Nữ nghệ sĩ chép lịch sử Đà Nẵng bằng hình ảnh

06/07/2017 - 17:22
Với hơn 80 năm cầm máy ảnh, bà Nguyễn Thị Phụng là nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng và là nữ nghệ sĩ chép lịch sử Đà Nẵng bằng hình ảnh.

Bà Nguyễn Thị Phụng sinh ngày 1/5/1915 tại Quảng Nam, thường được biết đến với cái tên Phụng Ký. Bà là con gái của ông Nguyễn Phương - công chức Sở Thương Chánh, Đà Nẵng và bà Nguyễn Thị Thanh làm nghề thợ may thuê ở chợ Hàn.

Khi Nguyễn Thị Phụng mới 11 tuổi, cha bà bị cơ quan cho nghỉ việc do ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế dưới thời Pháp thuộc. Bởi vậy, người cha phải mang theo con gái lặn lội vào tận Phan Rang, ở nhờ nhà của một người bạn cũ có mở một hiệu ảnh nhỏ để kiếm sống. Tại đây, ông vẽ truyền thần kiếm tiền nuôi con gái. Ông vừa vẽ vừa dạy cho con gái vẽ.

Phụng có dáng người mảnh khảnh, gầy gò nhưng thông minh và khéo tay, được nhận một việc làm ở hiệu ảnh là rửa kính chụp ảnh khi mới 12 tuổi. Nhiều đêm Phụng nhớ mẹ và em trai mà không dám khóc, sợ làm phiền lòng cha. Với quyết tâm học nghề cao, Phụng lặng lẽ cặm cụi làm việc chăm chỉ nên dần dần nắm bắt được việc vẽ truyền thần, cộng thêm việc rửa kính máy ảnh, bà luôn dành dụm để mong một ngày nào đó có thể gửi về giúp mẹ nuôi em. Bà cũng ra sức học nghề chụp ảnh và thực sự thấy đó là một công việc thú vị khi ghi được những tấm ảnh đẹp.

Một hôm, người cha bảo với con gái cố gắng thu xếp công việc để hôm sau trở về quê với mẹ, Phụng rất vui mừng. Người cha về thăm gia đình trong vài ngày rồi lại lên đường đi làm việc. Trong những ngày sống với mẹ, Phụng đã nhờ mẹ tìm nơi học thêm nghề chụp ảnh để kiếm sống.

Vì nhà nghèo, Phụng không được đến trường như các cô gái khác nhưng vốn thông minh, Phụng đã mày mò tự học chữ Quốc ngữ và chỉ sau 2 năm đã đọc được và viết được chữ Quốc ngữ.

Về sau, mẹ bà đã xin được việc làm cho con gái tại hiệu ảnh Lê Văn Tư ở đường Avenue du Musée (nay là đường Trần Phú) khi Phụng 14 tuổi. Lúc này, bà trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. Công việc của Phụng là phụ việc, cùng người nhà của hiệu ảnh đi chụp dạo dọc sông Hàn, ga Đà Nẵng hay chợ Hàn. Hiệu ảnh rất tin tay nghề của bà. Ngoài ra, do khéo tay và biết vẽ truyền thần nên bà còn được giao công việc trang điểm cho người đến chụp ảnh. Vì vậy, ở hiệu ảnh, mọi người rất quý mến bà.

1.jpgChân dung nghệ sĩ nhiếp ảnh Phụng Ký

Năm 1934, bà lập gia đình với một người đồng nghiệp hơn mình 5 tuổi cùng ở hiệu ảnh Lê Văn Tư . Đến năm 1936, Hiệu ảnh Lê Văn Tư phải đóng cửa do bị trận bão lớn làm hư hại nhiều, chủ hiệu không có tiền sửa chữa, vợ chồng bà phải xách máy ảnh đi chụp dạo trên đường phố. Chính công việc chụp ảnh dạo này đã giúp bà nâng cao tay nghề, biết cách tạo dáng cho người chụp, cách chọn cảnh, tạo được dấu ấn cho khách hàng. Bà bắt đầu trở nên nổi tiếng với hình ảnh một người phụ nữ mặc bộ đồ bà ba màu đen đứng chụp ảnh bên hè phố.

Ông chủ hiệu ảnh Tân Mỹ biết rõ điều đó nên sau đó đã mời bà về làm việc cho hiệu ảnh của mình và giao hẳn cho bà việc chụp ảnh chân dung. Có lẽ nhờ uy tín và tài năng của bà mà hiệu ảnh Tân Mỹ ngày càng đông khách. Bà thực sự trở thành nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên của Đà Nẵng, tạo nên những tấm ảnh chân dung có hồn bởi một con người có tâm hồn nghệ sĩ.

Sau đó, bà đi đến một quyết định táo bạo là lập ra một hiệu ảnh cho riêng mình. Năm 1940, bà thuê một cửa hiệu trên đường Hùng Vương lập nên hiệu ảnh lấy tên là Phụng Ký với ý nghĩa Phụng là tên của mình, ngoài ra còn có ý là phụng sự nghệ thuật và Ký là ghi lại hình ảnh con người và cuộc sống.

Từ đó, hiệu ảnh Phụng Ký trở thành cái tên thân quen với người dân Đà Nẵng qua các giai đoạn lịch sử từ trước cách mạng tháng 8/1945 đến nay. Việc chụp ảnh chỉ do hai vợ chồng bà đảm nhiệm, làm việc suốt đêm để kịp giao hàng. Về sau, do lượng khách hàng tăng cao nên vợ chồng bà phải vào Sài Gòn thuê thêm thợ giỏi.

Sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, bà theo gia đình về Tam Kỳ (Quảng Nam). Sau đó, bà quay về Đà Nẵng tiếp tục hoạt động cách mạng rất tích cực.

Những ngày cuối tháng 3/1975, khi cả Đà Nẵng chộn rộn tin quân giải phóng sắp sửa tiến vào thì trên đường phố xuất hiện một người mặt áo bà ba đen, quần đen với chiếc máy ảnh trên tay, đi bộ hết con phố này qua con phố khác. Đó chính là bà Nguyễn Thị Phụng. Nhờ vậy mà bà đã kịp ghi lại hình ảnh thành phố Đà Nẵng lúc quân giải phóng kéo vào với các bức hình rất sinh động. Đây là những hình ảnh tư liệu mà bất kỳ phóng viên nào cũng mơ ước.

Trưa ngày 29/3/1975, khi xe tăng quân Giải phóng tiến vào trung tâm thành phố Đà Nẵng, bà liền lao về nhà, bảo con gái là Hà Thị Bé Hiền lấy máy ảnh cùng đứng trên ban công hiệu ảnh của mình, ghi lại những hình ảnh tuyệt vời của những giây phút hào hùng Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.

2.jpg
Quyển sách viết về nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên của Đà Thành


Tháng 4/1976, bà được cử làm Hội phó Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến năm 1979, bà được Nhà nước cho nghỉ hưu ở tuổi 64 sau gần 40 năm tham gia cách mạng, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cho đến cuối đời, vào năm 2000, khi đã ở tuổi 85, bà vẫn cầm máy ảnh ghi lại những hình ảnh đổi mới của Đà Nẵng sau ngày thống nhất đất nước.

Với công lao đóng góp to lớn cho cách mạng, bà được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và hạng Nhì, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba. Bà qua đời ngày 20/5/2009 tại thành phố Đà Nẵng, hưởng thọ 94 tuổi.

Với hơn 80 năm cầm máy ảnh, khi mới 15 tuổi cho đến 85 tuổi, bà Nguyễn Thị Phụng xứng đáng được vinh danh là nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên của xứ Đà Thành và là . Trong suốt cuộc đời đi theo cách mạng, bà đã sử dụng máy ảnh như một vũ khí chiến đấu chống kẻ thù, một nữ biệt động thành Đà Nẵng kiên cường 5 lần bị địch bắt giữ và giam cầm, đã để lại cho đời hàng ngàn bức ảnh chân dung đẹp hiện nay còn lưu lại trong nhiều gia đình ở Đà Nẵng, hàng trăm tấm ảnh về lịch sử cách mạng của Đà Nẵng mà một số còn được lưu trữ tại bảo tàng Đà Nẵng.

Hiệu ảnh Phụng Ký mang tên bà, được thành lập từ năm 1940 đến nay vẫn được con cháu bà nối nghiệp ở địa điểm xưa tại số nhà 79 Hùng Vương, Đà Nẵng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm