Nữ sinh viên kỹ thuật dễ kiếm việc

21/10/2015 - 21:49
Cả lớp, thậm chí cả khóa học với hàng trăm sinh viên nhưng chỉ có duy nhất một sinh viên nữ là chuyện không hiếm ở các ngành khối kỹ thuật.

“Bóng hồng” duy nhất của lớp

Những lớp học lác đác một, hai sinh viên nữ chủ yếu ở các trường khối kỹ thuật như: Công nghiệp, Bách khoa, Giao thông vận tải... Khoa Cơ khí khóa 9, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, có hơn 10 lớp nhưng chỉ vỏn vẹn 5 sinh viên nữ. Đây là khoa có điểm đầu vào cao nhất nhì trường.

Là nữ sinh viên duy nhất trong 35 sinh viên lớp chất lượng cao Cơ khí 1, Nguyễn Thị Đào chia sẻ: “Đến ngày nhập học, bố mẹ vẫn hỏi xem mình có quyết tâm vào ngành này không. Tất nhiên là mình quyết theo bởi sở thích và thấy cơ hội làm nghề sau khi ra trường dù biết sẽ phải học vất vả hơn”. Tuy nhiên, những ngày đầu vào lớp, Đào cũng không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ và buồn khi lớp chỉ có một mình cô là nữ. “Lúc đầu nhiều bạn thắc mắc tại sao con gái lại học cơ khí. Đến tận bây giờ, chỉ khi mình đưa thẻ sinh viên ra mọi người mới tin. Mới đầu có chút lạc lõng nhưng chỉ khoảng 1 tuần, mình đã hòa nhập, chơi khá thân với các bạn”, Đào chia sẻ.

Kỷ niệm khiến Đào ấn tượng nhất vẫn là những ngày thực hành. “Có hôm lịch học kín mít, sáng học xong mình chưa kịp ăn trưa đã phải vào lớp chiều. Cũng may các thầy tâm lý, tạo điều kiện cho mình có thêm thời gian ăn, nghỉ trưa rồi mới tiếp tục học”.
Còn Nguyễn Thị Thanh Lam (lớp Cơ khí 2, khóa 9, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) gặp khó hơn khi ban đầu ai cũng ra sức can ngăn Lam không nên theo ngành này. Đến nay, Lam đã quen với chuyện cả bàn tay phỏng rộp khi thực hành tháo lắp các chi tiết máy. Thỉnh thoảng, trong quá trình cắt gọt phôi, phoi bay ra bắn vào người, cháy sém quần áo bảo hộ, gây bỏng. Vì vậy, tay, chân, cổ của Lam có khá nhiều sẹo. Lam chia sẻ, hồi đầu còn thấy đau, giờ bị nhiều quá nên thành quen.



Nguyễn Thị Đào và Nguyễn Thị Thanh Lam (từ trái sang) trong một giờ thực hành của khoa Cơ khí. (Ảnh: THANH HÙNG)

Khoa Công nghệ ô tô, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, mỗi khóa thường chỉ có 1 sinh viên nữ. Nguyễn Thị Mai Trang (khóa 9, Khoa Công nghệ Ô tô) chia sẻ: “Những ngày đầu, cả khóa mỗi mình là con gái nên không dám nói học ngành này mà thường nói là học khoa điện, bởi khoa đó có nhiều nữ hơn. Giờ đã quen, ai hỏi mình cũng mạnh dạn nói là dân ô tô”.

Học trước Trang một khóa, năm nay đã là sinh viên năm 3, Chu Thị Hằng chia sẻ: Dù thích nhưng Hằng cũng không thoát khỏi những lần nhụt chí, chán nản khi gặp bài tập khó. “Đôi khi thực hành không làm được hay không nhớ cách tháo lắp là mình thấy nản, muốn từ bỏ. Song, khi nhận được sự động viên, ủng hộ của gia đình, thầy cô, bạn bè, mình lại tiếp tục cố gắng”, Hằng cười.

Chu Thị Hằng, sinh viên khoa Công nghệ Ô tô, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đang tháo một chi tiết máy dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Tiến Hán. (Ảnh: THANH HÙNG)

Cẩn thận, tỉ mỉ

Vóc dáng nhỏ nhắn nhưng Lê Quỳnh Trang chọn ngành Kỹ thuật Hàng không, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ngay từ đầu. Lớp có 2 sinh viên nữ trên tổng số gần 30 sinh viên. Trang kể: “Năm đầu tiên học đại cương chung với các bạn khoa Cơ khí, giảng đường 200 người chỉ có mỗi mình là nữ ngồi lọt thỏm. Mình rất choáng. Có bạn còn hỏi, cậu bé tí như thế này làm sao mà vặn tua-vít được?”.

“Lần mình bảo vệ đồ án, các bạn nam đứng ngoài cửa đợi, họ chỉ lo mình không qua được. Nhận được sự quan tâm từ các bạn mình thấy thật sự xúc động. Đi đâu nghe các bạn nam trong lớp tự hào khoe với các bạn trong khoa là lớp có 2 nữ chứ không phải toàn con trai mình cũng thấy vui lây”, Trang nói.

Trang cảm nhận được giá trị bản thân hơn khi học ngành kỹ thuật bởi cô có thể làm được nhiều điều tưởng chỉ dành cho nam giới như sửa điện, cài đặt phần mềm... Những kỹ năng này sẽ hỗ trợ Trang nhiều  trong cuộc sống. Học trong môi trường toàn con trai nhưng Trang cũng như nhiều bạn nữ khác chưa bao giờ cảm thấy bị cô lập bởi họ nhận được sự chia sẻ của các bạn cùng lớp, đặc biệt là các thầy, cô.

“Với nữ sinh khoa Công nghệ ô tô, cơ hội việc làm rất rộng mở. Nữ sinh viên của khoa gần như không phải xin việc mà các doanh nghiệp tự tìm đến. Thậm chí chưa ra trường đã có các doanh nghiệp “đặt hàng” tuyển. Dù việc học hơi vất vả nhưng ra trường có thể làm nhiều vị trí, không nhất thiết phải làm những việc cần nhiều sức lực mà có thể thiết kế, bán hàng... Kiến thức được học sẽ giúp sinh viên nữ khối kỹ thuật có được lợi thế khi tư vấn cho khách hàng” - Thầy Nguyễn Tiến Hán, Phó trưởng khoa Công Nghệ ô tô, ĐH Công nghiệp Hà Nội

“Các sinh viên nữ của khoa sau khi tốt nghiệp, số thì vào làm việc ở các công ty, số khác vào dạy tại các trường nghề, giảng viên trung tâm đào tạo cho một số công ty liên doanh lớn với mức thu nhập khả quan và ổn định. Với sinh viên nữ sau khi ra trường, gần như 100% có việc, phần lớn là lương cao” - Thầy Nguyễn Văn Thiện, Phó trưởng khoa Cơ khí, ĐH Công nghiệp Hà Nội

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm