|
Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phê chuẩn dự luật về Brexit |
Sau khi Quốc hội Anh thông qua, chiều 16/3, Nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng đã phê chuẩn dự luật về Brexit, cho phép Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để chính thức đưa nước Anh bước vào tiến trình rời EU.
Dự luật mang tên "Luật thông báo rút khỏi EU" sẽ chính thức cho phép Anh và EU bắt đầu đàm phán về rất nhiều bộ luật, nghị định, quy định của EU ràng buộc Anh về kinh tế, ngoại giao và pháp lý. Dự kiến vào ngày 6/4, bà May sẽ họp với các lãnh đạo của EU để xác định các chủ đề chính trong quá trình đàm phán về Brexit, được cho là cực kỳ phức tạp và có thể sẽ kéo dài đến 2 năm theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Thủ tướng Anh trên thực tế đã vạch ra 4 đường đỏ bao gồm “3 không - 1 có” cho mối quan hệ Anh - EU hậu Brexit, đó là không tự do di chuyển người lao động, không đóng góp bắt buộc vào ngân sách EU, không chịu sự giám sát của Tòa án châu Âu và cuối cùng là tự do quy định các mối quan hệ thương mại với phần còn lại trên thế giới. Để có thể đáp ứng được 4 điều kiện đó, Anh quốc bắt buộc sẽ phải rời khỏi khu vực thị trường chung châu Âu.
|
Thủ tướng Anh Theresa May sẵn sàng đưa nước Anh bước vào tiến trình rời EU |
EU đã chỉ định nhà ngoại giao kỳ cựu người Bỉ Didier Seeuws đứng đầu “Lực lượng phản ứng Brexit”. “Lực lượng” này sẽ chuyên trách toàn bộ việc đàm phán với Anh dựa trên điều khoản 50 của Hiến chương châu Âu, đặc biệt là về tương lai của nước này ở thị trường chung của khu vực.
Điều luật này quy định về cách thức một nước thành viên sẽ rời khỏi EU như thế nào. Trong lịch sử tồn tại và phát triển của EU, chưa từng có quốc gia nào rời bỏ liên minh này trước Anh. Theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon 2007, mọi thành viên có thể tự quyết định rút khỏi Liên minh theo trình tự quy định bởi hiến pháp. Một nước thành viên muốn rời khỏi EU phải thông báo cho Hội đồng châu Âu (gồm 28 lãnh đạo của các nước thành viên, hiện do Chủ tịch Donald Tusk đứng đầu) về ý định của mình. Thêm vào đó, Điều 50 cũng quy định chỉ có nước thành viên có ý định rời khỏi liên minh mới có quyền quyết định thời điểm ra tuyên bố chính thức. Theo đó, quá trình Anh rút khỏi EU kéo dài trong vòng 2 năm để triển khai các cuộc đàm phán chính thức. Nó sẽ được bắt đầu ngay khi Anh chính thức thông báo cho Hội đồng châu Âu (EC). Điều này đồng nghĩa với việc Anh vẫn là thành viên EU ít nhất cho đến năm 2018.
|
Người biểu tình phản đối Brexit bên ngoài toà nhà Quốc hội Anh ở London |
Sự kiện Brexit đang trở thành một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất không chỉ ở châu Âu mà còn ở nhiều nước trên thế giới vì việc Anh rời khỏi EU không chỉ tác động đến Anh, EU mà còn là cú giáng mạnh tới thị trường thế giới. Thế nhưng, mới đây Anh đã nâng các chỉ số dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2017 dù lo ngại tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại trong một vài năm tới do Brexit. Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết kinh tế Anh đang tăng trưởng nhanh chóng với tỷ lệ lao động có việc làm đạt mức cao kỷ lục trong khi thâm hụt ngân sách giảm 2/3. Thực tế này đã giúp xóa tan những hoài nghi về hậu quả kinh tế mà Anh có thể phải đối mặt khi quyết định rời EU.
|
Đồng bảng Anh có nguy cơ bị ảnh hưởng đến tỷ giá sau tiến trình Brexit |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Anh cũng nhấn mạnh đến các thách thức mà nước này đang phải đối mặt, như thâm hụt ngân sách giảm song các khoản nợ vẫn là quá lớn. Bên cạnh đó, theo khảo sát của Viện nghiên cứu lĩnh vực đất đai, bất động sản và xây dựng (RICS), Anh có thể mất hơn 175.000 lao động đến từ các nước thành viên EU, tương đương 8% lực lượng lao động trong ngành này nếu nước Anh đứng ngoài thị trường chung châu Âu sau khi rời EU. Tình hình này có thể đẩy các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng đứng trước nguy cơ lớn, nhất là vào thời điểm ngành xây dựng đang đối mặt với nhiều sức ép khác như thay đổi về thuế.