Nữ học sĩ Ngô Chi Lan

30/07/2016 - 10:06
Ngô Chi Lan là nhà thơ nữ có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của thi ca Việt Nam.
Ngô Chi Lan sống vào khoảng giữa thế kỷ XV, người làng Phù Lỗ, huyện Kim Hoa (nay là xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Có tài liệu cho biết bà còn có tên là Nguyễn Hạ Huệ, tự là Quỳnh Hương, người xã Lựu Khê, huyện An Lạc (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Bà là vợ ông Phù Thúc Hoành, làm quan viện Hàn lâm đến chức Đông các Đại học sĩ, từng giảng dạy Kinh dịch ở Quốc Tử giám.

Bà duyên dáng xinh đẹp, giỏi thi ca, thông hiểu âm nhạc và có tài thư pháp. Thơ của bà được người xưa xưng tụng vào hàng tuyệt xướng. Lúc bấy giờ, vua Lê Thánh Tông rất yêu thích thơ của bà đã mời bà vào diện kiến. Sau đó, trọng tài học của bà, nhà vua cho giữ bà lại phong làm nữ học sĩ chuyên dạy lễ nghi và văn chương cho cung nữ.

Ngô Chi Lan có biệt tài sáng tác rất nhanh, nên khi xuất khẩu, lúc phóng bút, ít khi bà phải sửa chữa, dù chỉ là một chữ.

Trong thời gian ở trong Kinh thành Thăng Long, bà thường được tham dự những cuộc xướng họa thơ văn giữa vua Lê Thánh Tông và các văn thần trong hội Tao Đàn.

Tài thơ của bà được truyền kể trong thiên hạ rằng, thường thường, mỗi khi nhà vua du ngoạn hoặc ngự yến ở đâu, nữ học sĩ Ngô Chi Lan đều ôm quyển theo hầu, hễ vua phán làm thơ thì bà thường thoắt chốc đã làm xong ngay, không cần phải sửa một chữ.

Có lần nhà vua ngự tại cổng Thanh Dương, chợt xúc cảm sinh tình, ông sai quan Thị thư họ Nguyễn làm bài từ khúc Uyên ương. Bài từ được làm xong dâng lên, nhà vua không vừa ý ngoảnh lại bảo nữ học sĩ họ Ngô làm bài khác. Ngô Chi Lan vâng mệnh cầm bút thoáng cái đã xong. Đọc xong 2 câu cuối:

Điện ngọc ngói mờ mây biếc phủ
Cẩm Giang sóng lụa sắc hồng dâng…

Nghe xong, nhà vua lấy làm đắc ý, khen tài văn hay chữ tốt của nữ học sĩ nhà họ Phù (họ của chồng bà), trân trọng ban hiệu Phù gia nữ học sĩ, thưởng cho năm đĩnh vàng. Từ đó bà càng nức tiếng, rất được giới văn chương bút mực coi trọng.

Đến một buổi tối, bà được Ngô Thái hậu cho tháp tùng du ngoạn trên núi Vệ Linh (tức núi Sóc, thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn ngày nay). Dạt dào trước sự tích đức Thánh Gióng - “Tứ bất tử” trên thần điện của người Việt, nữ sĩ cảm tác nên bài tứ tuyệt:

Vệ Linh cây cỏ lẫn mây ngàn
Muôn tía nghìn hồng đẹp thế gian
Ngựa sắt lên trời tên rạng sử
Anh hùng mãi mãi với giang san

Bài thơ ra đời, ngay lập tức không những mọi người ở trong nội cung đều biết, mà còn lan truyền ra cả ngoài phố thị, ai cũng ca ngợi và xếp vào hạng tuyệt tác. Nhà vua cũng ngỏ lời khen bà và ban tặng một cặp áo gấm màu lục, ngoài có phủ áo sa mỏng màu thiên thanh. Bài thơ đó nay vẫn được lưu giữ trong đền Sóc.

Tên tuổi Phù gia nữ học sĩ Ngô Chi Lan ngày càng tỏa sáng, tiếng tăm ngày càng vang dội, khiến tao nhân mặc khách thời đó vô cùng kính nể. Nhưng cũng chính vì tiếng tăm lừng lẫy đó, một số kẻ tiểu nhân đã ganh ghét, đố kỵ, đặt thơ giễu cợt mỉa mai nhằm hạ danh giá của bà.
miu-nh-b-th-n-s-ng-chi-lan-ti-ph-l-sc-sn-h-ni.jpg
 Đền thờ Kim Hoa nữ học sĩ Ngô Chi Lan tại Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội.
Ở thế kỷ XVI, khi viết thiên truyện Kim Hoa thi ngoại, trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục nổi tiếng của mình, tác giả Nguyễn Dữ đã dựng lên cuộc đàm thoại về thơ Ngô Chi Lan và Thái Thuận – Tiến sĩ thời Lê Thánh Tông, tác giả Lã Đường thi tập. Trong truyện, tác giả đề cao tài năng văn chương của Ngô Chi Lan và phần nào muốn chiêu tuyết cho bà, gạt bỏ đi những lời đàm tiếu về quan hệ giữa bà và vua Lê Thánh Tông từ lâu được lưu truyền trong làng Nho qua những câu thơ như:

Quân vương ví phỏng cần tiêu muộn
Hãy gọi Kim Hoa học sĩ vào.

Hay:

Tan tiệc lầu rồng thơ mệt tứ
Sáu canh chầu chực giấc nồng trưa.

Tuy là truyện truyền kỳ song Kim Hoa thi thoại đã phần nào khắc họa bóng dáng cuộc đời Ngô Chi Lan, đồng thời khẳng định tài năng đức hạnh của bà cùng lòng thành kính của hậu thế đối với bà.

Khi vua Lê Thánh Tông băng hà, nhân ngày lễ đại hành (đặt thụy hiệu), nữ học sĩ Chi Lan cảm kích khóc điếu Tiên hoàng bằng bài Đường luật nổi tiếng.

Ba chục năm dư ngự điện vàng
Chín châu bốn bể gội ân quang
Đông Tây mở đất miền cương giới
Sự nghiệp ngang trời mệnh đế vương
Tuyết phủ xe tiên mờ mịt bóng
Hoa chờ vườn ngự bẽ bàng hương
Quán triều canh vắng còn thơ mộng
Sầu ngắm Kiều sơn lệ mấy hàng.

Sinh thời, Ngô Chi Lan sáng tác rất nhiều thơ phần ứng khẩu, phóng bút… nhưng đa số do không được gom lại thành tập nên sớm bị thất truyền. Sách Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương thời Lê cho biết Ngô Chi Lan có tập thơ Mai trang tập (tập thơ Vườn mai) nhưng rất tiếc nay đã thất truyền.

Hiện thơ bà chỉ còn lại trên dưới mười bài in rải rác trong các sách Truyền kỳ mạn lục, Lĩnh Nam chích quái, Kiến văn tiểu lụcTrích diễm thi tập. Có thể liệt kê ra như sau:

- Chùm thơ vịnh bốn mùa: gồm 4 bài thơ thất ngôn bát cú bằng chữ Hán.
- Chùm thơ vịnh bốn mùa: gồm 4 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Nôm (dịch Nôm 4 đoạn đầu của 4 bài thơ chữ Hán trên, tuy nhiên không biết do tác giả tự dịch hay do người đời sau).
- Vịnh núi Vệ Linh (tức núi Sóc): viết bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn tứ tuyệt.
- Thái liên khúc: gồm 2 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán.
- Thơ vịnh truyện Tô Vũ: viết bằng chữ Nôm, chưa có thông tin chi tiết.
- Thơ điếu vua Lê Thánh Tông: viết bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn bát cú, được chép trong Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa trong Truyền kỳ mạn lục.

Thơ của bà mang bản sắc riêng, không khuôn sáo, gò ép, đẹp cả ý và lời, thường kết hợp nhuần nhuyễn giữa vẻ đẹp cảnh vật với những chi tiết chân thực của đời sống và có cái nhìn nhân ái trước cuộc đời và con người.

Ngô Chi Lan qua đời ở tuổi ngoài 40, để tỏ lòng tiếc thương và ngưỡng mộ bà, nhân dân Phù Lỗ đã dựng đền thờ ngay trên nền nhà cũ của gia đình bà với bức hoành phi đề là “Kim Hoa nữ học sĩ từ” (Đền thờ nữ học sĩ đất Kim Hoa).

Tài năng thơ ca cũng như sự nghiệp văn chương của bà thực sự là một di sản văn hoá lớn của vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm