Nữ Phó giáo sư Đại học Luật tự nhận mình là 'người tham lam'

20/10/2018 - 12:07
Quỹ thời gian mỗi ngày bắt đầu 7h sáng và kết thúc vào lúc 21-22h với khối lượng công việc "khổng lồ", vậy mà PGS.TS Nguyễn Hiền Phương (SN 1974, ĐH Luật Hà Nội) lúc nào cũng tràn đầy năng lượng. Chị giải thích đơn giản: “Có lẽ vì đó toàn là việc mình đam mê nên không thấy mệt!”.

"Truyền lửa" cho sinh viên

Năm 2016, TS Nguyễn Hiền Phương (giảng viên cao cấp bộ môn Luật Lao động, Khoa Pháp luật Kinh tế, trường ĐH Luật Hà Nội) trở thành PGS ngành Luật trẻ nhất. Chị chia sẻ: Ra trường ở lại làm giảng viên luôn, đã 20 năm công tác nhưng đến tận bây giờ vẫn luôn luôn đau đáu với việc phải làm thế nào để các bài giảng của mình có ý nghĩa và giá trị với người nghe.

“Tôi chưa bao giờ nguôi niềm đam mê này vì tôi có thể bỏ hết mọi thứ để có thể mang đến bài giảng tốt nhất cho sinh viên. Đó có lẽ là lý do để tôi gắn bó với nghề bởi thực tế thu nhập từ việc giảng dạy không cao, nhưng lại là công việc mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui! Hình như khi có đam mê mọi việc đều rất nhẹ nhàng”. PGS.TS Hiền Phương chia sẻ.

 

giang-day-2.jpg
1 tiết dạy của PGS.TS Nguyễn Hiền Phương, ở đó sinh viên được "làm chủ". Ảnh: NVCC

 

Không giống các buổi dạy truyền thống, giảng viên thao thao bất tuyệt, ở dưới trò ghi, giờ giảng của PGS.TS Hiền Phương thường theo phương pháp tích cực. Ở đó sinh viên sẽ “làm chủ”. Giảng đường được bố trí theo từng nhóm, các tình huống được đặt ra và các nhóm sinh viên sẽ cùng nhau phân tích, mổ xẻ…

Là một trong những người đặt nền móng cho việc đưa môn Pháp luật Người khuyết tật (NKT) vào giảng dạy, PGS.TS Hiền Phương tâm niệm, phải truyền được lửa cho học trò thì các em mới thích học và chỉ khi các em nhận thức rõ thì mới nhanh chóng chuyển hóa thành hành động tốt. “Tôi tin, xây dựng cho sinh viên Luật có nền tảng như vậy, sau này các em sẽ hoạt động tốt trong mọi lĩnh vực”.

Theo ThS Vũ Linh, từng là học trò của PGS.TS Hiền Phương: Với mỗi sinh viên Luật trong suốt 4 năm ngồi trên ghế nhà trường thì môn Pháp luật Người khuyết tật là môn học nhiều cảm xúc nhất khi được học về pháp luật bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội, được trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ của họ và nhìn thấy sự mạnh mẽ, ý chí vươn lên của những người kém may mắn. Có được điều này xuất phát từ sự tâm huyết của cô Phương.

Con đường sự nghiệp tưởng như bằng phẳng nhưng thực chất cũng đầy rẫy khó khăn. Đó là khi người phụ nữ ấy vừa cùng lúc vừa là mẹ của 3 đứa con, vừa lao vào nghiên cứu. Chị sinh con đầu lòng năm 1999, cũng là năm chị bắt đầu học thạc sĩ. Năm 2003, làm xong thạc sĩ thì 2 năm sau (2005) sinh con thứ hai, 1 năm sau (2006) vì có thêm một bé chào đời. Vậy mà đến năm 2008, chị đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. 

“Không thể nói hết những vất vả khi đó vì điều kiện kinh tế chưa có, chồng chỉ làm kỹ sư ở cơ quan nhà nước. Hai vợ chồng tôi cũng phải cân đong đo đếm đủ kiểu mới nuôi được con. Sinh con xong vẫn không giảm tải được vì làm việc trong môi trường ĐH, nếu không làm thì không có thu nhập. Với giảng viên ĐH không chỉ giảng dạy mà còn làm công tác nghiên cứu, đầu tư thời gian và tâm huyết thì mới làm tốt được”, PGS.TS Hiền Phương chia sẻ về hành trình đã trải qua.

Theo đuổi những vấn đề an sinh xã hội

Không chỉ giảng dạy, gần 10 năm trở lại đây, PGS.TS Hiền Phương có hướng nghiên cứu mới, tập trung nhiều vào các lĩnh vực an sinh xã hội, hướng đến nhóm người yếu thế: Lao động nữ, lao động khuyết tật, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Với phụ nữ, chị tập trung nhiều vào vấn đề bình đẳng giới trong lao động và các chế độ hỗ trợ, thúc đẩy bình đẳng cho phụ nữ.

“Không chỉ ở Việt Nam, ở đâu cũng thế lao động nữ vẫn được xếp vào nhóm yếu thế. Họ phải đối mặt với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm gia đình. Để cân bằng được, rất vất vả và cũng là nghệ thuật, đòi hỏi họ phải biết phân bổ thời gian, đồng thời phải đủ tâm huyết, đủ sức khỏe và nghị lực thì mới theo đuổi được ước mơ của mình”.

Nhiều phụ nữ mà chị tiếp xúc, chồng còn không muốn cho vợ đi học, đi làm. Những lúc đó chị thấy buồn và thương phụ nữ, đặc biệt là với lao động nữ phổ thông và ở khu vực nông thôn, quá vất vả mà vẫn phải đối mặt với vô vàn định kiến. Nhận thức của họ cũng rất nặng nề, họ chưa bao giờ nghĩ mình có vị thế bình đẳng. “Mặc dù ai cũng biết phụ nữ ở Việt Nam như siêu nhân và vừa rồi Việt Nam có tham gia các công ước quốc tế, các chương trình bình đẳng giới, cách nhìn nhận đã tích cực hơn nhiều. Nhưng ở góc độ phụ nữ, nhất là đối tượng khuyết tật, đơn thân, hộ nghèo… có xu hướng phải đối mặt với nhiều rào cản khác của xã hội”.

“Xã hội càng phát triển thì những đối tượng này càng thụt xuống, khoảng cách càng kéo xa. Công việc của mình là phải thu hẹp khoảng cách này, nhưng thu hẹp không phải là thấy họ thiếu gì thì cho đó, mà giúp họ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo việc làm, thay đổi nhận thức… để thúc đẩy phụ nữ đạt được quyền bình đẳng”, PGS.TS Hiền Phương bày tỏ quan điểm.

 

nguoi-khuyet-tat-2.jpg
PGS.TS Nguyễn Hiền Phương (hàng đứng, thứ 5 từ phải qua) tham gia rất tích cực vào hoạt động hỗ trợ người khuyết tật - Ảnh: NVCC

 

Đối với người khuyết tật, chị tham gia nhiều dự án quốc tế với tư cách một chuyên gia cao cấp. Đây là mảng công việc chị rất tâm huyết và cũng là lý do để bắt đầu từ năm 2010 khi Luật NKT ra đời, chị là một trong những người đặt nền móng cho việc môn Pháp luật NKT vào giảng dạy ở trường ĐH. Môn học nhận được đồng tình, hứng thú của sinh viên và trở thành môn hot ở trường.

“Tham lam” nên chấp nhận… thiệt thòi

PGS.TS Nguyễn Hiền Phương tự nhận mình là người tham lam bởi nếu chỉ an phận làm tốt công việc giảng dạy là ổn rồi, nhưng chị cứ nghĩ ra việc gì có thể làm được là lại ham. Bằng chứng là khi cho con gái lớn đi du học Mỹ, nhận thấy học sinh Việt Nam còn thiếu hụt quá nhiều kỹ năng, chị quyết tâm mở trường Helios (vào tháng 5/2018) để trang bị cho học sinh các kỹ năng để có thể tự tin hòa nhập với thế giới.

Từ khi hai con nhỏ vào THCS, tôi ít có thời gian dành cho gia đình. Trước còn hay nấu ăn cho chồng con, giờ cũng thưa dần. “Đây là việc tôi cảm thấy có lỗi với chồng con nhất vì ngày thường thời gian cống hiến cho công việc đã kín mít”.

gia-dinh.jpg
Gia đình hạnh phúc của PGS.TS Nguyễn Hiền Phương. Chị Phương chia sẻ, chị cảm thấy biết ơn vì chồng đã luôn động viên, tạo điều kiện cho vợ được làm việc mình yêu thích - Ảnh: NVCC

 

“Quỹ thời gian từ 7h sáng đến 21-22h tối nhưng ngày nào tôi cũng dành thời gian cho các con. Hai vợ chồng đã quy ước, sáng nào cũng sẽ trò chuyện với con gái đang đi du học 30 phút. Với hai con nhỏ, không chăm được con nhiều nhưng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra bài vở, chuyện trò với các con trước khi đi ngủ. Các con đều tự lập và trưởng thành”.

“Những lúc có thời gian tôi thích đọc truyện, chăm sóc vườn lan, vườn hồng”. Vì tham lam công việc, muốn cống hiến hết mình cho những đam mê nên bản thân cũng thiệt thòi, PGS.TS Hiền Phương cho biết, chị chẳng bao giờ biết đến xem phim, tivi cũng ít xem. Chia sẻ như vậy, nhưng nụ cười vẫn nở trên môi chị, dường như với người phụ nữ ấy, mang lại niềm vui cho người khác, giúp cuộc sống tốt đẹp hơn khiến chị không có thời gian nghĩ về thiệt thòi của cá nhân mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm