Nữ phóng viên Nhật Bản tranh đấu chống lại nạn quấy rối tình dục

24/05/2018 - 12:10
Cuộc khảo sát mới nhất về quấy rối tình dục (QRTD) ở Nhật Bản cho thấy 150 cáo buộc đến từ phụ nữ trong giới truyền thông. Nhằm vạch trần những hành động QRTD trong công việc, Mạng lưới Phụ nữ trong giới Truyền thông Nhật Bản (WiMN) đã được thành lập với 86 thành viên sát cánh bên nhau trong cuộc chiến “phá vỡ im lặng”.
Sự bất công với nhiều nữ nhà báo
phong-vien-nu-nhat-ban.JPG
Các nhà báo và nhà hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ cầm bảng tuyên bố #WeToo (Chúng tôi cũng vậy) trong một buổi họp mặt tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản

 

Hàng chục phụ nữ làm việc cho các tờ báo và mạng lưới truyền hình Nhật Bản đã tiết lộ rằng họ từng bị các quan chức chính phủ, cảnh sát, các nghị sĩ quốc hội QRTD nhiều lần. Cuộc khảo sát mới nhất về QRTD ở Nhật Bản cho thấy 150 cáo buộc đến từ phụ nữ trong giới truyền thông.
 
Giáo sư Mayumi Taniguchi, một chuyên gia nghiên cứu về giới ở Đại học Quốc tế Osaka, cho biết, 40% các sự cố xảy ra tại nơi làm việc của phụ nữ. Có một phóng viên nữ giấu tên làm việc cho một tờ báo quốc gia, tuyên bố rằng một sĩ quan cảnh sát cấp cao liên tục đưa ra những nhận xét không phù hợp với cô ấy. Các đồng nghiệp của cô đã nhận thức được hành vi của anh ta nhưng không làm gì để ngăn chặn chuyện đó. Cô Chie Matsumoto, một nhà báo tự do, cho biết cô không ngạc nhiên trước những phát hiện của cuộc khảo sát.
junichi-fukuda.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Junichi Fukuda từ chức vì bê bối quấy rối tình dục nữ phóng viên
 
Trong một thời gian ngắn, một loạt cáo buộc quan chức cao cấp, người nổi tiếng ở Nhật Bản có hành vi quấy rối tình dục phụ nữ đã diễn ra. Đáng chú ý là ông Junichi Fukuda, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bị cáo buộc quấy rối tình dục một nữ phóng viên của đài truyền hình Asahi. Ông Fukuda đã từ chức nhưng bác bỏ cáo buộc liên quan đến mình. Ông Fukuda cho biết, sẽ khởi kiện tạp chí có nữ phóng viên làm việc vì đã làm ảnh hưởng đến danh dự của ông.
 
Tuy nhiên, ông Hiroshi Shinozuka, người đứng đầu bộ phận tin tức mạng lưới truyền thông TV Asahi cho hay, cơ quan này quyết định đưa câu chuyện lên báo chí sau khi được khuyên không nên báo cáo sự việc. “Tôi cho rằng, đó là một phản ứng phù hợp khi nhân viên của chúng tôi bị quấy rối tình dục”, ông Hiroshi Shinozuka nói.
shiori-ito-2.jpg
Nhà báo tự do Shiori Ito đứng lên tố cáo

 

Nhà báo tự do Shiori Ito cũng đã khiến cả nước Nhật chao đảo sau khi dám tố cáo việc mình bị nhà văn chuyên viết tiểu sử nổi tiếng Noriyuki Yamaguchi tấn công tình dục tháng 5/2017. Câu chuyện của nữ nhà báo Shiori Ito cho thấy một góc nhìn khác về phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy) ở Nhật Bản. Khi bị đánh thuốc ngủ và hiếp dâm, cô đã quyết định trình báo cảnh sát. Kẻ tấn công phủ nhận mọi việc và ông ta cũng không bị bắt giữ.
 
Cơ quan điều tra cho biết, không đủ bằng chứng trong khi đoạn phim trích xuất từ camera an ninh có ghi lại cảnh cô bị kéo từ taxi vào khách sạn, mẫu ADN thu thập được từ quần lót của cô trùng khớp với kẻ bị cáo buộc tấn công. “Thay vì nhận được sự cảm thông, tôi bị đe dọa, lăng mạ, bị phản ứng dữ dội trên các phương tiện truyền thông. Cảnh sát không khuyến khích nạn nhân trình báo sự việc. Sau tất cả, tôi ra nước ngoài, từ bỏ giấc mơ làm báo ở Nhật Bản”, Shiori Ito nói. 
me-too-o-nhat-ban-2.jpg
Phong trào #MeToo ở Nhật Bản

 

Sự đoàn kết của giới truyền thông
Kazuko Ito, luật sư tham gia tích cực phong trào #MeToo ở Nhật Bản cho biết, phụ nữ Nhật Bản luôn cảm thấy vô cùng xấu hổ khi lên tiếng tố cáo tội phạm tình dục. Một cuộc khảo sát của Viện Lao động Nhật Bản công bố năm 2016 cho biết, 34,7% nhân viên từng bị quấy rối nhưng chỉ có khoảng 40% trong số đó dám lên tiếng. Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ hiếp dâm rất thấp, chưa đến 1/100.000 người. Tuy nhiên, con số này không phản ánh đúng thực tế khi chỉ có 4% nạn nhân hiếp dâm trình báo cảnh sát. “Điều cần thiết lúc này là sự đoàn kết, chung tay của cả xã hội. Hãy khuyến khích những người phụ nữ lên tiếng”, luật sư Kazuko Ito khẳng định.
 
 
Mới đây, một nhóm nữ phóng viên Nhật đã tổ chức họp báo thành lập mạng lưới đấu tranh chống xâm hại tình dục trong giới truyền thông sau vụ bê bối của Thứ trưởng Tài chính Junichi Fukuda. Mạng lưới Phụ nữ trong giới Truyền thông Nhật Bản (WiMN) được thành lập với 86 thành viên nhằm vạch trần những hành động quấy rối và lạm dụng tình dục trong ngành truyền thông. “Thật không may, tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ và xâm hại tình dục vẫn còn tồn tại trong giới báo chí. Nhiều nữ phóng viên cảm thấy khó khăn trong việc lên tiếng vì xấu hổ và lo sợ rằng điều ấy có thể phá hủy các mối quan hệ của họ”, hãng tin AFP dẫn lời bà Yoshiko Hayashi, nhân viên từng làm việc trong Nhà xuất bản Asahi Shimbun. “Chúng tôi từng là những người cất tiếng nói nhưng không được ai lắng nghe”, bà cho biết thêm.
yoshiko-hayashi-1.png
Bà Yoshiko Hayashi (phải) trong buổi họp báo về việc thành lập WiMN

 

Trong một buổi họp báo, bà Hayashi khẳng định việc nữ phóng viên của đài truyền hình Asahi từ chối chịu đựng trong im lặng đã cổ vũ bà và các nữ phóng viên khác thành lập WiMN. “Chúng tôi quyết tâm nhổ tận gốc tình trạng xâm hại tình dục đối với nữ giới và bất cứ hành vi vi phạm nhân quyền nào”, bà cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm