pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ phi công người Mỹ gốc Việt chuẩn bị bay vòng quanh thế giới
1. Nguyễn Anh Thư là người sáng lập kiêm chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận "Phụ nữ trong vũ trụ và hàng không" (WAA) có trụ sở tại thành phố Atlanta (bang Georgia, Mỹ). Cô hiện là giảng viên hàng không của câu lạc bộ bay AeroVentures ở Atlanta.
Anh Thư đang chuẩn bị cho kế hoạch trở thành người phụ nữ thứ 9 một mình bay vòng quanh thế giới. Cô dự tính điều khiển máy bay một động cơ LANCAIR IV-P tới 25 quốc gia từ ngày 15/5 đến 1/7/2020 với chặng đường ước tính gần 50.000 km.
2. Khi cuộc chiến chống virus Corona đang mở rộng, những y bác sĩ Trung Quốc lập tức lên đường tiến vào vùng nguy hiểm Vũ Hán. Một thành viên trong đội ngũ quả cảm đó là Zhang Min, y tá trưởng thuộc khoa Phẫu thuật Thần kinh tại bệnh viện ở thành phố An Khánh, tỉnh An Huy.
Biết mẹ sắp đi, con gái níu lấy tay cầu xin mẹ đừng đi. Người mẹ 35 tuổi ôm lấy cô bé trong vòng tay, nhẹ giọng nói: "Mẹ đi chiến đấu với quái vật. Đợi khi đánh bại nó rồi, mẹ lại về với con, có được không?". Lời dặn dò của người mẹ thương con khiến bao người xúc động.
Kể cả cô Zhang, đội ngũ tình nguyện viên lần này bao gồm 187 người, trong đó có 50 y tá, 135 nhân viên y tế và 2 trưởng nhóm. Nhóm tình nguyện viên đã được đào tạo chuyên sâu về kiến thức khi ứng phó dịch bệnh và lập tức tiến vào guồng quay công việc, tiếp ứng cho đội ngũ đã cạn kiệt sức lực trong thời gian cố thủ ở Vũ Hán.
3. Bà Kumari Nayak (63 tuổi, người Ấn Độ) được ghi vào sách Kỷ lục Guinness vì có nhiều ngón nhất thế giới khi bà có 19 ngón chân, 12 ngón tay. Bà sinh ra với dị tật đa ngón - một chứng bệnh bẩm sinh với rất nhiều ngón tay, ngón chân thừa.
Tình trạng nhiều ngón đã làm khổ bà Kumari Nayak suốt cả cuộc đời, khiến bà luôn sống thu mình. Bà không có đủ tiền để điều trị và những người hàng xóm ở làng Ganjam, bang Odisha (Ấn Độ) gọi bà là "phù thủy", xa lánh khi gặp bà trên phố.
Bà Kumari chia sẻ: "Tôi sinh ra với dị tật này và tôi chưa bao giờ được điều trị vì quá nghèo. Giờ tôi đã 63 tuổi nhưng vẫn phải sống chung với nó. Tôi luôn phải ở trong nhà vì bị phân biệt đối xử". Các quan chức chính phủ Ấn Độ đã biết đến trường hợp của Kumari, đã trợ cấp tiền và 1 ngôi nhà cho người phụ nữ khốn khổ này, đồng thời có các hoạt động tuyên truyền để hàng xóm không kỳ thị bà.