Nữ nhà báo đầu tiên bị IS hành quyết

05/01/2016 - 22:48
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vừa hành quyết nữ nhà báo tự do người Kurd Ruqia Hassan tại thành phố Raqqa (Syria). Đây là nữ nhà báo đầu tiên bị IS sát hại vì với cáo buộc tội do thám.
Dấn thân
Nữ nhà báo Ruqia Hassan được biết đến với bút danh là Nisan Ibrahim. Từng thân thiết với Hassan, nhà báo độc lập Furat al-Wafaa, người đã từng hoạt động ở Raqqa chia sẻ với hãng tin Syria Direct rằng Hassan đã tham gia tất cả các cuộc biểu tình chống IS và cáo buộc chúng tấn công mục tiêu dân sự, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Cô còn viết về cuộc sống khổ sở của người dân dưới ách cai trị của IS ở Syria trên trang Facebook cá nhân và thường đưa tin về các cuộc không kích tại thành phố Raqqa mỗi khi xảy ra.
Mặc dù chưa rõ thời điểm chính xác nữ nhà báo tự do bị hành quyết nhưng trang mạng xã hội của Hassan cho thấy các nội dung cô đưa lên đó đã đột ngột dừng lại từ ngày 21/7/2015 sau khi cô phản ứng với việc IS cấm truy cập wifi tại thành phố Raqqa. Sau đó, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2015, Hassan tự nhiên mất tích. Mới đây, ngày 2/1, IS gửi thông báo cho gia đình Hassan biết chúng đã hành quyết cô vì tội do thám.

Nhà báoRuqia Hassan trước khi bị IS sát hại

Vụ IS hành quyết nữ nhà báo Ruqia Hassan là trường hợp nhà báo thứ năm bị sát hại tại Syria kể từ tháng 10/2015 đến nay. Hồi tháng 10, IS đã hành quyết hai nhà báo Syria là Fares Hammadi và Ibrahim Abdel Qader đều sống ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Qader là người đồng sáng lập tổ chức hoạt động “Raqqa Is Being Slaughtered Silently”, phản đối IS và mới được trao tặng Huân chương tự do báo chí quốc tế của Ủy ban Bảo vệ nhà báo.
Một thành viên khác trong nhóm ông Qader là Ahmad Mohammed al-Mousa cũng bị giết ngày 16/12 ở Idlib, phía Bắc Syria. Và mới ngày 27/12 vừa qua, một nhà báo Syria là đạo diễn phim tài liệu “Raqqa Is Being Slaughtered Silently” cũng đã bị bắn chết tại Gaziantep, phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, một ngày trước khi gia đình ông bay tới Pháp để xin tị nạn. Theo Tổ chức Nhà báo Không biên giới (RSF), IS thực hiện các vụ hành quyết nhà báo tự do nhằm cản trở nguồn đưa tin độc lập và ngăn chặn các thông tin về chúng lọt ra bên ngoài. Chúng muốn thể hiện cho toàn thế giới thấy sức mạnh của mình và nhằm răn đe những người khác rằng họ có thể bị hành quyết dã man giống như vậy nếu chống lại chúng.
 
Mong manh

Phóng viên ảnh Nour Kelze của hãng Reuters, người nhận Giải thưởng Can đảm của Hiệp hội IWMF năm 2013, tác nghiệp tại Syria


Năm 2015, đã có 110 nhà báo thiệt mạng trên toàn thế giới, trong đó nhóm khủng bố IS và Al Qaeda chịu trách nhiệm tới 40% cái chết của các nhà báo. Syria là nước có số  nhà báo thiệt mạng nhiều nhất với 13 người bị giết. Ngoài ra, đã có 54 nhà báo bị bắt làm con tin vào thời điểm cuối năm 2015, 26 người trong số này bị bắt ở Syria. Tính trong khoảng thời gian 10 năm qua, 787 nhà báo trên thế giới đã bị sát hại trong quá trình tác nghiệp. Việc nhiều nhà báo đã bị thiệt mạng cho thấy, những người hoạt động trong giới truyền thông không được bảo vệ và Liên hợp quốc cần phải hành động để bảo vệ người cầm bút. Tổ chức này cho rằng cần phải thiết lập một cơ chế đặc biệt để các nước tuân thủ luật quốc tế bảo vệ nhà báo.
Để khuyến khích các nhà báo tiếp tục cống hiến vì sự nghiệp, giải thưởng “Cây bút Vàng” của Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) năm 2015 cho tất cả các nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp. Giải thưởng nhằm ghi nhận những hoạt động xuất sắc trong cả bài viết lẫn hành động của cá nhân hay tổ chức nhằm đóng góp cho sự nghiệp báo chí; đồng thời gửi một thông điệp mạnh mẽ tới những kẻ đã gây ra những tội ác chống lại báo chí, cũng như tới các nhà lập pháp và những người có quyền lực ban hành những điều luật hiệu quả hơn và tăng cường những sự bảo vệ mạnh mẽ hơn cho các nhà báo trên toàn thế giới.

Phóng viên Francesca Borri băng qua làn đạn


Dẫu hiểm nguy đến vậy nhưng nhiều nữ phóng viên vẫn kiên quyết bám tụ “mảnh đất lửa” Syria. Francesca Borri, nữ phóng viên chiến trường người Italia từng bị bắn vào đầu gối khi tác nghiệp ở Syria cho biết, ở đâu có áp bức, có bóc lột, có đổ máu, phóng viên chiến trường đã có mặt kịp thời để phản ánh.

Nữ phóng viên của hãng RT Lizzie Phelan trong một lần dẫn chương trình trực tiếp tại điểm nóng Syria


Còn với bút danh Lizzie Cocker, nữ phóng viên của hãng tin Anh RT Lizzie Phelan cũng đã trực tiếp thâm nhập khu thành cổ tại Palmyra (Syria) để ghi lại những hình ảnh chân thực về cuộc chiến giữa quân đội Syria và phiến quân IS. Trước đó, cô suýt bị trúng phải một quả đạn cối khi Lizzie ghi hình chiến sự tại thị trấn Harasta, gần thủ đô Damascus (Syria). Hiệp hội truyền thông của phụ nữ thế giới (IWMF) đã đề nghị sẽ trao Giải thưởng Can đảm nhằm tôn vinh những nữ phóng viên không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, áp lực từ chính phủ, không ngại hy sinh xương máu, luôn đi đầu và sẵn sàng có mặt tại các điểm nóng để tác nghiệp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm