|
Đội tuyển Olympic người tị nạn |
Không đến từ vùng lãnh thổ hay quốc gia nào, không thi đấu vì màu cờ sắc áo của bất cứ địa giới hành chính nào, họ là đội quân của những VĐV "tị nạn". Điểm đáng lưu ý nhất, họ đều là nạn nhân của những cuộc chiến tranh, xung đột sắc tộc, buộc phải rời bỏ quê hương. Đội quân này chỉ có vỏn vẹn 10 thành viên, trong đó 2 VĐV đại diện cho Syria - nơi vẫn đang tràn ngập khói lửa, 2 từ Cộng hòa Congo, 5 người từ quốc gia non trẻ Nam Sudan và 1 người đến từ Ethiopia.
|
Vận động viên Popole Misenga bế con trai 1 tuổi |
Cô Yusra Mardini đã thoát chết từ chiếc thuyền bị vỡ ở biển Địa Trung Hải. Cô hiện đang sống và đào tạo tại Đức nhưng vẫn mong một ngày được trở lại quê hương Damascus (Syria). Anh Popole Misenga nay coi Brazil nhà của mình sau khi cuộc nội chiến tại nước Cộng hòa Congo biến anh thành đứa trẻ mồ côi. Yiech Pur Biel và Anjelina Nadai Lohalith đã trải qua nửa cuộc đời trong một trại tị nạn ở Kenya sau khi chạy trốn khỏi đất nước Sudan bị chiến tranh tàn phá. Lohalith chỉ mới 6 tuổi khi chạy trốn khỏi quê hương. Bây giờ, ở tuổi 21, cô vẫn chưa tìm lại được cha mẹ của mình. "Chúng tôi đã có quá nhiều nước mắt của nỗi buồn. Bây giờ, chúng tôi chờ đợi nước mắt của niềm vui", Biel nói. Điều Biel ám chỉ đó chính là lễ khai mạc Thế vận hội Rio. Trên sân vận động Maracana, họ sẽ tham gia lễ diễu hành giống như 206 đoàn thể thao khác. Họ không có lá cờ riêng, trước họ là lá cờ Olympic.
|
Khát vọng sống của những vận động viên tị nạn |
Thể thao đã mang đến cơ hội để cho các thành viên của "đội quân tị nạn" cảm thấy họ là một VĐV bình thường. Là những VĐV, lý do họ có mặt ở Rio không khác gì so với Michael Phelps hay LaShawn Merritt. Dù không phải là những ứng viên sáng giá nhưng họ vẫn tràn đầy lạc quan trên hành trình của mình.
Không chỉ đặt mục tiêu giành chiến thắng đơn thuần, thông điệp mà "đội quân tị nạn" muốn phát đi tới toàn thế giới chính là khát vọng về hòa bình, để không có thêm những người như họ ở những Thế vận hội trong tương lai.
|
Nữ VĐV bơi lội người Syria Yusra Mardini |
Nữ VĐV bơi lội người Syria Yusra Mardini (18 tuổi) là người có hành trình chông gai nhất. Mardini và người chị ruột Sarah buộc phải rời khỏi nhà ở Damascus vì bị phá hủy. Hai chị em băng bộ qua các trại tị nạn ở Lebanon, và cũng giống như hàng nghìn người Syria khác, họ quyết định tìm cuộc sống mới ở châu Âu bằng cách vượt biển trên con thuyền cũ kỹ, thiếu dụng cụ để tới Hy Lạp. Con thuyền mà Mardini đi chở 20 người vượt biển là con số quá tải nên nửa chừng bị chìm dần. Trong số 20 người trên thuyền chỉ có 4 người biết bơi. Mardini kể lại cô phải một tay giữ chặt dây để cứu thuyền trong suốt 3 tiếng rưỡi đồng hồ cùng với chị Sarah và 2 người còn lại để đẩy thuyền vào đảo Lesbos của Hy Lạp. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên, không thể diễn tả được nhưng thực sự cho thấy khát vọng sống và hòa bình của người tị nạn.
Yusra Mardini từng thi đấu cho đội tuyển Syria tại giải vô địch thế giới năm 2012. Ngay sau khi tới Berlin, cô gái Syria này nhận được thư mời gia nhập đội tuyển của IOC. Chưa đầy một năm sau khi phải rời quê hương, Mardini thừa nhận "giấc mơ dự Olympic đã trở thành sự thật". Điều Mardini muốn thể hiện nhất ở Rio không phải là năng lực thi đấu mà cô muốn cùng với đồng đội cho thế giới thấy được "người tị nạn" không phải là một từ xấu. Những người từng cùng chiếc thuyền vượt biển này đều hết lòng ủng hộ Mardini thi đấu ở nội dung 100m tự do và 100m bướm. "Tất cả họ đều biết tôi góp mặt ở Olympic Rio 2016 và từng nói với tôi rằng bạn xứng đáng được như thế", Mardini nói.
Cô gái người Syria nói rằng: Vị nam tước người Pháp Baron Pierre de Coubertin sáng lập ra Olympic hiện đại cùng với phương châm "Điều quan trọng trong cuộc sống không phải là chiến thắng mà là cuộc tranh đấu". Với cô, thông điệp cho Olympic ở thế kỷ XXI đơn giản chỉ là "Đừng bao giờ bỏ cuộc".
Chính Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon đã có buổi gặp mặt các thành viên Đội tuyển Olympic người tị nạn. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông và những người hâm mộ thể thao trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới II. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đã chọn Ibrahim Al-Hussein, một người tị nạn Syria, tham gia đoàn rước đuốc Olympic. Hiện anh đang sống tại Athens (Hy Lạp).
|
Ibrahim Al-Hussein, một người tị nạn Syria, tham gia đoàn rước đuốc Olympic |