pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ông chú 60 tuổi chỉ ra những điều phải biết để quản lý tốt tiền bạc
Nhiều người cho rằng những lời dạy về tài chính của bậc cha chú đã không còn hữu ích với giới trẻ, đặc biệt là trong lúc nền kinh tế biến chuyển quá nhanh. Nhưng cốt lõi của việc xây dựng tài chính không nằm ở thế hệ, mà nằm ở cách làm sao để nắm giữ và xoay chuyển dòng tiền.
Như chia sẻ từ một người tay trắng làm nên - chú Đại (1963, Quảng Nam, Kinh doanh bất động sản), 30 tuổi lấy vợ không có tích lũy gì. Ấy vậy mà 30 năm sau, tiền bạc rủng rỉnh, nhà xe đầy đủ, cùng với việc nghỉ hưu trong sự an toàn của tài chính. Ngoài 60, chú Đại sở hữu 5 quán cafe ở quận Tây Hồ, 1 khu resort ở Hội An và một vài bất động sản định cư ở ven biển.
Một câu chuyện truyền động lực cho những người trẻ đang rối ren với cách quản lý tiền bạc của mình!
Những năm 20 tuổi: Tích lũy kinh nghiệm, lấy lỗ làm lời
Chú Đại cho biết, trước khi bước sang tuổi 30, trong tay chú gần như không có khoản tích lũy nào, chỉ có kiến thức và trải nghiệm. Nhưng đây lại chính là “cần câu cơm” giúp chú bứt phá cực kỳ nhanh: “Tuổi 20 quan trọng là học hỏi và xác định được định hướng của chính mình. Nhiều đứa trẻ bây giờ cứ lao vào kiếm tiền trước mà không lo tu dưỡng bản thân, đến khi có chút tích lũy rồi thì tuổi tác ập đến, mà tầm nhìn xa cũng chẳng có!”
Những lời răn dạy này sẽ dễ hiểu hơn khi gắn vào câu chuyện thực tế của chú Đại:
“Ở tuổi 20 của chú, học đại học gần như là điều gì đó xa xỉ. Để có tiền cho con đi học, ba mẹ đã nhịn ăn nhịn mặc, vay mượn, thậm chí là bán nhà. Vậy nên thời đó ai học đại học, cũng học rất nghiêm túc, sau này hầu hết cũng thành người thành công. Bây giờ tụi trẻ ai ai cũng học cao, nhưng không hiểu học để làm gì. Đó là lý do dẫn đến việc vừa ra trường, vội vã lao vào công việc 8 tiếng đồng hồ để ổn định. Rồi nhận lương hàng tháng nhưng tiêu xài nhiều cho tiêu sản - như một vòng lặp kéo dài. Những năm 1980, có những tháng chỉ kiếm được vài trăm ngàn đồng, nhưng vẫn có dư. Vậy mà mấy đứa tụi mày lương tháng mấy chục triệu, vẫn không để ra được khoản nào?
Nguyên tắc của chú, một đồng tiền kiếm được - tiêu ra, phải là đồng tiền “một vốn bốn lời”. Lao vào kiếm tiền ở tuổi 20 không sai, nó chỉ sai khi không dùng số tiền kiếm được để đầu tư vào bản thân, kiến thức, lấy lỗ làm lời để tiến xa hơn vào tương lai. Không có khoản đầu tư nào lời hơn việc đầu tư để phát triển bản thân thời điểm này. Dù là trường học hay trường đời, hãy luôn tiêu tiền một cách có mục đích.
Đầu tư thì chấp nhận rủi ro và đôi khi là “mất trắng”
Để có được tích lũy tài sản như hiện tại, chú Đại nhắc đi nhắc lại: Hãy luôn đi trước người khác một bước. “Khi bạn bè còn đi học thì mình mày mò làm thêm, khi bạn bè bắt đầu thực tập hay nhận công việc mới thì mình đã lăn lộn khắp nơi, khi có cơ hội đầu tư thì không được để nó tuột khỏi tay mình. Và khi gặp rủi ro thì hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất” - Điều này được ứng dụng trong tất cả những ngành nghề mà chú đã làm, đặc biệt là mảng bất động sản.
Trải qua những năm làm thuê - làm chủ rồi lại “làm thuê cho nhân viên của chính mình”, chú Đại cho biết: “Cả cuộc đời phải gắn với công việc. Vậy nên làm bất cứ điều gì cũng hãy tận tâm, và nhìn xa chứ đừng nhìn gần.
Trong gần 20 năm buôn đất, lúc nào chú cũng phải tìm cách để đi trước người khác một bước. Ở đâu có cơ hội là phải chớp lấy, mảnh đất nào có tiềm năng sinh lãi cao là tìm mọi cách xoay xở tiền bạc để có thể mua về. Khoảng thời gian đó liên tục ăn ngủ trên tàu xe để đi kiếm đất, kiếm tiền. Có những khoản đầu tư chú lời gấp 3 lần chỉ sau 2 năm. Nhưng không vì kiếm được tiền mà bỏ quên việc tích lũy cho tương lai. Và lúc nào cũng phải dự phòng rủi ro. Vì cuộc sống thì làm gì có chuyện thuận buồm xuôi gió mãi được.”
Cũng có những lần “lỗ nặng” - chú Đại nói. Vì lãi ngân hàng thì tăng cao, mà đất thì chững. Đây là rủi ro mà chú đã xác định từ những lần đầu tư trước. Lúc này thì phải chịu lỗ, bán hết để trả nợ vì không thể gồng gánh mãi được. Nhưng không vì thế mà nản. Cũng có vài lúc trắng tay, khi đó chú chia sẻ: “Khi không còn gì thì mình nghĩ về gia đình và lấy động lực làm lại. Bôn ba nhiều năm lắm, cực khổ đủ bề nhưng đổi lại được những kinh nghiệm xương máu. Để từ đó mình học cách quản trị nguồn vốn, dòng tiền tốt hơn.”
Học cách mua tài sản - đừng mua tiêu sản
Sau khi có được những thành quả nhất định, chú Đại quyết định nghỉ hưu và chuyển sang quản lý từ xa. Dù đã qua tuổi 60 nhưng chú vẫn không ngừng học hỏi. Để có thể thoải mái nghỉ hưu, tiền bạc thoải mái thì chú Đại chia sẻ: “Đừng mua quần áo hay dát những thứ đẹp đẽ lên bên ngoài. Hãy học cách dát tri thức, kinh nghiệm và tài sản cho chính mình. Hãy tự tạo cho mình nguyên tắc về quản lý tài chính riêng. Cá nhân chú thì “1 vốn 4 lời” như đã nói, tiêu 1 đồng là phải kiếm về 4 đồng.”
Đối với những nguyên tắc quản lý tiền bạc của chính mình, chú Đại có thêm một vài gạch đầu dòng sau đây:
- Mua tài sản nhiều: Nhà, xe, vàng bạc, đất đai hoặc đơn giản là kiến thức.
- Tiết kiệm hết mức có thể, ít nhất là 50% số tiền kiếm được: Tuy là người có tài chính rủng rỉnh, nhưng lúc nào bắt gặp chú Đại cũng là chiếc quần jean đã sờn cũ, chiếc áo phông khâu vài đường trên vai, đôi dép lê đơn giản. Với chú, việc có tiền trong túi quan trọng hơn vẻ đẹp bề ngoài.
- Liên tục cập nhật kiến thức về tài chính, điều chỉnh cách quản lý tiền nong phù hợp với bản thân mình: Không lạ gì hình ảnh chú Đại ngồi cắm cúi đọc bản tin tài chính kinh tế hàng ngày, hay chẳng ngần ngại ngồi với đám trẻ tụi tôi để nghe xem người trẻ bây giờ đang nghĩ gì về việc kiếm tiền - tiêu tiền. Việc luôn biết kinh tế hôm nay biến động thế nào đã là thói quen không thể bỏ của chú.
Sau vài chục năm thì những lời khuyên và thói quen về tài chính của bậc cha chú có lẽ không còn đúng 100% với thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z. Nhưng đây lại là những điều cơ bản, giúp cho chú Đại có cuộc sống nghỉ hưu trọn vẹn: Tài chính rủng rỉnh - Tinh thần minh mẫn. Không có lời giải nào chính xác cho bài toán tài chính của bạn, chỉ có lời giải phù hợp nhất. Hãy lắng nghe, học hỏi để tìm ra được phương pháp quản lý tiền nong đúng đắn với mình!