Pà Cò dồn sức xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi tệ nạn

Thanh Vân
10/11/2022 - 13:26
Pà Cò dồn sức xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi tệ nạn
Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình từng được biết đến là thủ phủ ma túy của vùng Tây Bắc. Nhưng đó là chuyện của những năm trước, giờ đây bà con người Mông nơi đây đã đồng lòng đẩy lùi tệ nạn và xây dựng nông thôn mới.

Xã Pà Cò nằm trên độ cao hơn nghìn mét so với mặt nước biển. Khí hậu quanh năm mát mẻ, vào mùa hoa mơ, hoa đào nở nơi này đẹp tựa miền cổ tích. Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con người Mông đã góp sức người, sức của làm thay đổi bộ mặt của xã vùng cao này. 

Người Mông ở Pà Cò cũng đã biết tận dụng lợi thế về cảnh quan và văn hóa bản địa để làm du lịch. Nhiều công ty, doanh nghiệp cũng đã đến địa phương để đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng. Ngành công nghiệp không khói đang mở ra hướng làm ăn mới cho bà con người Mông nơi đây.

Kinh tế nâng lên, tệ nạn được đẩy lùi

Đường lên xã Pà Cò không còn cảnh khó khăn như những năm trước đây nữa. Con đường bê tông rộng hơn 4m từ Quốc lộ 6 đã được làm nối liền với trung tâm xã. Giữa mùa đông mây phủ, Pà Cò hiện lên như một khu nghỉ dưỡng cao cấp. Điện, đường, trường, trạm… ở xã Pà Cò đều được xây dựng khang trang. Trẻ em ở các bản xa giờ đến trường học vô cùng thuận lợi. Đường bê tông từ trung tâm xã đã nối liền tới tận bản xa xôi nhất.

Pà Cò dồn sức xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi tệ nạn - Ảnh 1.

Sau 10 năm triển khai xây dựng chương trình nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của xã Pà Cò được xây dựng khang trang.

Nói về hành trình xây dựng nông thôn mới ở xã, ông Sùng A Sía, Chủ tịch UBND xã Pà Cò không giấu nổi niềm vui: "Hầu hết các hộ dân nơi đây là người dân tộc Mông. Sau chục năm triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Pà Cò đã có nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ. Vui hơn cả, từ sự đóng góp của bà con mà đến nay, bản nào cũng có đường bê tông. Nhờ đó việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vô cùng thuận lợi. Kinh tế nâng lên tệ nạn dần bị đẩy lùi".

Sức người, sức của của bà con người Mông đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới là vô cùng lớn. Thực hiện phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", các hộ dân ở mỗi bản đã huy động lực lượng cùng tham gia. 

Pà Cò dồn sức xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi tệ nạn - Ảnh 2.

Đường đến các bản của xã Pà Cò đã được bê tông hóa.

Công trình đường giao thông ở bản Pà Khôm thuộc xã Pà Cò, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã đóng góp hàng nghìn m2 đất. Bà con chủ động giải phóng mặt bằng cho đơn vị thi công; khai thác vật liệu xây dựng, vận chuyển xi măng và ngày công đổ bê tông. Nhờ đó, trong thời gian ngắn, tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Từ huy động hiệu quả sức dân, tính đến nay, toàn xã Pà Cò có 4,64/4,64 km đường giao thông liên xóm được cứng hóa. Cùng với đó, toàn xã có 7,62 km đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa.

Pà Cò dồn sức xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi tệ nạn - Ảnh 3.

Xã Pà Cò từng là điểm nóng về tệ nạn ma túy, nhưng hiện nay bà con người Mông đã đồng lòng đẩy lùi tệ nan, xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, người dân tích cực tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa từ xã đến các xóm. Ở các xóm Xà Lĩnh I, Pà Háng Lớn, Chà Đáy, các dòng họ Sùng, Tráng, Mùa... đã hỗ trợ cho các trường học góp phần từng bước hoàn thiện tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học. Xã Pà Cò đã vận động nhân dân hiến gần 400 m2 đất để xây dựng trường học. Điển hình như gia đình ông Tràng A Pủa ở xóm Xà Lĩnh đã hiến 195 m2 đất, gia đình ông Mùa A Chếnh ở xóm Chà Đáy hiến 81 m2, gia đình ông Mùa A Pua ở xóm Pà Háng Lớn hiến 110 m2 đất để xây dựng phòng học, làm sân chơi cho học sinh. Qua đó góp phần hoàn thiện mạng lưới, quy mô trường lớp, các cấp học.

Mở homestay đón khách để làm giàu

Đến xã Pà Cò bây giờ điều dễ nhận thấy nhất là cách làm, nếp nghĩ của bà con người Mông đã thay đổi theo hướng tích cực. Họ không còn đơn thuần chỉ gắn bó với nương, với rẫy nữa, nhiều hộ dân đã mạnh dạn xây dựng homestay làm du lịch. Ông Sùng A Sía, Chủ tịch UBND xã Pà Cò là người rất tâm huyết với phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông luôn trăn trở làm sao tìm ra giải pháp, giúp người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu.

Theo ông Sía, khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã gặp rất nhiều khó khăn. Do địa hình đồi núi hiểm trở, dân cư thưa thớt, dân trí thấp, tình trạng buôn bán và trồng cây thuốc phiện diễn biết phức tạp, sản xuất nông nghiệp trì trệ. Trong những năm qua được sự quan tâm của huyện và tỉnh, xã Pà Cò đã và đang được đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất kinh tế hạ tầng, giao thông nông thôn, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.

Pà Cò dồn sức xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi tệ nạn - Ảnh 4.

Bà con người Mông đã mạnh dạn xây dựng homestay để mở cửa đón khách du lịch.

Hiện cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, chợ, khu Trung tâm thể thao, Nhà văn hóa xã đã được hoàn thiện. Hệ thống điện lưới được đảm bảo, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Xã đạt được kết quả trên là nhờ sự quyết tâm cao, sự đoàn kết đồng lòng của cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mục tiêu, xây dựng xã Pà Cò ngày càng phát triển và giàu đẹp hơn.

Pà Cò dồn sức xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi tệ nạn - Ảnh 5.

Chợ đêm Pà Cò được mở ra để thu hút khách du lịch.

Khi cơ sở hạ tầng được xây dựng, bà con cũng nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để làm du lịch. Từ năm 2017 đến nay, xã Pà Cò đã phát triển một số cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng, tiêu biểu là homestay: A Páo, Y Sao, A Việt... Các homestay đều bảo tồn được kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào Mông. Ngoài dịch vụ lưu trú và ăn uống, các homestay còn khai thác một số dịch vụ kèm theo như biểu diễn văn nghệ, hướng dẫn, thuyết minh giới thiệu cho khách thăm quan bản làng, tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa, đời sống người dân, tham gia các trò chơi dân gian… Các bản du lịch cộng đồng Chà Đáy - xã Pà Cò đang là những điểm đến hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế.

Pà Cò dồn sức xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi tệ nạn - Ảnh 6.

Tại xã Pà Cò, nhiều homestay đã được xây dựng. Đây là lợi thế phát triển kinh tế của bà con người Mông nơi đây.

Xã Pà Cò hiện có 6 hộ là hội viên nông dân làm du lịch cộng đồng tập trung chủ yếu ở bản Chà Đáy. Ở thời điểm chưa có dịch Covid-19, mỗi năm thu hút trên 3 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm quan và nghỉ dưỡng tại xã. Các hộ dân người Mông nơi đây còn mạnh dạn thành lập Hội nghề nghiệp cùng giúp nhau phát triển kinh tế. 

Anh Phàng A Páo, Chủ tịch Hội nghề nghiệp của xã Pà Cò chia sẻ, hội thu hút được 23 hội viên. Việc xây dựng chi hội nghề nghiệp theo nguyên tắc 5 tự là: Tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản và tự chịu trách nhiệm và 5 cùng là: Cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cùng mối quan tâm, cùng sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ. Chi hội nghề nghiệp được tổ chức nhằm phát huy tiềm năng sẵn có tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các hội viên cùng tham gia làm du lịch cộng đồng. Qua đó nhằm nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, góp phần xây dựng xã Pà Cò trở thành xã chuẩn nông thôn mới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm