Ông bà ở quê lăn đùng ra ốm vì trông cháu nghỉ dài ngày "né" dịch SARS-CoV-2

N.Minh
24/02/2020 - 17:31
Ông bà ở quê lăn đùng ra ốm vì trông cháu nghỉ dài ngày "né" dịch SARS-CoV-2
Học sinh được nghỉ do dịch SARS-CoV-2 dài ngày, nhiều cha mẹ phải mang con về quê gửi ông bà. Tuổi già, sức yếu, nhiều ông bà phờ phạc, phát ốm khi đảm nhận nhiệm vụ quản lý các cháu trong đợt dịch.

Sau hơn 3 tuần trông 2 đứa cháu ngoại (lớp 3 và mẫu giáo) nghỉ dịch SARS-CoV-2, bà Phạm Thị Lan - ông Phạm Văn Thăng (hơn 70 tuổi, ở Lộc Hòa, Nam Định) trông phờ phạc, già đi vài tuổi. Đây không phải lần đầu ông bà trông cháu dài ngày bởi ông bà vẫn thường trông các cháu dịp hè. Tuy nhiên, trông các cháu trong đợt "né" dịch SARS Cov-2, sự mệt mỏi tăng gấp bội.

Ông bà chăm các cháu những ngày nghỉ dịch Sars- Cov-2. Ảnh minh họa

Ông bà chăm các cháu những ngày nghỉ dịch SARS-Cov-2. Ảnh minh họa

Đã ngoài 70 tuổi, bình thường, hai ông bà ở nhà tự chăm nhau cũng khiến con cái ở Hà Nội không yên tâm. Bởi, ông bị huyết áp cao và "sở hữu" vô số căn bệnh của người già. Vì vậy, ngày nào các con cũng thay nhau gọi điện hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, dặn bố mẹ uống thuốc, uống nước thảo dược để hạ huyết áp, giảm mỡ máu, bổ gan, tốt cho thận… Lọ mọ hết cơm nước đến thuốc thang cũng đã quá sức với những người cao tuổi như ông bà.

Vậy mà đùng một cái, tuần đi học đầu tiên sau Tết, cô con gái mang 2 đứa con trai về gửi ông bà nhờ trông hộ. Đã mệt vì chăm nhau, giờ trông 2 đứa cháu trai "nghịch như giặc", ông bà vô cùng mệt mỏi. Dịp hè, các cháu có thể tung tăng ra ngoài vui chơi, đá bóng. Trông các cháu nghỉ dịch, các cháu bị nhốt trong nhà hò hét "váng trời", lại thêm phục vụ cơm nước, tắm rửa cho các cháu, ông bà gần như kiệt sức.

Sang tuần thứ 2, quá tải với việc chăm cháu, bà Lan lăn đùng ra ốm. Không có cách nào, chị Phạm Thanh Huyền đành xin nghỉ phép 1 tuần về chăm mẹ, trông con. Hết phép, chị Huyền lên Hà Nội đi làm, 2 đứa con vẫn phải nhờ ông bà chăm. Cuối tuần nào, chị Huyền cũng đi ô tô khách gần 90 km về phụ giúp bố mẹ. Nhìn bố mẹ mệt mỏi, già yếu hơn sau những ngày chăm các cháu, chị Huyền cảm thấy rất thương và áy náy với bố mẹ.

Không chỉ chăm sóc các cháu ăn uống, ông bà còn phải nghĩ các trò cho các cháu chơi. Ảnh: T.H

Không chỉ chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho các cháu, ông bà còn phải nghĩ đủ các trò cho các cháu chơi. Ảnh: T.H

Thế nhưng, công việc không cho phép chị Huyền làm ở nhà, 2 con nhỏ cũng không thể ở nhà trông nhau, chị chỉ có cách nhờ đến bố mẹ. "Tôi lo dịch còn diễn biến phức tạp khi các ca lây nhiễm ngày càng tăng ở Hàn Quốc, Nhật Bản... Nếu học sinh tiếp tục nghỉ, tôi không biết sẽ xoay sở thế nào. Chăm các cháu kéo dài, ở tuổi không còn khỏe này, bố mẹ kiệt sức và ốm thì phận làm con như tôi vô cùng ân hận…", chị Huyền lo lắng.

Cũng gửi con về quê nhưng vợ chồng chị Phạm Hải Yến (khu Kim Liên, Hà Nội) không yên tâm gửi con cho ông bà bởi chị lo cậu con trai lớp 2 vốn hiếu động sẽ gặp tai nạn khi ở đó. Nhà ông bà ở mặt đường, ô tô, xe máy đi lại rầm rập. Chỉ cần con mải đùa nghịch, đuổi nhau với bạn thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chính vì thế, chị nhờ chị gái là giáo viên trông hộ. Con vừa được quản lý tốt lại vừa được bác kèm học hành. Thế nhưng, cậu con trai lần đầu xa bố mẹ ngày nào cũng gọi điện ỉ ôi khóc lóc khiến vợ chồng chị sốt ruột không yên.

"Bất kể lúc nào, đang họp hay đang làm việc, nghe tiếng điện thoại của con là tôi giật mình thon thót, chỉ sợ có chuyện gì xảy ra với con. Đa phần, con kêu nhớ bố mẹ, con chán không muốn ở quê. Con khóc vì đêm khó ngủ… Mỗi ngày, con phải gọi cho bố mẹ vài chục cuộc điện thoại. Con đếm từng ngày để cuối tuần được lên Hà Nội đi học, còn chúng tôi cũng đếm từng ngày mong hết dịch, để cuộc sống bình thường quay trở lại, gia đình được đoàn tụ", chị Yến cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm