pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Nữ 'phu rác': Nghề chọn người chứ mấy ai sinh ra muốn làm lao công
26/04/2019 - 09:07 AM
Giữa những ngày nắng gắt hay đêm mưa tầm tã, giữa những ngổn ngang uế tạp, những chiếc xe rác nặng nề lăn bánh, tiếng chổi tre vẫn cần mẫn ngày đêm không nghỉ.
Có lẽ khi sinh ra chẳng ai nghĩ về sau mình sẽ chọn nghề phu quét rác, nhưng nghề chọn họ để rồi gắn bó, dù những nhọc nhằn vẫn theo chân họ đi khắp những hang cùng ngõ hẻm. Ai cũng biết, nghề lao công vất vả, lương thấp và đầy rẫy những nguy hiểm luôn đến bất thình lình.
12h đêm, Đức Anh vừa buông quyển sách ôn thi vào lớp 10 thiu thiu ngủ thì tiếng bà ngoại yếu ớt: “Dậy ngay đi con, mẹ bị tai nạn, người ta mới gọi điện cho bà”. Luống cuống xỏ vội đôi dép, cậu bé bắt xe ôm lao ra đường tìm mẹ. Dưới ánh đèn vàng yếu ớt, mẹ nằm đó trong mảnh chiếu con, cốc hương cắm vội và tiếng khóc ai oán của các cô cùng tổ quét rác với mẹ. Đau xót quá. Chiếc "xe điên" đó đã cướp đi người mẹ tần tảo của hai anh em, người đàn bà lam lũ cả đời chưa bao giờ được hưởng phút giây sung sướng.
Đằng sau mỗi vụ tai nạn giao thông là cả một hệ luỵ dai dẳng, liên quan đến cuộc đời của nhiều con người, nhất là những đứa con thơ vô tội sống sẽ phải sống vất vưởng khi bố mẹ chúng là những người trụ cột gia đình đã ra đi.
Nhọc nhằn trên mọi nẻo đường
Chị Trâm làm nghề thu gom rác ở khu vực phường Khương Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã được gần 10 năm rồi. Trước đây chị bán hàng ăn để kiếm kế sinh nhai, nhưng chỗ bán hàng cũng bị giải tán nên chị chuyển sang làm nhân viên vệ sinh môi trường, dù công việc vất vả nhưng chị cũng không còn lựa chọn nào khác.
Công việc của chị làm việc theo ca từ 4h sáng khi trời còn tối đen cho đến 12h trưa. Chị phải gom rác dọc tuyến đường từ Ngã Tư Sở đến Khương Đình trong một buổi sáng. Công việc vất vả cực nhọc là vậy, nhưng thu nhập cũng chỉ 4 triệu đồng/tháng, trong đó có cả tiền độc hại do nghề nghiệp mang lại. Số thời gian còn lại chị không nghỉ ngơi mà đi bán nước để kiếm thêm tiền nuôi con. Vào những ngày nghỉ lễ hay ngày tết thì con chị lại phụ mẹ đi gom rác.
“Khổ là thế nhưng may mắn con cái chị ngoan ngoãn, không bao giờ tỏ thái độ kỳ thị hay xấu hổ vì công việc của mẹ. Ngày nghỉ tết con cũng giúp chị đi quét rác. Ông xã lo lắng cũng bảo nếu vất vả quá thì nghỉ đi, nhưng làm sao dám nghỉ vì còn phải lo cho gia đình”, chị Trâm tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Lập – nhân viên dọn vệ sinh tại đường Cầu Cốc (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) tuy tuổi đã 64 tuổi nhưng vẫn gắn bó với nghề gom rác. Bà Lập mới làm được 3 năm, công việc khá nặng nhọc và vất vả so với tuổi của bà. Đi làm cả 30 ngày trong tháng, lương của bà được nhỉnh hơn 5 triệu đồng một tháng.
Bà Lập thường ra khỏi nhà lúc 16h30 chiều để bắt đầu công việc thu gom rác của các nhà dân, nếu không thu gom được hết đoạn đường quy định thì sáng sớm hôm sau lại bắt đầu đi thu gom tiếp. Ngày nào bà cũng đi như vậy đến 22h đêm mới về đến nhà, lúc đó mới ăn cơm, tắm gội, để rồi lại bắt đầu công việc ngày mới từ 4h30 sáng sau đó, tập kết rác tại một địa điểm rồi chờ xe cẩu rác chở rác đi.
“Trước kia có chồng tôi đi hỗ trợ thì đỡ vất vả hơn, chỉ cần đi buổi chiều tối này, hai người là thu gom hết rác, nhưng do ông ấy ốm quá nên không phụ được, giờ một thân một mình đi cả tối và sáng”, bà Lập lau giọt mồ hôi trên gương mặt cháy nắng, mắt bà đỏ hoe không biết do mồ hôi đổ làm cay mắt hay bởi những nhọc nhằn khiến bà tủi phận.
Những hiểm nguy rình rập
Chị Ngô Thị Thơm, công nhân gom rác ở HTX Thành Công kể lại: “Không phải đến khi có những vụ tai nạn kinh hoàng đối với những người làm nghề phu rác như chúng tôi mà chúng tôi mới lo lắng đâu. Trước đây đã nhiều vụ việc tương tự xảy ra rồi. Nhất là khi trời mưa phùn, có những người đeo kính bị mờ đi không làm chủ được tai lái có thể đâm vào người mình bất cứ lúc nào. Có trường hợp một chị ở đội khác bị xe đâm, xe rác bay ra giữa đường, người thì đập vào thân cây, lúc mọi người ra đỡ chị ấy tưởng chết rồi bởi chân chị vắt lên cổ do gãy đùi. Công việc này vốn đã vô cùng nguy hiểm, giờ nhiều vụ tai nạn xảy ra khiến chúng tôi càng lo lắng hơn”.
Nhiều đồng nghiệp của chị Thơm cũng bị đâm phải kim tiêm dù không biết lành sạch ra sao nhưng cũng mất cả mấy chục triệu để đi tiêm phòng HIV. Đây được coi là một tai nạn rủi ro, nhưng bức xúc nhất là sự vô ý thức của một số người dân không vứt rác vào xe rác mà vứt toẹt xuống chân người dọn vệ sinh môi trường khiến lao công đã vất vả lại càng cực nhọc thêm.
Còn bà Nguyễn Thị Lập thì cho biết bản thân bà đã hai lần bị tai nạn do bị xe đâm trên đường đi gom rác. Lần đầu tiên bà bị một thanh niên đi xe máy đâm phải đầu gối khiến bà bị dập cơ, chảy máu trong phải đi chụp chiếu ở bệnh viện. Vừa uống thuốc, vừa bóp thuốc, nghỉ làm mất nửa tháng. Lần thứ hai bà đang trên đường đi làm, vừa xuống cầu vượt, dù đã đi sát vào vỉa hè nhưng vẫn bị một thanh niên đi từ dưới cầu lên đâm thẳng vào người khiến bà ngã nhào ra đất. Cú đâm bất ngờ khiến bà bị sưng, đau một bên hông phải vào bệnh viện 198 chiếu chụp, siêu âm. Hàng ngày bà phải dùng thuốc giảm đau để không còn cảm giác đau đớn nữa. Ngày nào bà cũng vật vã với những trận đau do vụ tai nạn đó để lại khiến chồng con lo lắng. Nhưng khi đỡ một chút bà lại tiếp tục đi làm. “Các con có nói mẹ nghỉ đi, mỗi tháng các con hỗ trợ cho mẹ một ít. Nhưng nghĩ bản thân vẫn còn sức khỏe lại phải nuôi chồng đau ốm nên vẫn cố gượng đi làm chứ không muốn nhờ vào con cái”, bà Lập buồn rầu nói.
Còn chị Trâm thì tỏ ra buồn bã không phải vì những lần bị kim tiêm đâm vào tay mà vì “ý thức của nhiều người kém lắm, họ sẵn sàng đứng trên gác cao ném rác xuống đường”. Còn đồng nghiệp khác của chị thì từng gặp những người say rượu trêu đùa, đuổi chị chạy khắp cánh đồng hay những người vô ý thức vứt rác bừa bãi rồi chửi người thu rác khiến các chị bao lần ứa nước mắt.
Trái tim yêu nghề
Hà Nội hiện nay có khoảng 10.000 lao công là nữ, chiếm 75 đến 80% tổng số nhân viên làm nghề lao công. Vất vả, hiểm nguy là thế, người lao công còn phải chịu những di chứng về sức khỏe sau nhiều năm gắn bó với công việc này. Mặc dù là nghề chọn người chứ người không ai chọn nghề, nhưng nhiều người trong số họ đã trót làm, trót yêu và gắn bó với nó nên cũng tìm được trong đó những niềm vui riêng.
Chị Nguyễn Thị Hồng đã làm nghề được 10 năm nhưng chị chưa bao giờ thấy chán, chị tâm sự, tuy vất vả độc hại nhưng công việc phù hợp, đồng nghiệp lại cùng hoàn cảnh nên mới trụ lâu với nghề đến thế. “Biết là độc hại cho sức khỏe đấy, nhưng phải nói rằng chúng tôi yêu nghề, yêu công việc của mình vì đó là cuộc sống của chúng tôi”, chị Hồng lạc quan chia sẻ.
Dù lương thấp lại đòi hỏi phải thức khuya, dậy sớm, và áp lực thời gian rất lớn, nguy hiểm luôn rình rập, kèm theo những ánh mắt xem thường của người đời, nhưng các chị vẫn vươn lên như những thân cây xanh trên khắp các nẻo đường, đầy nghị lực, dẻo dai và bất chấp với giông gió của thời tiết, của cuộc đời, để phố phường luôn xanh - sạch - đẹp và đáng sống.
Các chị chỉ mong sao được nhà nước ưu đãi hơn một chút để cuộc sống đỡ chật vật khốn khó. Mong người dân có ý thức hơn khi vứt rác để các chị đỡ vất vả, được làm xong công việc sớm còn về ăn một bữa cơm chung với gia đình.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có