Theo bác sĩ Lý, loại chân nhân tạo dự định lắp cho Vi được gia công với khớp thủy lực linh hoạt, bàn chân và trụ kim loại vững chắc, dáng vẻ như chân thật. Bệnh nhân cần được tập luyện để mỏm cụt hồi phục tốt, giúp chân giả khi lắp vào sẽ hoạt động hiệu quả. Sau khi lắp, bệnh nhân sẽ trải qua giai đoạn làm quen với chân giả, chịu khó tập luyện để có thể đi đứng gần như bình thường. Bé cũng được điều trị tâm lý để vượt qua cú sốc, ổn định tinh thần.
Trước kia, việc lắp chân giả thường được tiến hành vài tháng sau mổ. Hiện nay, nhiều trường hợp thực hiện ngay trên bàn mổ. Nhờ vậy khi tỉnh lại, bệnh nhân bớt bị khủng hoảng tâm lý do biết mình vĩnh viễn mất đi một phần thân thể.
Hà Vi sắp được hỗ trợ lắp chân giả từ BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM. Ảnh: Nguyễn Hằng. |
* Liên quan đến vụ việc này, chiều 16/3, BV Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) đã tiếp tục đình chỉ công tác 15 ngày đối với bác sĩ Trịnh Đức Lam, Phó giám đốc BV, kiêm trưởng khoa Ngoại và điều dưỡng Lê Thị Long. Trước đó, bác sĩ Y Tâm (người trực tiếp bó bột cho em Vi) và điều dưỡng Vũ Thị Kim Len cũng đã bị đình chỉ công tác 15 ngày để phục vụ công tác điều tra, xác minh.
Như vậy, đến nay, lãnh đạo BV huyện Cư Kuin đã đình chỉ 4 nhân viên y tế, trong đó có 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng để giải trình vụ việc. Ngoài ra, BV cũng cam kết sẽ hỗ trợ toàn bộ viện phí điều trị, đồng thời cho biết sẽ nhận nữ sinh này vào làm việc nếu học xong hệ cao đẳng hoặc đại học.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc BV Đa khoa huyện Cư Kuin cho biết, Sở Y tế Đắk Lắk đã thành lập đoàn thanh tra, để thanh tra toàn bộ quá trình khám và điều trị của bệnh nhân Lê Thị Hà Vi trong thời gian điều trị ở BV từ ngày 6/3 đến 11/3/2016.