Sinh ra không biết bố là ai
Những ngày đầu tháng Chạp, chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ của em Nguyễn Thị Hồng (SN 2003) tại xóm Trung Mỹ, xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
Ngôi nhà vắng lặng cô quạnh, trong tiết trời lạnh đến thấu da, Hồng ngượng ngùng mời chúng tôi ly nước lọc mới được lấy từ giếng của nhà. “Nhà cháu chỉ dùng nước lọc thôi, chứ chẳng bao giờ có chè xanh hay nước ấm… Tết cũng vậy thôi chú ạ”. Chúng tôi lặng người, không gian như lắng lại.
Cầm trên tay ly nước lạnh, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi những tiếng ho khan của chị Nguyễn Thị Châu (SN 1976, mẹ Hồng) đang nằm co quắp trong chiếc dường cũ kỹ nơi góc nhà. Bà Quy (bà ngoại của Hồng) nhanh lời: “Mẹ cháu mệt mấy ngày nay nên đang nằm nghỉ trong giường, còn bố cháu thì bỏ mẹ con nó từ hồi nó còn trong bụng, đến bây giờ Hồng vẫn chưa biết mặt bố”.
Bà Quy sinh được 8 người con, trong đó chị Nguyễn Thị Châu là người áp út. Cuộc sống chật vật, khó khăn nên gắng gượng nuôi mấy miệng ăn trong nhà đã là sự gian nan đối với bà Quy. Thế nhưng, chị Châu từ khi sinh ra đã bị khuyết tật, ngơ ngơ ngẩn ngẩn, không tỉnh táo như người khác. Cái ăn cái mặc hàng ngày lo chưa xong nên gia đình bà Quy cũng không thể có điều kiện để đưa con đi thăm khám, chữa trị được.
Trong một lần chị Châu dẫn trâu ra đồng, một người đàn ông thấy chị không bình thường đã dụ dỗ lấy đi đời con gái của chị Châu. Và rồi, hậu quả để lại cho cô gái này là một cái thai lớn dần trong bụng. Oái oăm hơn là chị Châu không nhớ người đàn ông nào đã dụ dỗ mình. Vì vậy, Hồng được sinh ra nhưng không biết bố là ai.
“Chúng tôi xem cháu Hồng như là một món quà, dù sao con gái tôi cũng không lấy được ai nữa. Sau khi Châu sinh xong thì vợ chồng tôi nuôi nấng, chăm sóc cả 2 mẹ con nó”, bà Quy cho hay.
“Từ khi sinh ra, em đã không có bố nên em cũng chẳng biết bố là ai. Có mấy lần hỏi mẹ và bà nhưng mẹ thì tinh thần không được tỉnh táo, mà bà thì cũng không biết rõ", Hồng ngậm ngùi.
Bán mái tóc dài hơn 1m
Nơi xóm nhỏ của xã miền núi Hương Sơn, Hồng vẫn ngày ngày dạo quanh làng để tìm công việc, mưu sinh phụ giúp gia đình. Cứ ai thuê gì thì Hồng làm nấy, những khi chẳng có việc, Hồng lại lượm nhặt những vỏ ống nhựa để bán kiếm tiền mua mớ rau, ít gạo sống qua ngày. Cuộc sống nơi quê nghèo quá đỗi chật vật, khó khăn, lắm lúc Hồng cũng muốn lao động sản xuất như bà con trong vùng nhưng chẳng thể, bởi gia đình em không có một sào ruộng nào, cái nghèo cứ bủa vây, mấy chục năm nay cuốn sổ hộ nghèo cứ gắn bó với gia đình mãi.
Chị Châu không tỉnh táo, bà Quy nay đã già không còn sức lao động, mọi việc trong nhà đều một tay em Hồng chăm lo. Dường như chính hoàn cảnh khó khăn đó đã làm cho Hồng trở nên chín chắn trước tuổi.
Thương xót cho đứa cháu ngoại, bà Quy bùi ngùi: "Mẹ cháu Hồng không được tỉnh táo như những người bình thường, dù đã lớn tuổi nhưng cứ ngây ngô như một đứa trẻ. Đến nỗi cái tên của nó mà nó cũng chẳng nhớ nổi. Có hôm cứ lang thang vật vờ, con gái nó lại chạy đi tìm, lắm lúc thấy thương cháu gái vô cùng, nhưng tôi nay tuổi đã già, sức đã yếu, đâu còn giúp được gì cho cháu nữa".
"Việc học hành của cháu rồi không biết thế nào, có theo học hết cấp 3 được không? Mọi chi phí học tập của cháu đều nhờ vào sự giúp đỡ của người thân, bà con lối xóm. Nhưng ở cái xóm nghèo này, cũng còn khó khăn lắm", bà Quy xót xa.
Ngày nào cũng vậy, cứ tan trường về, việc đầu tiên là Hồng gọi mẹ vì sợ mẹ đi đâu lạc mất, rồi cất cặp xách lúi húi vào bếp nhóm lửa nấu cơm canh, giặt đồ cho mẹ, ra vườn cắt cỏ cho bò.
Một buổi em đến trường, một buổi ở nhà làm việc phụ giúp gia đình. Để có tiền học tập, Hồng vẫn thường đi cuốc cỏ ruộng mía, sắn cho người dân trong xã. “Thực ra cũng không phải làm gì nhiều, bởi nhà có gì đâu mà làm. Tài sản lớn nhất của gia đình em là con bò được tặng theo chính sách dành cho hộ nghèo. Vì vậy sáng sớm em dậy cắt cỏ sẵn cho bò, nấu cơm sáng để cho mẹ và bà ngoại là đi học”, Hồng thủ thỉ.
Thương cô học trò nghèo, mọi người cũng hay giúp đỡ dù chẳng được là bao. Mấy năm trước, nhân lúc nghỉ hè dài ngày, Hồng còn xuống TP Vinh phụ giúp bán hàng cho một người quen để có tiền đóng học phí cho học kỳ mới.
“Năm nay Hồng lên lớp 10, quãng đường đến trường xa hơn trước gần 10km. May mà có người thân, bà con chòm xóm thương cảm góp được ít tiền mua cho cháu chiếc xe đạp để đỡ vất vả hơn trên đường tới trường. Thế nhưng, mới tháng 11 vừa rồi, cháu phải bán đi mái tóc dài hơn 1 mét được gần 1,5 triệu đồng để có tiền đi học. Thương cháu nhưng tôi chẳng có gì để cho”, bà Quy thở dài.
Dẫu khó khăn là vậy nhưng cô gái bé nhỏ này vẫn nhất quyết sẽ cố học xong THPT. “Em sẽ không bỏ cuộc đâu, em sẽ cố gắng học cho hết cấp 3 nếu có thể. Tùy vào hoàn cảnh, em sẽ tính tiếp”, Hồng nói.
“Hoàn cảnh em Nguyễn Thị Hồng đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, nhà trường có dành quà từ các đoàn từ thiện cho em. Hồng cũng được miễn các khoản đóng góp (trừ các khoản bắt buộc). Tuy nhiên cuộc sống của em còn vất vả lắm!", Thầy giáo Nguyễn Văn Thịnh, Hiệu trưởng trường THPT Tân Kỳ 3, chia sẻ.