Theo ghi nhận của chương trình Bảo vệ môi trường Hà Nội, chỉ số quan trắc tính đến ngày 16/9 chất lượng không khí ô nhiễm càng tăng thêm.
Ô nhiễm kéo dài liên tục trong nhiều ngày mà không thấy có sự giảm (từ ngày 13/9), chỉ số ô nhiễm không khí đều ở trên mức 100 (từ 109 đến 149) tức là ở ngưỡng chất lượng không khí kém.
Trao đổi với PV về việc có thông tin cho rằng bụi mịn có chứa nhiền hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gen, Tiến sĩ Lý Bích Thủy - Chuyên gia về ô nhiễm không khí (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho hay, nồng độ bụi PM2.5 cao thể ảnh hưởng tới sức khỏe, chủ yếu lên hệ hô hấp và tim mạch. Ngoài ra trong bụi mịn có những thành phần khác nhau, có thể là các kim loại nặng và nhóm gây ảnh hưởng khác. Tuy nhiên, các nguy cơ tới sức khỏe cần được đánh giá dựa trên thông tin cụ thể về thành phần, hàm lượng các chất trong bụi bên cạnh thông tin nồng độ bụi.
Tiến sĩ Thủy cũng cho biết thêm, không hẳn là cứ nhiệt độ càng cao thì ô nhiễm nhiều mà mùa đông mới bị ô nhiễm nhiều hơn. Khi nhiệt độ càng cao thì không khí ô nhiễm có khả năng bay cao hơn và do đó được pha loãng hơn. Vào mùa đông, thường xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt cùng các điều kiện khí tượng bất lợi khác khiến nồng độ chất ô nhiễm tăng. Nghịch nhiệt là hiện tượng một lớp khí phía trên có nhiệt độ ngược với quy luật càng lên cao càng giảm. Lớp khí khiến này cản trở các chất ô nhiễm bay lên cao khiến cho nồng độ chất ô nhiễm phía dưới tăng lên.
Vào thời tiết giao mùa như hiện nay, nồng độ ô nhiễm hiện đang tăng cao hơn so với các tháng mùa hè, nhưng thấp hơn các tháng mùa đông. Ngoài ra nồng độ các chất ô nhiễm có thể tăng cao theo từng đợt. Người dân cần chú ý các vấn đề về sức khỏe. Nếu dùng khẩu trang thì nên dùng loại khẩu trang chuyên dụng để loại bỏ bụi mịn. Cần lưu ý là các loại khẩu trang thường và cả y tế chỉ loại bỏ được một phần bụi PM2.5.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Vinh - Viện Chiến lược phát triển (Bộ kế hoạch và Đầu tư), để giải quyết triệt để cần tìm hiểu nguyên nhân do đâu mà Hà Nội lại có mức ô nhiễm không khí cao như vậy. Có thể do không khí ở trên lạnh chưa tan, tích tụ không khí lại khiến gây ô nhiễm. Nếu là tình trạng không khí theo mùa lúc bị ô nhiễm nhất là sáng sớm, còn đến trưa loãng đi một chút, buổi tối mặt trời lặn, không khí thoát ra được, đỡ ô nhiễm hơn. Người dân cần hạn chế tối đa tham gia giao thông, không để tắc đường. Để giải quyết vấn đề này là cả một bài toán dài, không chỉ ngày một ngày hai. Ngay cả bây giờ sự quản lý từ các công trình xây dựng cho đến vận chuyển vật liệu xây dựng cần hạn chế bớt, nhất là các phương tiện cá nhân, giảm khí thải của ô tô, nhà máy, vật liệu xây dựng phải được che chắn.
Bên cạnh đó phải xem nguồn gốc rác thải, những cơ sở sản xuất công nghiệp. Hà Nội đông lượng người dùng than vẫn còn, góp phần vào việc gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân này phải được xác định bằng thực chứng, bộ phận chuyên môn xác định. Cụ thể như khu vực Thanh Xuân, Hà Nội đang tồn tại nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp chưa rời khỏi đô thị gần dân – Tiến sĩ Nguyễn Thế Vinh chia sẻ.
- Trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp cần phải hạn chế ra ngoài trời. - Việc ô nhiễm kéo dài gần như liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, nhiều nhất là sáng sớm, khoảng thời gian này nhiều người lựa chọn ra khỏi nhà để tập thể dục vì cho rằng đây là thời gian không khí trong lành nhất, tuy nhiên không nên chủ quan trước những hiện tượng ô nhiễm không khí này. |