Nữ nhà báo làm điều tra: Nước mắt rơi vẫn quyết theo đuổi nghề

21/06/2018 - 08:00
Phụ nữ chọn nghề báo đã vất vả nhưng nữ nhà báo làm mảng “nóng”, sự vụ còn vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên, trong lúc tác nghiệp, các nhà báo nữ đã khiến không ít đồng nghiệp nam phải nể phục. Bởi khi đã chọn nghề này là họ xác định sẽ vất vả, dù nước mắt có rơi hay khó khăn đến nhường nào.

Nhà báo Tô Hương Sen, báo Đời sống - Pháp luật (TPHCM): "Đằng sau mỗi vụ án, ít ai nhận ra người nhà những tên hung thủ cũng rất khổ sở"

Hương Sen, nữ nhà báo quê xứ Nghệ, tâm sự: "Nghề báo là nghề mơ ước của tôi từ hồi học cấp 1. Chọn mảng pháp luật cũng là cái duyên, nhất là khi vào báo Đời sống - Pháp luật luôn theo đuổi mảng tin nóng.

nb-nu4.jpg
Nụ cười tươi sau mỗi chuyến công tác thành công của nhà báo Tô Hương Sen

 

Vui, buồn nghề nhà báo nữ cũng nhiều, Hương Sen kể: “Có lần tôi đi làm một vụ án, từ Sài Gòn đi Lâm Đồng bằng xe máy cùng một bạn đồng nghiệp nữ khác. Tối đó mưa lớn, nhưng đi cả đoạn đường dài không có cái khách sạn nào. Đường nhiều đoạn còn đang làm, lồi lõm rất nguy hiểm, các xe tải chạy nhanh. Tôi và chị đồng nghiệp sợ tai nạn, mặc áo mưa nhưng vẫn ướt hết, tìm không thấy nhà nghỉ, đêm càng lúc càng khuya, hai chị em chạy xe, vừa sợ, vừa khóc. Chúng tôi phải đi thêm 20 cây số đường rừng núi nữa mới tìm được nhà nghỉ, lúc đó đã quá nửa đêm”.

Vất vả, nguy hiểm rình rập nhưng Hương Sen vẫn khẳng định: “Tôi chưa từng so sánh mình với đồng nghiệp nam. Bởi tôi nghĩ, khi phụ nữ đã chọn nghề này là xác định sẽ vất vả. Có lúc cũng tủi thân, vì bỏ gia đình đi hoài, không ít lần gặp sự cố khi đi xa một mình phải chạy xe máy hàng trăm cây số lấy tin bài, nên lúc về nhà không muốn ăn, chỉ cần ngủ lấy sức”.

Với một nữ nhà báo theo mảng sự vụ “nóng” như Hương Sen, cô tâm sự: “Thực ra không phải nhiều nhưng tôi cũng vài lần bị đe doạ khi đi tìm hiểu về thân nhân hung thủ. Vì muốn bài báo có cái nhìn đa chiều, nên không tránh được có lúc bị người ta chửi bới và đe dọa, song tôi vẫn chịu nhịn để hoàn thành đề tài được giao”.

sen.jpg
Nhận được tin có sự vụ xảy ra, nhà báo Tô Hương Sen lại sẵn sàng lên đường, dù là đi xe máy cả trăm cây số đến địa bàn

Có một vụ việc mà Hương Sen vẫn nhớ: "Nhân vật là bà H., cặp bồ với "phi công trẻ", sau đó đòi chia tay, nên bị "phi công trẻ" khống chế, đe doạ sẽ châm bình gas đốt chết cả 2. Tôi nghe tin là dắt xe chạy xuống địa bàn ngay để lấy tin. Cái phòng trọ xảy ra sự vụ thì nhỏ, mà tôi và nhiều phóng viên muốn lấy hình ảnh thực nhất nên cứ xông đến gần phòng trọ đó, quên béng đi là rất nguy hiểm. Sau khi các anh công an đến nhắc nhở thì mới chạy tản ra xa hơn”.

“Theo đuổi tiếp vụ việc, nhìn bà mẹ hung thủ hơn 70 tuổi ngồi nhặt từng hạt gạo rơi vãi và khóc. Bà mẹ già nói: “Nó làm vậy, chiều không có gạo nấu ăn. Tự nhiên tôi cũng ngồi xuống nhặt cùng bà và khóc theo bà”. Cô khẳng định: “Với mỗi vụ án, người ta chỉ nhìn được sự trả giá của nạn nhân, mà ít ai nhận ra người nhà của những tên hung thủ cũng rất khổ sở. Có những góc khuất mà chỉ nghề báo và nhất là phóng viên làm mảng án nóng mới hiểu hết được”.

 

Nhà báo Phạm Thị Yến, báo Giao thông: "Sẽ đau khổ triền miên nếu không được đi và viết"

Nghề báo đến với cô gái quê Nam Định này như duyên nghiệp vậy, Yến kể: “Năm mình học lớp 5, gần nhà xảy ra vụ tai nạn giao thông, người gây ra tai nạn bỏ chạy và mọi người phải đuổi theo. Lúc đó, mình rất muốn được đi cùng để tìm hiểu sự việc nhưng vì còn nhỏ quá nên không thể chạy theo. Từ ấy, mình đã có ước muốn sẽ trở thành một phóng viên để ghi nhận, tìm hiểu các sự việc, các vấn đề của xã hội, cuộc sống”.

nb-nu1.png
Nhà báo trẻ Phạm Thị Yến với phút giây vui vẻ sau khi hoàn thành một đề tài được tòa soạn giao 

“Nhờ học khá tốt các môn xã hội, việc thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã giúp ước mơ của mình thành hiện thực. Ngày ra trường, mình được nhận về làm việc tại Báo Giao thông - nơi mình từng thực tập. Do làm ở Ban thường trú phụ trách các địa phương nên mình đi khá nhiều, hầu như tuần nào cũng đi tỉnh, có vụ việc nóng trên địa bàn là lên đường, bất kể ngày hay đêm. Các địa phương phòng mình phụ trách, chủ yếu là khu vực miền núi như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang nên giao thông khá khó khăn, việc di chuyển cũng gặp nhiều trở ngại”, Yến tâm sự.

“Có một thời gian mình nghỉ việc vì chuyện gia đình khoảng 4 tháng, cảm giác lúc nào cũng stress, tâm trạng buồn, mệt mỏi, đi nhiều nên đến lúc không được đi, không được viết thì cảm thấy như mất đi niềm vui cuộc sống. Mình nhận ra là cần quay lại với nghề để trở về là chính mình, thoát khỏi những tháng ngày buồn khổ triền miên”, Yến cho biết.

Được lãnh đạo Ban thường trú tiếp tục tạo điều kiện, Yến quay về làm việc ở Báo Giao thông. Nữ phóng viên trẻ nhớ lại: “Đó là đầu tháng 8/2017, chỉ 3 ngày sau, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) xảy ra lũ lớn lúc rạng sáng. Nhận được thông tin, mình lập tức xin lãnh đạo Báo lên đường, vào vùng tâm lũ đưa tin, bài”.

nb-nu2.jpg
Nhà báo Phạm Thị Yến (bìa phải) tiếp cận với người dân vùng lũ Mù Cang Chải (tháng 10/2017)

Đường đến Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn, vì tuyến đường bị sạt lở đất đá do mưa lũ, nhiều chuyến xe không thể di chuyển, nên phải mất gần 1 ngày Yến mới tới nơi. Cô kể, thời gian ở trên xe, vừa cập nhật tình hình, vừa gõ tin gửi về toà soạn. Đặt chân đến huyện Mù Cang Chải lúc rạng sáng hôm sau, không khí tang thương bao trùm, trường học bị tàn phá chỉ trơ khung tường, người người than khóc vì chồng, cha, con bị nước lũ cuốn trôi… rất đau thương. “Không có phương tiện di chuyển, mình đã đi bộ vào các hiện trường lũ, trời tiếp tục đổ mưa, vội mặc tạm chiếc áo mưa giấy rồi đi bộ 2km đường núi vào xã Kim Nọi ghi nhận hoàn cảnh, câu chuyện của các gia đình mất con khi lũ về. Tiếng than khóc ai oán đến giờ vẫn thi thoảng dội về trong tâm trí mình”, Yến bộc bạch.

Làm việc tại Ban thường trú Báo Giao thông không chỉ tập trung các vấn đề giao thông, xã hội mà tất cả các vấn đề xảy ra ở địa bàn mình phụ trách đều phải nắm được và đưa tin kịp thời, ngay cả các vụ án. “Mình chưa bao giờ nản vì đi làm sự vụ nguy hiểm, nhưng cũng có lúc tủi thân vì thường đi tác nghiệp một mình trong địa bàn khó khăn, thời tiết khắc nghiệt. Cũng có lần rơi nước mắt nhưng chỉ lúc đó thôi, tác phẩm ra đời là mình lại thấy vui, lại muốn tiếp tục lên đường”, Yến cho biết.

 

Quỳnh An, báo Gia đình Việt Nam: "Các sự vụ “nóng” cứ cuốn tôi theo nghề"

Quỳnh An vốn yêu thích nghề báo từ nhỏ. Vào nghề từ năm 2014, những sự vụ “nóng” giúp cô trải nghiệm cuộc sống, có thêm vốn kiến thức.

Quỳnh An khẳng định: “Là nhà báo nữ, tôi muốn chứng minh cho mọi người và gia đình thấy, phụ nữ cũng có thể làm thời sự “nóng”, chỉ cần có đam mê với nghề là đủ”.

nb-nu8.png
Tuy vất vả nhưng nhà báo Quỳnh An chưa bao giờ muốn chuyển nghề

Trong quá trình tác nghiệp, nhiều vụ án đã để lại trong cô sự day dứt. Như vụ bà mẹ sát hại đứa con mới 33 ngày tuổi ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) đến giờ vẫn ám ảnh cô: “Tôi luôn suy nghĩ tại sao một bà mẹ có thể nỡ ra tay với đứa con mình dứt ruột đẻ ra như vậy? Cho dù có trầm cảm hay không? Sao người mẹ đó vẫn đủ bình tĩnh để dựng hiện trường giả đánh lừa cơ quan chức năng? Xong thì lên giường đi ngủ tiếp. Sáng ra khi thấy con mình tử vong, vẫn chạy lại ôm con như chưa từng xảy ra chuyện gì”. Quỳnh An nhớ lại: “Tôi là phóng viên đầu tiên đến gia đình này. Chứng kiến những người thân như ông nội, bác, dì vật vã về đứa cháu bé bỏng bị sát hại...".

Quỳnh An cho biết: Công việc phải đi lại nhiều, không kể lúc mưa, nắng, giá rét. Cứ nghe có tin sự vụ ở đâu là tôi lên đường ngay. Cũng may mà có sức khỏe nên tôi không thấy vất vả. Những lúc mệt mỏi, cứ có vụ việc để chạy đi làm là tôi khoẻ liền”.

Quỳnh An nhớ lại: “Đi làm vụ thầy giáo dâm ô hàng loạt học sinh tiểu học ở Mường Khương, Lào Cai. Đi cả đêm, sáng ăn được bát phở, đi lấy tin bài, gõ bài rồi nộp về toà soạn trong tình trạng đói run người”.

nb-nu7.jpg
Nhà báo Quỳnh An (bìa trái) cùng đồng nghiệp đi tiếp cận địa bàn trong điều kiện thời tiết rét buốt, ngồi ở quán trà đá vẫn tranh thủ gõ tin, bài để kịp gửi về toà soạn.

“Tuy vất vả, mệt mỏi nhưng không bao giờ tôi muốn từ bỏ nghề này. Dù là 12h đêm hay 1h sáng mà nhận được tin có sự vụ, tôi vẫn khoác ba lô lên đường. Đôi lúc cũng lo lắng vì phụ nữ đi đêm, cũng sợ bị ai đó hãm hại mình, nhưng nghĩ đến vụ việc cần được thông tin sớm, tôi lại quyết tâm đến địa bàn sớm nhất có thể”.

Nguy hiểm cũng thường trực với những nhà báo chuyên theo đuổi sự vụ “nóng”, song Quỳnh An khẳng định: “Làm sự vụ, nếu có bị kiện cáo hay đe doạ gì, tôi cũng không thấy sợ. Có lúc thầm nghĩ, nhỡ làm gì ảnh hưởng đến gia đình, đến mẹ già, song suy nghĩ ấy chỉ đến chớp nhoáng, rồi tôi tự động viên mình, cứ làm tốt, làm đúng thì không sợ bất cứ điều gì”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm