Mỹ gốc Ireland này là Helen Keller - cô gái khiếm thị và khiếm thính từ khi chưa đầy 2 tuổi.

Anne Sullivan sinh ngày 14/4/1866, là con gái lớn trong một gia đình gốc Ireland tại Feeding Hills - ngôi làng nhỏ ở phía Tây tiểu bang Massachusetts, Mỹ. Khi lên 5, Anne bị một trận đau mắt nặng. Những tái phát về sau làm giác mạc bị tổn thương, ảnh hưởng đến tầm nhìn và khiến Anne gần như mất hết thị lực. Năm 1876, mẹ Anne qua đời, người cha sau đó đã gửi Anne và em trai vào trại tế bần ở Tewksbury.

1.jpg
 Chân dung cô giáo Anne Sullivan

Vài tháng sau khi tới trại tế bần, em trai Anne chết trong bầu không khí ngột ngạt nơi đây. May mắn thay, trong thời gian ở đây, Anne được biết về một trường học dành cho trẻ em khiếm thị. Tràn trề hy vọng và hạ quyết tâm, Anne đến xin nhập học tại Học viện Perkins, đó là ngày 7/10/1880.

Quãng đời thơ ấu vất vả đã khiến Anne trở nên khác biệt so với những học sinh khác tại Perkins. 14 tuổi nhưng Anne không thể đọc và viết tên của chính mình. Thậm chí, Anne cũng không có quần áo ngủ hay bàn chải đánh răng. Phần lớn các nữ sinh khác đều sinh ra trong các gia đình giàu có, nhiều người còn chế giễu sự ngốc nghếch của Anne. Nhưng không vì thế mà Anne chùn bước hay thất vọng, ngược lại còn thổi bùng lên khao khát, sự quyết tâm trong học tập của cô gái nhỏ. Chỉ một thời gian ngắn sau, Anne đã được tham gia các lớp học vượt cấp. Cũng trong thời gian học tại Perkins, nhờ sự giúp đỡ của những người tốt bụng, Anne đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật mắt và lấy lại một phần thị lực.

Nhờ tình yêu thương đặc biệt của cô giáo Sophia Hopkins và người bạn Laura Bridgman tại Perkins, Anne mày mò học bảng chữ cái và dần dần đã đọc được báo cho những người già. Tháng 6/1886, Anne Sullivan tốt nghiệp trung học và được chọn để đọc diễn văn khai mạc.

Bà bắt đầu đi tìm việc làm. Nhưng tìm một công việc đối với người yếu thị lực như bà vào thời đó không phải là chuyện dễ dàng. Rồi như một cơ duyên, bà được giới thiệu làm gia sư cho một cô bé tên Helen Keller, 6 tuổi.

Khi ông Michael Anagnos, Giám đốc trường Perkins, đang tìm kiếm một giáo viên để dạy dỗ Helen Keller, một đứa trẻ khiếm thị và khiếm thính đến từ Alabama, thì Anne trở thành sự lựa chọn đầu tiên của ông. Dạy dỗ một đứa trẻ như vậy đã khó nhưng trường hợp của Hellen Keler lại mang đến nhiều thử thách hơn bao giờ hết.

Helen Adams Keller con gái của ông Arthur Henley Keller và bà Kate Adams Keller. Sinh ra cũng như bao đứa trẻ đáng yêu khác với đôi mắt to tròn, khuôn mặt bầu bĩnh nhưng cuộc đời Helen bất ngờ thay đổi. Tháng 2/1882, khi Helen mới 19 tháng, cô bị ốm. Cơn sốt ác tính không giết chết Helen nhưng đã làm cô bé bị mù và điếc. Cũng từ đó, cô trở nên cáu bẳn và luôn làm cả nhà sợ hãi bằng những tiếng thét bất thường.

Ngày 3/3/1887, Anne đến Tuscumbia để gặp cô trò nhỏ. Từ ngày gặp gỡ định mệnh đó, Anne và Helen đã không một ngày nào xa nhau tới khi Anne qua đời.

5.jpg
 Từ ngày Anne gặp Helen, hai cô trò đã xa nhau không rời cho đến khi Anne qua đời

Những ngày đầu tiên là sự đấu tranh vô cùng mệt mỏi, nhất giữa hai cô trò khi Anne vừa cố giúp học trò hiểu, vừa phải “chiến đấu” với tính khí thất thường của Helen vì cô bé không thích ai ép mình làm bất cứ việc gì cả. Làm gia sư cho Helen quả là một sứ mạng đầy khó khăn đối với Anne.

Người ta không thể hình dung ra cô giáo Anne Sullivan sẽ làm gì với học trò của mình. Helen vừa không thể nhìn thấy những gì cô giáo viết, vừa chẳng thể nghe được những lời hướng dẫn và động viên của cô. Cô giáo Anne đã vượt qua tất cả mọi trở ngại bằng tình yêu thương và sự kiên trì dành cho cô học trò thiệt thòi. Tất cả phương pháp giảng dạy của Anne nằm ở xúc giác, để Helen dùng tay chạm vào những giáo cụ của mình và giao tiếp bằng các ký hiệu vạch lên lòng bàn tay cô bé.

Để bắt đầu dạy dỗ Helen, Anne và Helen đã chuyển tới một ngôi nhà gỗ nhỏ trong ngôi vườn cạnh nhà. Nỗ lực sửa đổi các thói quen xấu trên bàn ăn của Helen cũng như hướng dẫn cô bé tự chải tóc hay cài nút áo chỉ làm Helen thêm “phát khùng”. Tuy vậy bằng những cố gắng của Anne với tình yêu và kỷ luật nghiêm khắc đã tạo những thay đổi rõ rệt trong tâm tưởng cô bé Helen. Vài tuần sau, hành vi của Helen đã cải thiện rõ rệt. Rồi sau một tháng, người ta sững sờ thốt lên: “Thật kỳ diệu!”, đúng là “một phép màu”.

Anne Sullivan sau tiếp cận tâm hồn và trí tuệ cô bé bằng tất cả mọi cảm quan, dùng cử chỉ tay để đánh vần vào lòng bàn tay cô bé, hy vọng là có thể dạy học trò liên hệ được chữ cái với đồ vật. Tuy Helen có thể lặp lại các chữ cái chính xác và nhanh chóng nhưng không biết nghĩa của chúng thế nào.

helen-v-c-gio-anne-sullivan-ngi-c-vai-tr-rt-ln-cho-nhng-thnh-cng-ca-b.jpg
Vừa khiếm thị vừa khiếm thính nên việc học của Helen rất khó khăn. Tất cả phương pháp giảng dạy của Anne nằm ở xúc giác, để Helen dùng tay chạm vào những đồ vật và giao tiếp bằng các ký hiệu vạch lên lòng bàn tay cô bé. 

Cho tới một ngày, khi Anne dắt Helen ra vườn và vừa bơm nước vừa viết từ “nước” vào lòng bàn tay cô bé, gương mặt Helen bỗng rạng ngời một niềm sung sướng. Cô đã hiểu từ “water” (nước) nghĩa là gì. Đó là ngày 5/4/1887.

Trong vòng vài giờ sau sự kiện này, Helen đã học được 30 từ mới. Sự tiến bộ của Helen gây sửng sốt cho tất cả những ai đã từng biết đến cô như một đứa trẻ vừa khiếm thị, khiếm thính, lại bẳn tính và khó dạy.

Năm 1890, khi Helen 10 tuổi, cô giáo Anne đã dạy cho cô bé biết cách trao đổi thông tin qua bàn tay. Họ không những thực hiện được những giao tiếp thông thường với nhau mà cô Anne còn có thể truyền đạt nội dung của những mẩu chuyện trong những cuốn sách cho Helen. Sau khi cô Anne cho Helen biết câu chuyện về Ragnhild Kaata, một cô gái người Na Uy vừa mù vừa điếc đã học nói thành công, Helen bày tỏ với cô giáo của mình khao khát được học nói như cô gái ấy.

Chẳng bao lâu sau, Anne bắt đầu dạy Helen đọc chữ nổi, và sau đó là chữ trên bảng đục lỗ dành cho người mù (chữ Braille), rồi đến đánh máy chữ.

Nếu học phát âm được một từ chẳng phải là việc đơn giản, thì việc học được cả câu trọn vẹn là cả một sự gian khổ và mệt nhọc đối với Helen. Sau khi Helen phát âm được những từ cơ bản, cô giáo của cô đưa cho Helen bộ chữ nổi in trên những mảnh giấy cứng như một bộ bài. Helen sắp xếp các mảnh giấy theo các cấu trúc để tạo thành những câu nói đơn giản. Để sắp xếp được câu: “Con búp bê ở trên giường”, Helen đã để con búp bê của mình ở trên giường và sắp xếp các từ “búp bê”, “ở”, “trên”, “giường” để cô dễ hình dung và dễ ghi nhớ câu hơn. Từ học ghép câu, Helen học đọc, học viết bằng chữ nổi. Khả năng tiếp thu và sự siêng năng của Helen đã đưa cô tiến xa hơn những gì cô giáo của cô mong đợi. Không chỉ đọc thành thạo tiếng Anh, Helen còn học đọc được cả tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hi Lạp, tiếng La tinh bằng hệ thống chữ nổi Braille.

3.png
 Nhờ sự kiên trì, sáng tạo trong cách dạy của cô giáo Anne, Helen không nhìn, nghe và nói được ngày nào đã trở thành người khiếm thính, khiếm thị đầu tiên lấy được bằng cử nhân của Đại học Radcliffe trong lịch sử nước Mỹ

Sau này, Helen hồi tưởng: “Lúc đó chúng tôi đi ra giếng nước và ngất ngây trước hương thơm ngào ngạt của loài hoa vú sữa gần bên. Cô giáo Anne viết từ “nước” vào tay tôi trong khi đổ một dòng nước mát lạnh vào tay kia, tôi đứng lặng thinh cảm nhận cử động mau dần của tay Anne. Đột nhiên từ ngữ sống động đó đánh thức tâm hồn tôi, một cảm giác mơ hồ bị lãng quên từ lâu thức dậy trong tôi. Một cảm xúc trào dâng và không sao hiểu nổi sự bí ẩn của ngôn ngữ bỗng dưng trở nên sáng rõ. Tôi nằm trên chiếc giường nhỏ và trải qua cái ngày có ý nghĩa trọng đại vô cùng trong đời tôi. Lần đầu tiên tôi chờ đợi một ngày mai với một tâm trạng háo hức”.

Năm 1896, Helen học trường Nữ sinh Cambridge đến năm 1900. Sau đó, cô trở thành người khiếm thính, khiếm thị đầu tiên của Mỹ đi học đại học khi được nhận vào học tại Học viện Radcliffe. Anne Sullivan luôn đi học cùng Helen, là người phiên dịch cho cô và những người bạn của cô. Số lượng bài vở khổng lồ đã làm thị lực của Anne giảm đi rõ rệt. Nhưng Helen luôn có cô giáo Anne ngồi cạnh để viết lại nội dung bài học vào lòng bàn tay, còn cô dùng máy đánh chữ ghi lại bài giảng. Trong thời gian này Helen viết tự truyện “The Story of My Life” (Chuyện đời tôi) bằng máy chữ Braille lẫn máy chữ thông thường. Năm 1903, sách được xuất bản và là một trong những quyển sách kinh điển của nền văn học Mỹ.

Ngày 28/6/1904, Helen trở thành người khiếm thính, khiếm thị đầu tiên lấy được bằng cử nhân của Đại học Radcliffe. Rồi Helen và Anne bắt đầu những cuộc thuyết trình vòng quanh thế giới.

2.jpg
 Anne đã đồng hành cùng Helen từ khi dạy cô bé những khái niệm đầu tiên cho đến khi bà qua đời. Hai người đã tạo nên một câu chuyện cảm động đặc biệt trong lịch sử ngành giáo dục

Trong gần 30 năm, Anne luôn sát cánh cùng Helen trong những chuyến đi diễn thuyết. Sau đó, Anne kết hôn với John Albert Macy, người từng biên tập giúp Helen quyển “The Story of My Life” trước đó. Khi ấy, Helen không thể rời xa Anne nên cả 3 sống chung một nhà tại Wrentham, Massachusetts.

Năm 1918, Helen, Anne và John chuyển đến sống tại Forrest Hills, New York. Helen sử dụng ngôi nhà của họ làm cơ sở gây quỹ từ thiện giúp người mù và điếc. Ngày 20/10/1936, Anne Sullivan qua đời tại Forest Hills, New York. Tháng 6/1960, người ta đã dựng một tượng đài phun nước để tưởng nhớ cô giáo Anne Sullivan, trên đó ghi từ ngữ đánh dấu bước ngoặt cuộc đời của người học trò Helen Keller - “Nước”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm