Ngồi tỉ mỉ gấp từng túi bạc trong xưởng sản xuất ở Phân trại 2, trại giam Phú Sơn (Thái Nguyên), Lan không mấy khi ngẩng mặt lên, cũng không bắt chuyện với bất cứ bạn tù nào xung quanh. Dường như thị quen với sự cô đơn gặm nhấm mình từ nhiều năm trước. Chất giọng nhẹ, chậm, xen trong tiếng nấc nức nở, thị kể: “Em vào đây đầu năm 2014, dù được cán bộ trại, được chị em cùng đội tù động viên, nhưng em vẫn thấy rất cô đơn. Vì mọi người được người thân thăm nuôi, động viên, còn em, không có ai cả. Không phải em cần đồ tiếp tế, mà em nhớ nhà, thương bố già, nhớ con gái nhiều lắm”.
Phận đời tréo ngoe
Cuộc đời chẳng thuận khi ngay từ nhỏ, mẹ bỏ đi, Lan chỉ ở với bố. Nhưng 6 năm sau đó, bố Lan cũng lấy vợ và có con. Căn nhà chật chội 11m2 trước của bố con Lan bỗng có thêm 3 người ở. Ngoài người mẹ kế và em gái cùng cha khác mẹ và bà nội hơn 80 tuổi cũng được bố Lan đón từ quê lên phụng dưỡng. Tình cảm trước đây bố chỉ dành cho Lan phải san sẻ cho vợ con mới. Thấy mình như người thừa, độ ấy Lan bỏ học giữa chừng dù bố có nói thế nào. Mang theo nỗi giận hờn, Lan theo bạn bè làm phục vụ ở nhà hàng cơm. Thấy có chàng lái taxi tán tỉnh, Lan dễ dàng ngã vào vòng tay tình ái. Cô nghĩ lấy chồng nhanh để được thoát khỏi vòng tay của bố, có cuộc sống mới đủ đầy, sung túc hơn.
24 tuổi, lên xe hoa về nhà chồng. Lan sinh con gái đầu lòng cuối năm đó. Được sự giúp đỡ của nhà chồng, Lan mở cửa hàng bán quần áo, giày dép trên phố. Lan ra sức chăm sóc chồng con, vun vén cho tổ ấm của mình bởi thừa hiểu cảm giác gia đình tan vỡ. Lan chiều chuộng chồng, có thể đổi tất cả để gia đình luôn trọn vẹn, vợ chồng, con cái luôn được sống bên nhau, yêu thương nhau. Nhưng được vợ chiều chuộng, chăm bẵm như một đứa trẻ thì chồng Lan lại đổ đốn ham mê cờ bạc. Có bao nhiêu tiền làm ra, anh ta nướng hết vào xới bạc. Hết lại về bòn rút thêm của vợ, của bố mẹ đẻ, khiến cho bầu không khí gia đình không thể dịu lại.
Lo sợ con gái phải chịu thiệt thòi như mình khi bố mẹ chia tay, nên dù bị đánh đập, hắt hủi, Lan vẫn gắng chịu nhịn tất cả. “Nếu anh ta không đánh đập và doạ đòi cướp mạng sống của em thì em không bao giờ ly hôn. Em không muốn con gái em lại có cuộc đời khổ như mẹ nó”- Lan sụt sùi quệt nước mắt.
Buôn bán quần áo không thuận lợi Lan chuyển sang làm xe ôm, đồng ý để con gái sống với bố đẻ, vì nhà nội vẫn có điều kiện hơn Lan. Nhưng chỉ 5 tháng sau chồng Lan đã công khai đưa vợ con mới về nhà. Con gái Lan lại tự tìm về sống ở căn nhà thuê với mẹ. Không ai ngờ, mong muốn bù đắp tất cả thiệt thòi cho con gái của Lan lại quá ngắn ngủi.
Dính án oan nghiệt
Làm nghề xe ôm, thị không nghĩ có ngày mình dính vào vụ án động trời khi chở khách mang ma tuý đi tiêu thụ. Tình ngay lý gian, không thể chối cãi với tang vật trước mặt. Lan khóc hết nước mắt nhưng tội lỗi không buông tha cho Lan. Nhắc đến giây phút bất ngờ bị bẻ quặt tay, bị dẫn giải lên xe thùng bịt kín, bị giam và tra khảo, đến giờ thị vẫn không khỏi rùng mình.
Từ ngày bị bắt, chỉ trong lúc ra toà Lan được gặp con gái trong khoảnh khắc. Mãi đến tháng 4 vừa rồi, em gái mới thông tin qua thư cho Lan biết địa chỉ nơi con gái đang sống cùng bố. Lan kể: “Hồi mới vào trại, em nhớ con không chịu được, em chỉ biết khóc và viết thư cho con. Em viết rất nhiều thư, mà chỉ gửi về nhà bố, không hiểu con gái có nhận được thư không mà em không nhận được lá thư nào của con gửi lại. Đó là điều em đau nhất, ân hận nhất mà không thể trách con”. Gương mặt Lan vẫn ầng ậng nước, bởi suốt cuộc đời thị, ngoài những nỗi buồn đau, sự thất vọng chồng chất còn thêm bản án quá đắt lần này.
Những ngày ngồi bóc lịch trong trại giam, Lan mới ngẫm ra rằng lẽ ra em không nên cay nghiệt với cuộc sống mới của bố mà bỏ học giữa chừng. Nếu học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định thì đời em đã sướng hơn. Rời bỏ bố ra ngoài bươn trải một mình, biết bao cạm bẫy rình rập, là nguyên nhân dẫn đến mối tình chóng vánh với người chồng cũ.
“Khi em đi lấy chồng thì bố lại bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường. Ngày về còn dài, nhưng nếu được khoan hồng, được về sớm hơn, em mong sẽ bù đắp cho bố và con gái những năm tháng khổ sở vì em đi tù”- Lan nghẹn ngào. Điều Lan day dứt khôn nguôi là cô con gái vừa bước sang tuổi 18 ở nhà. Ở cái tuổi chưa đủ lớn, Lan sợ con mặc cảm khi có mẹ đi tù, bố lại bận gia đình mới và cờ bạc, sẽ dễ sa ngã, nhất là vướng vào yêu đương khi học hành chưa tới, thì tương lai lại dang dở...
“Thiếu đi 1 trong 2 sự yêu thương của bố hoặc mẹ trong gia đình thường đẩy con cái đến sự bi quan, chán nản rồi bỏ học, bỏ nhà lang thang. Nhưng những đứa con ở trong hoàn cảnh ấy cũng nên hiểu, nếu vẫn còn chỗ dựa, vẫn còn sự thương yêu, bao bọc của bố hoặc mẹ, thì hãy tận dụng, bởi chúng ta chỉ hiểu được lòng cha mẹ khi chính chúng ta cũng có con cái, cũng ở trong hoàn cảnh ấy”- Đỗ Thị Lan rút ra từ chính cuộc sống nhiều đớn đau của mình. |