Nữ sinh dân tộc Lự với khát vọng thay đổi cuộc sống của các bé gái dân tộc thiểu số

07/11/2019 - 18:32
Mồ côi mẹ năm 1 tuổi, 2 năm sau người bố cũng qua đời, Tao Thị Ón vẫn nỗ lực học tập và đỗ đại học với điểm số cao nhất lớp. Tuy nhiên, ước mơ học tập có lúc tưởng như đã phải dừng lại với cô học sinh người dân tộc Lự…

Khóc như mưa vì đỗ đại học mà phải dừng bước

Tôi gặp Tao Thị Ón khi em vừa được Học viện Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận nhập học được 8 ngày. Ánh mắt Ón ánh lên niềm vui khi chia sẻ, em rất mừng vì trước đó không lâu, em tưởng đã phải từ bỏ ước mơ được đến trường của mình.

Tao Thị Ón, là người dân tộc Lự, ở bản Nậm Ngập (xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, Lai Châu). Ón sinh năm 2001, là con út trong gia đình có 8 anh chị em và mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn bé xíu (mất mẹ lúc mới 1 tuổi và cha mất sau đó 2 năm). Nhắc đến cha mẹ mình, đôi mắt Ón không giấu nổi nỗi buồn: “Em còn không nhớ nổi khuôn mặt của bố như thế nào vì hồi đó em còn nhỏ quá”.

Tao Thị Ón luôn tìm thấy niềm vui trong việc học - Ảnh: NVCC

 

Cha mẹ qua đời, Ón sống cùng người anh, đến năm lớp 3 thì chuyển sang sống cùng chị gái. 9 tuổi, như bao đứa trẻ dân tộc ở vùng cao khác, sáng đến trường, chiều Ón phải phụ chị làm việc nhà. Bé gái gầy gò khi đó đã phải oằn lưng cõng củi từ rừng ra rồi lại gồng mình để "thồ" củi, chuối, cỏ... lên đồi cao. “Trẻ vùng cao, từ nhỏ đã phải giúp bố mẹ việc nhà. Ngoài cõng củi, em còn phải lấy chuối cho lợn, làm rẫy cỏ để trồng ngô, trồng lúa”- Ón nhớ lại.

Ban ngày đi học và làm việc nhà, đêm đến Ón lại miệt mài ôm sách học. Suốt 12 năm bền bỉ đèn sách, tự mày mò học, Ón tìm thấy niềm đam mê với các môn xã hội. “Từ hồi tình cờ được xem một bộ phim tài liệu về đề tài lịch sử, em bỗng thấy cực kỳ thích học môn này”- Ón kể.

Tao Thị Ón, sau 8 ngày nhập học tại Học viện Phụ nữ Việt Nam

 

Trong 3 môn thi khối C thì Lịch sử cũng là môn học mà Ón đạt điểm cao nhất 8,5 điểm (Văn 7 điểm và Địa lý 8 điểm). Chia sẻ về bí quyết học tốt, Ón cười, em không có bí quyết gì vì chỉ đọc nhiều trong sách giáo khoa. Thời gian gần đến kỳ thi, Ón chăm chỉ tham gia các nhóm thi khối C trên mạng xã hội. “Em làm theo đề thi trên các nhóm, sau đó so với đáp án để biết kết quả làm bài của mình như thế nào!”.

Với cách học như vậy, Ón trở thành thành viên có điểm thi đại học cao nhất lớp với 23,5 điểm (chưa tính điểm ưu tiên) và chính thức đỗ vào Học viện Phụ nữ Việt Nam, ngành Quản trị Du lịch. Cứ tưởng con đường thực hiện ước mơ được học hành rộng mở thì Ón bất ngờ khi chị gái nói không đồng ý cho Ón đi học. “Lý do chị nói là vì nhà không có điều kiện và còn vì nhiều người học đại học ra không xin được việc làm”- Ón rưng rưng khi nhớ lại.

“Em đã khóc suốt mấy ngày liền khi biết mình sẽ không được đi học. Hôm trường gọi nhập học, em còn đang nằm viện vì bị đau lưng nên càng thấy buồn, cảm thấy chán nản vô cùng”- Ón tâm sự- “Có thể vì từ nhỏ em đã phải khiêng đồ nặng gấp mấy lần trọng lượng cơ thể lên đồi cao nên bây giờ rất hay bị đau nhức lưng.”

Nước mắt thôi rơi

Nỗi buồn không được đi học rồi cũng nguôi ngoai. Ón chia sẻ, chị gái Ón thường xuyên đau ốm, anh rể cứ 3h sáng đã phải ra khỏi nhà để đi làm. “Chị như người mẹ đã chăm sóc em từ khi còn nhỏ nên em biết mình cũng phải nén những mong ước cá nhân lại, để anh chị không phải quá vất vả vì mình”. Các anh chị khác của Ón, tư tưởng khá tiến bộ, không muốn em từ bỏ ước mơ được học nhưng vì hoàn cảnh cũng không giúp được gì.

Đầu tháng 9, khi bạn bè lũ lượt rời bản đi nhập học, cũng là lúc Ón thu xếp đồ xuống thủ đô… làm thêm. Anh họ xin cho Ón làm thêm tại một quán bia ở quận Nam Từ Liêm. Sáng nào cũng bắt đầu công việc từ 9h đến 14h chiều, nghỉ 2 tiếng lại tiếp tục làm đến 23h. Thời gian đầu mới làm, công việc khiến Ón rất mệt mỏi, cứ hết giờ làm là ngủ li bì. Dù vất vả nhưng lương tháng chỉ được 4 triệu đồng/tháng và được bao ăn ở.

Đến một ngày, Ón bất ngờ nhận được rất nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm xem em đang làm gì, ở đâu… “Lúc đó em sợ lắm, vì đã đọc thông tin có quá nhiều trường hợp bị lừa đảo. Nhưng khi anh họ em tìm hiểu thì biết, em có khả năng được quay lại học, lúc đó em rất vui nhưng cũng lại rất lo, vì sợ chị gái em kiên quyết không đồng ý”- Ón nhớ lại- “Chỉ đến khi biết, mọi người đã thuyết phục được anh rể và chị gái em đồng ý cho em đi học, em mới đỡ lo”.

Tao Thị Ón là 1 trong 10 em học sinh DTTS có số dân dưới 10.000 người (Lô Lô, Lự, Si La, Chứt, La Ha, Ngái, Pà Thẻn, Ơ Đu), không học trường phổ thông dân tộc nội trú đã trúng tuyển vào đại học năm 2019 sẽ được Uỷ ban Dân tộc vinh danh vào tối ngày 12/11/2019 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.

“Bố mẹ Ón đều đã mất, Ón ở với anh trai nên dù đỗ đại học mà không có điều kiện tiếp tục theo học. Mới đây sau khi tiếp nhận thông tin về hoàn cảnh của Ón từ Ủy ban Dân tộc, Học viện Phụ nữ Việt Nam (nơi Ón đăng ký nguyện vọng 1) đã tiếp nhận Ón vào học, dù Lễ khai giảng đã qua được 8 tuần. Ón sẽ được học bổ sung các học phần đã qua để sau này có thể thi tốt nghiệp cùng các bạn cùng khóa”- Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh thông tin.

Hiện tại, Ón đã nhập học tại Học viện Phụ nữ Việt Nam được 8 ngày. Vì nhập học muộn hơn so với các bạn mấy tuần nên Ón đang phải nỗ lực để… đuổi kịp chương trình. “Nhiều khi em cũng mệt, buồn ngủ nhưng lại nghĩ phải cố gắng nhiều hơn vì mình đang học chậm hơn các bạn. Em thường học đến 12 giờ đêm mới nghỉ”- Ón chia sẻ về sự nỗ lực của bản thân trong những ngày đầu được làm tân sinh viên đầy hứng khởi.

Bắt đầu hành trình mới

Chia sẻ về niềm vui được học đại học, Ón cười rất nhẹ nhưng đôi mắt lại thoáng thấy nỗi buồn: “Em thấy mình may mắn khi được đi học tiếp nhưng cũng buồn khi nghĩ tới ở bản em, có những bé gái 15, 16 tuổi đã làm vợ. Nhiều người tâm sự với em họ cảm thấy hối hận vì đã bỏ học, lập gia đình sớm. Vòng luẩn quẩn đói nghèo sẽ lặp lại nếu như các bé gái không được học hành và cả đời không ra khỏi bản. Nhớ hồi em còn ở nhà, dù rất thích đọc sách cũng không có tiền mua, thi thoảng lắm mới có một cuốn sách do anh trai mang về tặng…”.

