Nữ nhà báo và các cuộc thám hiểm khốc liệt

22/09/2015 - 13:23
'Có điều gì đó thôi thúc tôi đi đến những nơi mà hầu hết mọi người không muốn tới. Những vùng đất xa lạ làm tăng khả năng sáng tạo của tôi', chia sẻ của nhà thám hiểm Kira Salak.
Những thử thách tạo nên cá tính
Nhà thám hiểm, nhà văn, nhà báo nổi tiếng của tạp chí National Geographic (Mỹ) Kira Salak là người phụ nữ đầu tiên dành 1 năm ròng rã tìm hiểu đảo quốc Papua New Guinea ở Thái Bình Dương. Cô đã "đi bụi" qua Madagascar, Iran, Rwanda, Burma, Libya, Borneo, Mozambique, Uganda và Peru… Cô cũng từng chèo xuồng kayak một mình ở châu Phi, theo dấu những con tinh tinh trên núi và các đội quân đang đánh nhau ở Congo, đi xe đạp băng qua Alaska tới Bắc Băng Dương băng tuyết mịt mù, trèo lên những đỉnh cao nhất của dãy Himalaya ở Buhtan. Kira Salak được tạp chí National Geographic đánh giá là một trong những nhà thám hiểm có ảnh hưởng nhất thế giới.

Cô cũng từng chèo xuồng kayak một mình ở châu Phi, theo dấu những con tinh tinh trên núi và các đội quân đang đánh nhau ở Congo...

Trong cuốn sách "Cuộc hành trình khốc liệt nhất" về chuyến đi 600 dặm bằng xuồng kayak một mình trên sông Niger, từ thị trấn Malian thuộc thành phố cổ Ségou (Mali) đến Timbuku, cô đã viết: “Ban đầu, những chuyến đi của mang lại cho tôi cảm giác hết sức điên rồ. Dần dà, có điều gì đó thôi thúc tôi đi đến những nơi mà hầu hết mọi người không muốn tới. Tôi hiểu rằng những vùng đất xa lạ làm tăng khả năng sáng tạo của mình. Những thử thách tạo nên cá tính độc đáo. Chúng dạy cho bạn về bản thân và những điều khác nữa; đem lại cho bạn một cái nhìn sâu hơn về cuộc đời".
Kira Salak đã trải nghiệm nhiều tháng ngày thiếu nước uống khi băng qua sa mạc, đối mặt với Tử thần ở những vùng đất chiến tranh, trải qua nhiều cơn sốt rét ác tính… Chính những chuyến khám phá đó đã truyền lửa cho cô viết nên nhiều bài báo hay, những cuốn tiểu thuyết hấp dẫn và đoạt nhiều giải thưởng báo chí, giải thưởng của Hiệp hội địa lý quốc gia.
Cứu tinh của các loài bò sát quý hiếm
Đam mê khoa học từ năm 8 tuổi, nhà nghiên cứu bò sát người Scotland Jenny Daltry một mình phải dò đường cẩn thận để băng qua những khu rừng mưa nhiệt đới ở Campuchia. Cô không ngại đối mặt với lũ rắn độc ẩn dưới các tán lá mục, bệnh sốt rét dai dẳng kinh niên nơi rừng thiêng nước độc, bởi đó là cuộc sống, là niềm đam mê của cô. Để cứu các loài bò sát có nguy cơ tuyệt chủng, Jenny đã đến 20 nước ở Nam Á, Đông Nam Á và vùng biển Caribbean. Cô chia sẻ: “Tôi thực sự may mắn khi được đặt chân đến những vùng đất hoang sơ nhất trên hành tinh. Khi bạn là nhà khoa học đầu tiên nhìn thấy một dòng sông, ngọn núi, xác định được một loài động vật mới, đó mới chính là cuộc phiêu lưu kỳ thú thực sự”

Cô cùng nhóm nghiên cứu phải đi bộ hàng trăm cây số trong rừng sâu, đối mặt với bao gian khó

Năm 2000, Jenny phải thực hiện một cuộc khảo sát sinh học ở dãy núi Cardamom (Campuchia) - một khu vực được xem là thành trì của chế độ Khmer Đỏ. Nó giống như một thế giới bị lãng quên, đóng cửa không cho người ngoài đến và đường sá vẫn còn nhiều trắc trở. Cô cùng nhóm nghiên cứu phải đi bộ hàng trăm cây số trong rừng sâu, đối mặt với bao gian khó. Điều may mắn là Jenny cùng các đồng nghiệp đã xác định được hàng trăm loài bò sát mới và tìm thấy khoảng 150 con cá sấu Xiêm có nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống và bị săn bắn. Kết quả từ cuộc khảo sát đã giúp chứng minh giá trị sinh học của khu vực và loài cá sấu này giữ vai trò cân bằng hệ sinh thái trong vùng, giúp cộng đồng địa phương biết cách bảo vệ các loài động vật quý hiếm ở những lưu vực sông và rừng rậm. Trước những đóng góp to lớn đó, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã trao tặng danh hiệu hiệp sĩ cho Jenny.
Chính cô cũng thực hiện dự án Bảo tồn Antiguan Racer bảo vệ khẩn cấp loài rắn độc quý hiếm ở hòn đảo nhỏ Antigua thuộc quốc gia Tây Ấn Antigua & Barbuda. Mọi người khuyên Jenny từ bỏ vì người dân tìm cách tiêu diệt hay thuần dưỡng, loại bỏ nọc độc nên loài này chỉ còn lại khoảng 50 con. Cô phải trải qua 400 đêm cắm trại trên đảo để nghiên cứu, tìm hiểu mối đe dọa của loài rắn này và thuyết phục người dân đưa chúng vào bảo tồn trong công viên quốc gia. Đến nay, số lượng rắn đã tăng lên 200 con.
Trong mỗi dự án, Jenny đều nhấn mạnh đến sự linh hoạt và thích ứng cần thiết với nền kinh tế, văn hóa, lịch sử từng địa phương. Sự tinh tế của cô xuất phát từ tuổi thơ êm đềm trong vùng nông thôn Scotland làm bạn với rắn rết, kỳ nhông, ếch nhái. Từ năm 18 tuổi, Jenny đã đến Ấn Độ để học cách chăm sóc cá sấu, nhân giống cho rắn. Từ đó, niềm đam mê lớn dần và giúp cô thành công trong công việc.

Cô cũng thực hiện dự án Bảo tồn Antiguan Racer, bảo vệ khẩn cấp loài rắn độc quý hiếm ở hòn đảo nhỏ Antigua thuộc quốc gia Tây Ấn Antigua & Barbuda

Tìm bí ẩn dưới đáy biển
Thừa hưởng niềm đam mê của ông nội Jacques Cousteau - nhà hải dương học, nhà thám hiểm dưới đáy biển nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 - và người cha Philippe, Alexandra Cousteau (người Pháp) luôn dành tình yêu cho biển và những chuyến thám hiểm đại dương kỳ thú. Cô chuyên nghiên cứu chất lượng nước biển, quản lý và khôi phục tài nguyên biển. Bất chấp sóng gió, gian khổ, Alexandra thường lặn sâu dưới đáy đại dương, trườn mình qua các khe, kẽ đá, chui vào mảng san hô để lấy mẫu nước, mẫu san hô hay quay những thước phim, chụp các bức ảnh tư liệu quý giá. Chỉ cần sơ suất nhỏ như dây oxy bị đứt do cứa phải san hô là nguy hiểm đến tính mạng.
Để có những thước phim tài liệu kỳ thú về thế giới dưới lòng đại dương, số liệu chính xác về sự lên xuống của thủy triều đòi hỏi cô phải có kỹ năng nghiệp vụ, sức khỏe tốt cùng với tâm huyết nghề nghiệp. Mục tiêu của Alexandra hướng đến là nâng cao ý thức của mọi người về tác động của biến đổi khí hậu tới sự sống của đại dương và mọi người cần chung tay để bảo vệ hành tinh xanh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm