Nữ hoàng công nghệ sinh học: Thành công nhờ không nản chí

14/11/2017 - 10:02
Tỉ phú người Ấn Độ Kiran Mazumdar-Shaw là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Biocon Limited, một công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Bangalore và Chủ tịch của IIM-Bangalore.
Làm điều phi truyền thống

Kiran Mazumdar sinh ra tại Gujarati ở Bangalore, Ấn Độ. Năm 1973, bà tốt nghiệp Đại học Bangalore với bằng cử nhân sinh học và động vật học.

Ngay sau khi tốt nghiệp, cha của bà là Rasendra Mazumdar, một quản đốc phân xưởng tại một nhà máy ở United Breweries đã khuyến khích bà tiếp tục nghiên cứu khoa học về sự lên men với mục đích trở thành một nhà sản xuất bia, một lĩnh vực rất phi truyền thống đối với phụ nữ lúc bấy giờ.
bi-quyet-tc.jpg
Tỉ phú người Ấn Độ Kiran Mazumdar-Shaw là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Biocon Limited

Năm 1974, Kiran đến Đại học Ballarat ở Úc và trở thành người phụ nữ duy nhất tham gia khóa học pha chế rượu, đồng thời là người đứng đầu lớp. Năm 1975, bà đã đạt được bằng thạc sĩ sản xuất bia.

Không nản chí

Tuy nhiên, khi chuẩn bị quay trở về Ấn Độ, Kiran được biết khả năng có một công việc phù hợp với chuyên môn tại Bangalore hoặc Delhi là không khả thi. Bà cũng nhận thông báo là sẽ không được thuê làm nhà sản xuất bia ở Ấn Độ vì "đó là công việc của một người đàn ông".

Không chán nản, tuyệt vọng, Kiran quyết định “lấy ngắn nuôi dài”. Để có tiền duy trì sinh hoạt và tiếp tục theo đuổi đam mê, Kiran làm nghề nấu ăn tại các nhà máy Carlton và United Breweries, Melbourne, làm người bán hàng thuê tại Barrett Brothers và Burston, Australia.

Sau đó, Kiran trúng tuyển làm chuyên gia tư vấn kỹ thuật tại Jupiter Breweries Limited, Calcutta và quản lý kỹ thuật của Standard Maltings Corporation, Baroda. “Lúc đó, công việc theo ý không có, tôi buộc phải làm nhiều nghề để sinh sống và có tiền đầu tư vào nghiên cứu chuyên môn.

Tôi không thấy chán nản bởi tôi hiểu thành công không bao giờ đến một cách dễ dàng”, Kiran chia sẻ. Để tìm hiểu thêm về kinh doanh, Kiran trở về Ấn Độ. Bà muốn bắt đầu Biocon India vào năm 1978 nhưng phải đối mặt với những thách thức về tuổi trẻ, giới tính và mô hình kinh doanh chưa được kiểm định.
nhung-phu-nu-dong-gop-nhieu-tai-san-nhat-cho-y-te.jpg
Để có tiền duy trì sinh hoạt và tiếp tục theo đuổi đam mê, Kiran làm nghề nấu ăn tại các nhà máy

Ước mơ lập một công ty về công nghệ sinh học vấp phải khó khăn về tài chính. Không có ngân hàng nào muốn cho bà vay tiền. Cuối cùng, một cuộc gặp gỡ với một chủ ngân hàng tại một sự kiện xã hội đã giúp bà có được sự ủng hộ tài chính đầu tiên.

Khó khăn tiếp theo của Kiran là tuyển dụng người làm việc vì chưa xây dựng được niềm tin. Nhân viên đầu tiên của bà là một thợ cơ khí nghỉ hưu và “nhà máy” đầu tiên ở một gara. Thiết bị có giá trị nhất trong phòng thí nghiệm của bà lúc đó là một máy quang phổ.

Bà phải đối mặt với những thách thức về công nghệ liên quan đến việc xây dựng một ngành công nghệ sinh học tại một quốc gia có cơ sở hạ tầng không ổn định. Trong khi yêu cầu cơ bản của các thí nghiệp phải là điện không bao giờ bị mất, nước chất lượng cao, phòng thí nghiệm vô trùng...

Vươn tới mục tiêu

Mặc dù đó là một khởi đầu khiêm tốn, như bà chia sẻ: "Đó là lần đầu tiên công nghệ sinh học của Ấn Độ xuất hiện. Tôi bắt đầu xây dựng nó trong nhà để xe của mình với rất ít tiền vốn, tất cả chỉ có 10.000 rupee, chưa đến 500 USD”.

Nhưng ngày nay, “nhà máy trong gara” đó đã trở thành một công ty công nghệ sinh học, với doanh thu hàng năm là 500 triệu USD. "Tôi bắt đầu công ty và không biết mình sẽ đi đến đâu, chỉ biết là cứ cố gắng hết mình với điều mà mình mơ ước làm.

Lúc đó, tôi bị thúc đẩy bởi một sứ mệnh cơ bản tạo ra một tác động lớn đến chăm sóc sức khỏe của tất cả mọi người bởi tôi thực sự quan tâm đến sự bất bình đẳng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển về tiếp cận với các loại thuốc thiết yếu.

Vì thế, tôi phát triển các loại thuốc cứu sinh và duy trì cuộc sống cho bệnh nhân tiểu đường và ung thư. Thần chú của tôi là "chất lượng cao nhất với chi phí thấp nhất". Nữ hoàng công nghệ sinh học nói thêm:

"Tôi rất hài lòng với loại giá trị chúng tôi tạo ra, vì vậy mặc dù tôi đang ở trong danh sách giàu có, tôi thực sự tin rằng việc tạo ra giá trị thực tế có ứng dụng với con người quan trọng với tôi hơn sự giàu có và nổi tiếng”.

Luôn có một người ủng hộ vô điều kiện

Sự thành công của Kiran không thể không nhắc tới chồng bà, ông John Shaw, một người Scotland. "John đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển của công ty Biocon, nhất là tại thời điểm công ty cố gắng trở thành độc lập.

Anh ấy đưa toàn bộ thu nhập của cuộc đời mình cho tôi đầu tư vào Biocon và anh ấy nói anh ấy tiếp tục làm ra nếu tôi thất bại", Mazumdar-Shaw tâm sự. Hiện nay, công ty của hai vợ chồng là nhà sản xuất insulin lớn nhất châu Á với nhà máy ở khu vực Johor của Malaysia.  
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm