Ông Thào Xuân Sùng: Nông dân thời 4.0 'không để bị bắt nạt'

14/12/2018 - 08:48
“Tôi là con của nông dân và giờ là hội viên, rồi Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam. Tôi tâm niệm rằng nhiệm vụ của tôi cũng như của Hội là phải có trách nhiệm bảo vệ người nông dân để họ không bị bắt nạt”, ông Thào Xuân Sùng cho biết.
“Nông dân thời 4.0 không để mình bị bắt nạt”
 
Tại cuộc họp báo ngay sau lễ bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam ngày 13/12, ông Thào Xuân Sùng, người vừa tái đắc cử chức Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khóa VII (nhiệm kỳ 2018 - 2023) đã có những phút trải lòng với báo chí.
 
hb.jpg
Đại hội đã bầu 21 Ủy viên Ban Thường vụ, bầu Chủ tịch và 5 Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN
 
 
 
Trả lời câu hỏi của báo chí về vai trò và hình mẫu của người nông dân Việt Nam trong thời đại “cách mạng 4.0”, ông Sùng chia sẻ ngắn gọn: “Lúc tôi còn là một đứa trẻ, là con của người nông dân thì tôi có 2 ước mơ: Thứ nhất là được đến thăm nhà sàn và gặp Bác Hồ, thứ hai là tôi được vào thăm hội trường Ba Đình vì tôi nghe bố tôi kể rất nhiều. Ông nói rằng tất cả những quyết định từ Ba Đình đều là quyết định đúng đắn và tạo ra thắng lợi. Vậy ước mơ của người nông dân thời cách mạng 4.0 là gì? Đơn giản thôi, đó là người nông dân ước mơ mình sẽ không bị bắt nạt. Không bị chèn ép để rồi được mùa lại mất giá, không bị thu hồi đất mà không được đền bù thỏa đáng, không bị tụt hậu... Do đó, với cương vị là Chủ tịch Hội, tôi nghĩ rằng Hội phải có trách nhiệm bảo vệ người nông dân để họ biến ước mơ của mình thành sự thực. Nói nôm na, nông dân thời 4.0 là không để mình bị bắt nạt”.
 
Ông Thào Xuân Sùng cho biết, một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong số 14 chỉ tiêu mà Đại hội Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ VII đề ra lần này là tiêu chí 100% Chủ tịch Hội nông dân cấp xã được đào tạo lý luận trung cấp chính trị và trung cấp chuyên môn nghiệp vụ trở lên.
 
thaoxuansung.jpg
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng: "Nhiều cán bộ hội còn e ngại, thậm chí còn đứng về phía lợi ích nhóm, đi ngược lại lợi ích của các hội viên của mình, điều này không thể chấp nhận được"
Ông Sùng giải thích: “Có người hỏi tôi là tại sao chỉ đề ra chỉ tiêu trung cấp chuyên môn nghiệp vụ mà không phải là cao đẳng, đại học? Tôi xin trả lời là đối với miền núi, vùng sâu, vùng sa, để đạt được trung cấp là rất khó khăn rồi. Tôi lấy ví dụ ngay chính mình, mãi năm 10 tuổi tôi mới vào học lớp 1, năm 13 tuổi tôi mới nói được tiếng Việt vì tôi là người Mông. Lớp 1 của chúng tôi khi đó có 83 bạn, nhưng đến cuối khóa, kết thúc tiểu học vào cuối năm lớp 4 thì lớp tôi chỉ còn 13 bạn. Đến năm lớp 10, chỉ có 2 người đi học cao đẳng, đại học, trong đó có tôi. Vì trường xa quá, học lớp 1 nhưng chúng tôi phải đi bộ 5 - 7 cây số mới đến được trường. Tôi nói như thế để các đồng chí hiểu được là không phải ai cũng có điều kiện để được học đại học. Bà con nông dân miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn đói khổ lắm. Cách mạng 4.0 ta nói ở đây thôi, chứ với họ vẫn còn xa vời lắm...”.
 
Nhận xét về hạn chế lớn nhất của Hội Nông dân Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua và cần phải khắc phục trong nhiệm kỳ này, ông Thào Xuân Sùng cho rằng đó là hiện tượng quan liêu, xa rời quần chúng của một số cán bộ Hội Nông dân ở cấp cơ sở.
 
“Hiện nay có nhiều cán bộ hội viên xa rời khỏi nông dân, không lấy người nông dân làm đối tượng phục vụ. Tôi lấy ví dụ như chuyện thu hồi đất của người nông dân, nhiều cán bộ hội cấp cơ sở đã không có bất kỳ hành động, giải pháp gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người nông dân. Nhiều cán bộ Hội còn e ngại, thậm chí còn đứng về phía lợi ích nhóm, đi ngược lại lợi ích của các hội viên của mình, điều này không thể chấp nhận được”, ông Sùng nói.
 
Phải gỡ “điểm nghẽn” trong Luật Đất đai
 
Liên quan đến việc thời gian qua, các địa phương có tình trạng nông dân khiếu kiện đất đai kéo dài, liên quan đến hội viên Hội Nông dân Việt Nam, tuy nhiên vai trò bảo vệ hội viên của Hội chưa rõ ràng, ông Thào Xuân Sùng cho rằng đây là một hạn chế lớn mà Hội cần khắc phục.
 
Ông Sùng nhìn nhận: “Về vấn đề này, có cả nguyên nhân chủ quan khách quan và Quốc hội cũng đã nhìn thấy. Vấn đề là Hội sẽ phối hợp với Chính phủ và địa phương giải quyết như thế nào để có lợi cho nông dân. Khi người nông dân khi bị oan ức, họ rất bức xúc và họ phải tìm đến Hội vì đây là nơi bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người nông dân.
 
Sở dĩ người nông dân khiếu kiện trong vấn đề thu hồi đất vì một số chính quyền ở cơ sở thực hiện dân chủ chưa tốt và có biểu hiện không cân bằng lợi ích, thiên về lợi ích nhóm hoặc thiên vì doanh nghiệp. Vì thu hút đầu tư nên người ta quên đi lòng dân mà họ chỉ nhớ đến giá trị khu đất đó. Họ trả tiền cho người nông dân để doanh nghiệp khai thác khu đất đó. Đây là hạn chế của một bộ phận chính quyền địa phương”.
 
image001.jpg
Nông dân xã Mỹ Phương (huyện Ba Bể, Bắc Kạn) sản xuất chè an toàn đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh minh họa

 

Theo ông Sùng, một trong những nguyên nhân sâu xa nữa dẫn đến mâu thuẫn và khiến người nông dân bức xúc đó chính là vấn đề đất đai, cụ thể trong Luật Đất đai hiện nay vẫn có những điều khoản quy định còn bất cập. “Tôi cho rằng bất cập lớn nhất trong Luật Đất đai hiện nay đó chính là quy định về mức hạn điền, chưa làm rõ giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất, điều này dẫn đến người nông dân gặp khó khăn khi muốn mở rộng diện tích để sản xuất kinh doanh cũng như bị thiệt thòi khi nhà nước thu hồi đất. Do đó, tôi cho rằng nhà nước cần phải sửa đổi các quy định này trong luật”, ông Sùng nêu ý kiến.
 
“Cách đây mấy tháng, tôi về làm việc ở tỉnh Nam Định. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho biết cả tỉnh có đến 24.000 ha đất nông nghiệp để hoang, người dân không canh tác. Người trẻ thì bỏ quê đi làm ăn xa hết, chỉ Tết mới về, ở nhà chỉ còn lại các cụ già. Song, những nông dân bỏ quê đi làm ăn xa này họ lại cũng không nhường lại quyền sử dụng đất cho người khác hay cho người khác thuê, đây là một lãng phí rất lớn”, vị Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nêu dẫn chứng.
 
Ông Sùng cho hay, tại Đại hội lần này, báo cáo đã đề cập đến 3 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong hoạt động tư vấn hỗ trợ, Hội Nông dân sẽ làm tốt công tác tuyên truyền vận động để hội viên nông dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra giám sát trong quá trình thu hồi đất.
 
“Nếu người nông dân được biết, được làm, được bàn, được kiểm tra ngay từ đầu thì không có công chức nào dám làm điều xấu. Vụ việc đất Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) là một ví dụ, 40 năm chưa được giải quyết, điều đó chứng tỏ cán bộ không nghĩ đến lợi ích dân nghèo. Do đó, cần phải để cho nông dân tự chủ và biết đầy đủ chủ trương, chính sách về pháp luật”, ông Sùng nhấn mạnh.
 

Số lượng Ủy viên BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giảm 6 người

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam khoá VII (nhiệm kỳ 2018 - 2023) khai mạc ngày 12/12 và bế mạc ngày 13/12 tại Hà Nội. Hội nghị đã bầu 21 Ủy viên Ban Thường vụ, bầu Chủ tịch và 5 Phó chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Đại hội đã quyết định số lượng Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VII (nhiệm kỳ 2018 - 2023) là 119 ủy viên.

Ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VI, tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VII (nhiệm kỳ 2018 - 2023) với 100% số phiếu bầu.

Trong số 119 Ủy viên Ban Chấp hành khóa VII, cơ quan Trung ương Hội có 35 người, chiếm 29,4%; Thường trực Hội Nông dân các tỉnh, thành phố là 63 người, chiếm 52,9%; bộ, ngành, đoàn thể là 5 người, chiếm 4,2%; doanh nghiệp: 5 người, chiếm 4,2%; hội viên tiêu biểu là 3 người, chiếm 2,5%; lãnh đạo Hợp tác xã là 3 người, chiếm 2,5%; nhà khoa học là 5 người, chiếm 4,2%. 119 người được Đại hội bầu trúng cử Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có cơ cấu hợp lý về giới tính, độ tuổi, thành phần dân tộc đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định.

So với Đại hội VI, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành lần Đại hội này giảm 6 người (Đại hội VI có 125 Ủy viên).

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm