NSND Phạm Thị Thành sinh năm 1941 trong một gia đình dòng dõi “trâm anh thế phiệt”. Thân phụ bà, cụ Phạm Khắc Hòe, là người Đức Thọ, Hà Tĩnh, thành viên của một dòng tộc khoa bảng. Cố nội cụ Hòe từng đậu cử nhân, ông nội là thầy đồ dạy học trong làng và người cha của cụ Hòe từng đậu tú tài và làm thừa phái. Chính ông Phạm Khắc Hòe là người có công lớn trong việc vận động vua Bảo Đại thoái vị và được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin tưởng. Ông là người soạn thảo chiếu thoái vị cho vua Bảo Đại ngày 22/8/1945. Bà Phạm Thị Thành rất tự hào khi nói về người cha thân yêu, mặc dù những kỷ niệm và những năm tháng được ở cạnh cha của bà không có nhiều.
Thân mẫu của NSND Phạm Thị Thành là người vợ thứ 2 của cụ Hòe, một phụ nữ xinh đẹp, là em ruột nhà thơ Ưng Bình Thúc Dạ Thị, cháu của nhà thơ Miên Thẩm và là chắt nội của Vua Minh Mạng.
Tiếp nối truyền thống khoa bảng của gia đình nên các con của ông Hòe đều thành danh. Gia đình 7 anh em ai cũng tên tuổi nể vì trong xã hội, nhưng mỗi người đi theo một ngạch. Anh trai của bà Thành ông Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Người Việt Nam ở nước ngoài; Tiến sĩ Phạm Khắc Chi - nguyên hiệu trưởng đầu tiên và là người sáng lập ra Đại học Văn Lang - đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam…
NSND Phạm Thị Thành được thừa hưởng từ người cha tình yêu văn chương và từ người mẹ giọng ca Huế ngọt ngào. Chính người mẹ đã trực tiếp hướng dẫn Phạm Thị Thành chọn nghệ thuật biểu diễn để theo đuổi suốt cuộc đời. Ngay từ bé bà đã ấp ủ ước mơ nghệ thuật.
Năm 14 tuổi, những tên tuổi lớn trong ngành âm nhạc như Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Đặng Đình Hưng đã thưa với ông Hòe cho cô con gái gia nhập đoàn văn công Trung ương. Cuộc đời của bà thoát li gia đình từ đây và bắt đầu một cuộc sống bốn bên đều là âm nhạc, ca kịch.
Chính trong những tháng ngày rong ruổi tập luyện văn công, văn nghệ, tâm hồn mơ mộng của một cô bé con mới 16 tuổi Phạm Thị Thành đã mang lòng yêu người đàn ông hơn mình gần 30 tuổi là NSND Đào Mộng Long. Khi đó, bị gia đình bà cấm cản, NSND Đào Mộng Long viết cuốn sách Hận tương giao nói về cuộc tình ngang trái của chính mình. Mẹ bà Thành lúc đó có cửa hàng sách, đọc được cuốn sách của ông Long, cảm động nên cho đôi uyên ương se duyên. Nhưng rồi, mối tình đó cũng không bền lâu. Hai người chia tay, cuộc hôn nhân cho bà Thành hai người con. Đây là cuộc hôn nhân đầu tiên và cũng là cuối cùng của nữ đạo diễn.
Năm 1970 bà được Nhà nước cử sang Nga học đạo diễn sân khấu. Sau 7 năm học, bà về nước và viết đề án thành lập Nhà hát Tuổi Trẻ. Đề án được chấp nhận, năm 1987, Nhà hát Tuổi Trẻ được thành lập. Bà Hà Nhân làm Giám đốc, nữ đạo diễn Phạm Thị Thành làm Phó Giám đốc. Ngày tuyển sinh cho Nhà hát, hơn 1.200 thí sinh đến dự thi chỉ chọn ra được 20 người.
Trong khóa học đầu tiên ngày ấy có nhiều người sau này trở thành nghệ sĩ có tên tuổi như Lan Hương, Lê Khanh, Chí Trung, Minh Hằng, Ngọc Huyền, Anh Tú, Đức Hải… Gắn bó với giai đoạn thăng trầm của lịch sử sân khấu thời hoàng kim, thời xã hội bao cấp, rồi chuyển đổi nền kinh tế thị trường, bà gần gũi những cây đa cây đề của sân khấu như Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Đình Nghi…, chứng kiến bao nhiêu nụ cười và nước mắt người của sân khấu ra đi và ở lại. Có không ít người đã khuất như nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, diễn viên Trần Vân, Trọng Khôi, Nguyễn Anh Dũng, Văn Hiệp, Trịnh Thịnh…
Cả cuộc đời bà làm đạo diễn hơn 200 vở, trong đó gần 20 vở Huy chương Vàng và một số vở Huy chương Bạc. Kể cả mãi sau này ở tuổi 60 bà vẫn là cái tên được săn đón khi làm tổng đạo diễn những chương trình lễ hội quan trọng. Bà đạo diễn cho lễ hội lớn 990 năm Thăng Long- Hà Nội, 330 năm thành lập Khánh Hòa, 100 năm Đà Lạt, Festival Huế…
Là thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu Quốc tế dành cho thiếu nhi và thanh niên ASSITEJ và là Chủ tịch Hiệp hội ASSITEJ Việt Nam, bàn chân của nghệ sĩ đã đến nhiều nơi trên thế giới, học tập những tinh hoa của sân khấu nhiều nước để làm giàu vốn liếng tri thức của mình.
Bà tham gia nhiều dự án về nghệ thuật sân khấu của nước ngoài tại Việt Nam, nỗ lực để đưa nghệ thuật cổ truyền của dân tộc vào trong trường học. Bà còn là Phó chủ tịch Hiệp hội UNESCO Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, là đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, tham gia công tác giảng dạy tại Trường Sân khấu - Điện ảnh…
Tiến sĩ, NSND Phạm Thị Thành - nữ đạo diễn sân khấu đương đại đầu tiên của Việt Nam - đã được nhận giải thưởng Văn học nghệ thuật Nhà nước vào năm 2012.
Nhìn vào những gì Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành đã làm trong suốt cuộc đời mình, những người phụ nữ Việt Nam hôm nay có thể xem bà như một tấm gương về sự lao động, cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Bà đã gieo những hạt mầm quý giá trong đời sống, để chứng minh vai trò, vị trí, cũng như bản lĩnh của người phụ nữ đã vượt qua mọi thăng trầm của số phận để gặt hái những niềm vui không chỉ cho riêng cá nhân mình.