Tao Thị Ón bắt đầu hành trình khám phá thế giới rộng lớn hơn khi nhập học ngành Quản trị Du lịch, Học viện Phụ nữ Việt Nam

 

Ón đăng ký học ngành Quản trị Du lịch vì còn nhớ kỷ niệm từ những chuyến đi hồi nhỏ. “Khi đó chỉ là rời bản ra huyện, thành phố, sau này là sang tỉnh khác. Chỉ 2-3 chuyến đi đã cho em thấy một cuộc sống khác hẳn ở nhà. Em muốn học thật tốt để sau này có cơ hội khám phá những vùng đất mới. Ở Hà Nội hơn 1 tháng rồi nhưng em cũng chưa được đi đâu vì thời gian đó em chủ yếu ở chỗ làm thêm!”.

Ón (thứ hai từ phải sang) trong cuộc thi "Khi tôi 18" do trường THPT Nậm Tăm (Lai Châu) tổ chức - Ảnh: NVCC

 

Thời gian này, Ón muốn tập trung cho việc học, sang học kỳ 2 khi việc học ổn định, em sẽ xin đi làm thêm để trau dồi khả năng giao tiếp, những kỹ năng khác cần thiết cho công việc sau này. Cũng như bạn bè cùng trang lứa, Ón hào hứng khoe, cô rất thích ban nhạc EXO của Hàn Quốc. “Dù thích nhưng em không thần tượng họ thái quá. Em nghe nhạc và dõi theo thần tượng để có động lực học, vơi bớt nỗi buồn và có thể nỗ lực nhiều hơn trong cuộc sống”. Ngoài ra, Ón còn rất thích xem phim ma và phim kinh dị, thích hát nhạc pop và thích nhảy…

Chặng đường phía trước còn dài, nhưng cô tân sinh viên người dân tộc Lự tự tin chia sẻ, em sẽ cố gắng thật nhiều để không uổng phí cơ hội được học và niềm tin, tình cảm của mọi người gửi gắm ở em. “Em cũng mong, trẻ em, đặc biệt là các bé gái ở bản làng em được học hành đến nơi đến chốn và cũng có thể bước ra khỏi bản để khám phá một thế giới rộng lớn hơn, không phải rơi nước mắt và buồn bã khi phải từ bỏ giấc mơ học hành. Mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta thực sự cố gắng”- Ón chia sẻ.

* Cô Lê Thị Mai, giáo viên chủ nhiệm Tao Thị Ón năm lớp 12, THPT Nậm Tăm: Ón học các môn đều chắc và là một tấm gương cho các bạn không chỉ trong học tập mà còn là một tấm gương sáng về nghị lực sống. Khi nhận tin Ón thi đại học được điểm cao nhưng gia đình không đồng ý cho đi học, tôi và nhà trường đã đến nhà thuyết phục gia đình Ón. Lý do, chị gái Ón (một người có suy nghĩ khá cổ hủ, cộng với hoàn cảnh gia đình khó khăn) muốn em nghỉ học ở nhà lấy chồng là vì anh trai của Ón cũng học đại học nhưng ra trường không xin được việc. Quan niệm của người dân tộc Lự, ở với ai thì người đó là cha là mẹ mình. Ón nhìn khỏe mạnh nhưng có bệnh về xương khớp, hay bị đau. Trong học tập, Ón chịu khó tự học, thường xuyên chủ động trao đổi bài với giáo viên.

Ón là học trò sống nội tâm, rất hay giúp đỡ bạn bè, cuộc sống khó khăn nhưng chưa bao giờ Ón ca thán hay than vãn về hoàn cảnh của mình. Trong buổi lễ bế giảng, Ón đã khiến cả trường rơi nước mắt khi viết lá thư kể về giấc mơ của mình. Trong lá thư đó, Ón viết, sự khác biệt của em với các học sinh khác là em chưa bao giờ được nhìn thấy bố mẹ, chưa bao giờ được nghe giọng nói của bố mẹ. Em mơ thấy bố mẹ có mặt trong Lễ trưởng thành của con. Khi tỉnh dậy em biết đó chỉ là giấc mơ nhưng giấc mơ đó cũng là động lực để em phấn đấu trong cuộc sống. 12 năm đèn sách giờ em đã có món quà tặng bố mẹ… Việc Ón đi học đại học khiến các giáo viên trong trường cũng vui. Đây sẽ là tấm gương truyền cảm hứng cho học trò dân tộc ở vùng cao…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm