pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ sinh giành 5 học bổng thạc sĩ toàn phần khi chưa có bằng đại học
Trần Thị Ngân
Trần Thị Ngân (sinh năm 1999, ở Lạng Sơn) tốt nghiệp Xuất sắc chuyên ngành Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương năm 2022, lĩnh vực Marketing ngành Xuất nhập khẩu Nông sản, thực phẩm. Ngân xuất sắc giành được 5 học bổng toàn phần ngay cả khi chưa có bằng đại học.
Ngân chia sẻ, mình có xuất phát điểm không quá "lung linh". Cô học chuyên Văn trường tỉnh, suốt 3 năm bị bạn chê vì đọc tiếng Anh buồn cười, học lệch, xấu và tự ti. Nhưng sau đó, Ngân đã đỗ ĐH Ngoại thương Hà Nội, ngành cao nhất Kinh tế Đối ngoại với điểm khối D 29/30 và nhận 4 kỳ học bổng học tập liên tiếp. Nữ sinh Lạng Sơn này cũng chinh phục thêm một loạt thành tích đáng nể.
Một số thành tích của Ngân
Lớp 10, Huy chương Vàng môn Ngữ Văn tại cuộc thi HSG Trại hè Hùng Vương
Lớp 11, học sinh vượt cấp duy nhất của tỉnh được vào đội tuyển Văn quốc gia
Thi đại học, học sinh được điểm thi THPT Văn cao nhất tỉnh 9.75/10.0
Đỗ ĐH Ngoại Thương Hà Nội ngành cao nhất Kinh tế Đối ngoại với điểm khối D 29/30, và nhận 4 kỳ học bổng học tập liên tiếp. Tốt nghiệp ĐH Ngoại Thương bằng Xuất sắc.
Năm 2020, đỗ học bổng trao đổi Erasmus+ của Uỷ ban Liên minh Châu âu tại Bỉ.
Năm 2021, đỗ học bổng Xuất sắc (1/3 sinh viên Top đầu khối ngành khác) Honda Award của công ty Honda Việt Nam.
Đỗ 5 học bổng toàn phần Thạc sĩ tại EU trị giá 4 tỉ khi chưa tốt nghiệp: Erasmus Mundus EU, Eiffel Excellence, France Excellence Pháp, Wageningen Hà Lan, Padova International Excellence Ý.
Theo học Thạc sĩ tại University of Bonn, điểm kỳ học GPA 1.5/5.0 (tương đương 90%).
Từ học viên trở thành Lecturer/Mentor học bổng tại HannahEd, hỗ trợ hơn 1000 bạn sinh viên tìm học bổng.
Trưởng nhóm dự án & đồng tác giả sách Erasmus Mundus Guidebook 2022.
Đại diện Việt Nam tại Youth Summit 2022, diễn đàn đối thoại sáng kiến hợp tác giáo dục EU-ASEAN.
Vào những năm đầu sinh viên, các thành tích của Ngân chỉ ở mức bình thường. Thế nhưng, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn khi Ngân có cơ hội nhận học bổng trao đổi Erasmus+ tại Bỉ từ năm 2020.
Trong suốt 6 tháng, cô đã đi 7 quốc gia Châu Âu, và càng đi thì lại càng mong muốn có được nhiều thời gian hơn nữa để tìm hiểu và gắn bó với khu vực này. Bởi vì vậy kể từ tháng 8 năm 2020 khi trở về Việt Nam để hoàn thành nốt việc học tại ĐH Ngoại thương, Ngân đã bắt đầu lên kế hoạch để xây dựng củng cố hồ sơ từ đầu, quyết tâm xin học bổng thạc sĩ EM để trở lại châu Âu.
Thời điểm đó, bộ hồ sơ của Ngân bắt đầu từ con số "không": Không IELTS, không nghiên cứu khoa học, không hoạt động ngoại khóa nổi bật. Chỉ sau 1 năm đó đến 2021, Ngân liên tục tập trung thời gian của mình để có 1 loạt bài công bố khoa học, thi chứng chỉ ngoại ngữ và tham gia các hoạt động quốc tế. Và đúng đến cuối năm 2021, cô đã hoàn thiện toàn bộ hồ sơ để nộp các hội đồng học bổng khi còn chưa tốt nghiệp.
Lúc nộp hồ sơ, Ngân có GPA 3.84/4.0, IELTS 6.5 và là khối trưởng khối Kinh tế Đối ngoại của trường.
Cách viết bài luận chinh phục Hội đồng tuyển sinh
Có hành trình "săn" nhiều học bổng cùng kinh nghiệm hỗ trợ nhiều sinh viên, Ngân cho rằng, việc xin học bổng thành công hay không phụ thuộc 40% vào bài luận. Bài luận ở đây sẽ bao gồm SOP (bài tiểu luận về mục đích học tập và nghề nghiệp); Motivation letter (Thư động lực), Letter of Intent (Thư ý định), Study Plan (Kế hoạch học tập), Professional Project (Dự định học),…
Ở các bộ hồ sơ học bổng, đây là mục gần như luôn chiếm trọng số cao nhất, đóng vai trò quyết định đến việc được lựa chọn của một ứng viên. Thậm chí có những học bổng như Chevening ở Round 1 (Vòng 1) chỉ yêu cầu ứng viên nộp 4 câu hỏi bài luận, để quyết định bạn có được vào Round 2 (Vòng 2) là Interview (Phỏng vấn) hay không.
"Qua việc phân tích bao nhiêu bài luận của các bạn mentee (người được cố vấn), đồng môn đạt học bổng, mình có thể tin rằng: Bài luận không phải là tốt nếu chỉ tập trung vào các yếu tố viết thật bay bổng, thật sáng tạo hay dùng những từ ngữ cao siêu, sâu sắc về học thuật. Một Study Plan/Professional Project tốt cũng không phải bạn cứ hứa rằng bạn sẽ thay đổi cả thế giới, hay kế hoạch hoành tráng trong tương lai, mà cần kế hoạch nhỏ nhưng thuyết phục.
Một bài luận tốt cơ bản phải làm nổi bật được điểm mạnh của bạn. Viết luận tốt trước khi nói đến khả năng viết thì cần biết người, biết ta để trăm trận trăm thắng. Vậy nên, cũng đừng lười mà dùng một bài luận cho tất cả các loại applications khác nhau", Ngân chia sẻ.
Một số điều Ngân lưu ý:
Bài luận sẽ cần thể hiện được màu sắc cá nhân của bạn, giá trị bạn sẽ mang đến chương trình, kết nối được những điểm liên quan (relevant) có trong CV của các bạn (Connect the dots) để làm sáng tỏ động lực lâu dài.
Bên cạnh việc đánh giá động lực, một bài luận tốt còn thể hiện tư duy logic ngôn ngữ của ứng viên - một điều mà chương trình tìm kiếm.
"Mình có cơ hội được nói chuyện với các bác trong tập đoàn của học bổng Erasmus mà mình đang theo học. Bác Sigurd điều phối có nói với mình, bài luận sẽ là nơi thể hiện được khả năng logic của ứng viên, điều các trường có thể dùng nó đánh giá cho việc bạn đi học có thể viết luận tốt hay không.
Và thật bất ngờ, là những gì mình viết trong bài luận Hội đồng lại được nhớ đến vậy, khi bác liên tục nhắc mình về những chi tiết rất nhỏ như kỳ trao đổi của mình ở Bỉ. Vậy mới thấy sức mạnh của bài luận sẽ có giá trị thế nào để kết nối mình với Hội đồng khi mà chúng ta đang cố giao tiếp với một người cách ta nửa bán cầu, không hề quen biết", Ngân nói.
Lúc viết bản thảo đầu, chúng ta nên:
- Hãy luôn chuẩn bị outline trước khi viết bài. Cung cấp cho người đọc một "sơ đồ" hợp lý theo trình tự, một cấu trúc bài luận hợp lý. Thứ tự logic có thể là: Trình tự thời gian (giai đoạn xa đến gần), không gian (theo từng khía cạnh), nhấn mạnh (important mesages first). Miễn sao có được sự kết nối dẫn dắt người đọc, ý trước làm sáng tỏ ý sau.
- Luôn viết rõ ý, viết có luận điểm rõ ràng cho mỗi đoạn.
- Viết có lý lẽ, dẫn chứng. Viết luôn có ý đồ, luôn có mục đích để thể hiện một ý tưởng nào đó gửi đến hội đồng, không có ý tưởng thừa, không trình bày lan man. Ngay cả khi viết về động lực, cũng hàm ý rằng bạn là người có trải nghiệm, có kiến thức và có những giá trị mà chương trình cần.
- Luôn hướng đến ý chủ đạo của một bài viết, tránh lạc đề hoặc sa đà vào kể chuyện nhưng không liên quan đến ngành học, bản thân.
- Sử dụng câu chuyển đoạn, chuyển ý để kết nối mạch viết.
- Ngắn và đủ mạnh. Một bức thư quá dài sẽ không được đánh giá cao như bức thư ngắn mà nêu bật được những điểm mạnh nhất của bạn.
- Bài luận luôn phải thể hiện được bản ngã của cá nhân bạn, không phải bản copy của bất kỳ một bài luận thành công nào khác. Dù cho câu hỏi bài luận có được định sẵn, bạn sẽ có vô vàn cách để tiếp cận vấn đề bằng những trải nghiệm của riêng các bạn.
Làm thế nào để có thể viết tốt hơn? Theo Ngân đó là cần đọc nhiều, đọc từ các bài viết chuyên ngành của bạn, đọc những bức thư động lực của bất kỳ ai, việc đọc thật nhiều sẽ khiến khả năng tổ chức ngôn ngữ viết hơn. Trong lúc đọc bạn có thể ghi chú lại bất kỳ cụm nào, cách phát triển ý tưởng của họ để sử dụng trong tương lai.
"Các bạn không cần phải là ứng viên xuất sắc nhất, nhưng sẽ là ứng viên phù hợp nhất. Sự phù hợp này được thể hiện ở những trải nghiệm bạn đã có, những mục tiêu nghề nghiệp, và những "khoảng trống" về kiến thức mà bạn đang cần phải lấp đầy.
Khi chọn một topic, hãy chắc chắn rằng các bạn thực sự hiểu về nó. Sẽ rất khó để bạn có thể giả vờ về một lĩnh vực mà bạn không thực sự quan tâm, dù bạn có để ý hay không thì từng câu chữ ở bài viết của bạn sẽ thể hiện điều đó", Ngân chia sẻ.
Với những ứng viên muốn đi học ở châu Âu, nữ sinh khuyên cần xác định sớm học bổng nào, tích cực tham gia hoạt động của phái đoàn Liên minh châu Âu ở Việt Nam và thể hiện mình thích nghi tốt bằng cách học ngôn ngữ của nước muốn tới du học.
"Mỗi quỹ học bổng đều có những mục tiêu riêng mà hội đồng học bổng không công khai cho bạn. Bí kíp là hãy biến mình trở thành một người phù hợp bằng cách "đọc vị" được những điều mà người ta đang tìm kiếm", Ngân nói.