Vai diễn để đời
Được công chiếu lần đầu tiên vào ngày 19/1/2014 tại Liên hoan phim (LHP) Sudance, ngay lập tức Boyhood của đạo diễn người Mỹ Richard Linklater đã trở thành hiện tượng toàn cầu. Phim được mời tham dự gần 60 liên hoan phim, các giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ và giành vô số các vinh quang cho cả đoàn phim cũng như từng cá nhân. Tại giải Quả Cầu Vàng 2015, ngoài 2 hạng mục quan trọng là “Phim hay nhất” và “Đạo diễn xuất sắc nhất”, Patricia Arquette – người đảm nhận vai diễn bà mẹ Olivia trong phim cũng gặt hái được nhiều thành công cho riêng mình…
Chia sẻ cảm xúc khi phim đến với khán giả, Patricia vẫn còn vẹn nguyên niềm hạnh phúc xen lẫn cả nuối tiếc: “Mỗi năm qua đi chúng tôi đều có những kỷ niệm thật tuyệt trong quá trình thực hiện. Khi phim kết thúc, nó khiến cả đoàn phim đều ngậm ngùi. Tôi dường như không muốn nó hoàn thành. Và tôi cũng không muốn đưa nó đến với cả thế giới. Tôi biết, nó là bộ phim đặc biệt. Tôi chắc chắn những đứa trẻ cũng chưa bao giờ muốn phim kết thúc. Họ chưa bao giờ tham dự họp báo, chưa đọc những bình luận về chính bộ phim mình tham gia. Đó là quãng thời gian quá mong manh”.
Nếu ai đã từng xem qua Boyhood điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi Patricia gắn bó với bộ phim suốt 12 năm. Trong quãng thời gian rất dài ấy, cả đoàn phim như trong một cuộc hành trình với những trang nhật ký thật chậm rãi, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Ở vai bà mẹ Olivia, khán giả cảm nhận được sâu sắc sự biến chuyển khác nhau trong tính cách ở từng giai đoạn. Tuy nhiên, có một điều bất biến đó là tình yêu dành cho con cái. Ngay ở đầu bộ phim, Olivia đã từ chối đi chơi đêm với bạn trai vì lo cho các con. Trong khi đầu tắt mặt tối để kiếm tiền nuôi con ăn học, bà vẫn luôn nung nấu trong mình ước mơ sẽ đi học đại học, trở thành giảng viên với mong muốn có cuộc sống tốt hơn cho con. Ngay cả việc Olivia 2 lần tái hôn rồi ly hôn, đơn giản chỉ là muốn tìm kiếm tổ ấm thật sự cho con hơn là một lớp vỏ bọc. Còn nhớ, khi kết hôn với vị giáo sư trong trường đại học, nhận ra người đàn ông này dần biến chất vì nghiện rượu, bà đã dũng cảm về nhà, đưa hai người con đến sống nhờ bạn bè trong tình cảnh trắng tay. Bà dường như đang gánh vác cả hai trách nhiệm trong gia đình. Việc bà đôi lúc nghiêm khắc, đưa con cái vào khuôn khổ tất cả cũng vì muốn chúng nên người mà cánh cửa đầu tiên bà hướng các con mình đến chính là ngôi trường đại học. Xúc động nhất bộ phim có lẽ là cảnh Olivia và Mason trò chuyện trước khi lên đường nhập học. Lúc đó, bà đã không kìm nổi nước mắt vì lần lượt từng người con phải rời xa mình, vì thời gian trôi quá nhanh.
Vai diễn bà mẹ Olivia của Patricia những tưởng không đòi hỏi kỹ thuật diễn xuất khó, nhưng để truyền tải được tinh thần, cảm xúc đến khán giả, khiến họ thực sự đồng cảm với nhân vật của mình lại không đơn giản. Và Patricia đã thành công bởi đơn giản khán giả cảm nhận đó là Olivia thật sự chứ không phải là diễn viên đang diễn. Trong gần 30 năm theo nghiệp diễn, đây là vai diễn thành công nhất khi mang về cho Patricia gần 20 giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ ở hạng mục “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất”, trong đó có 1 giải Quả Cầu Vàng. Danh sách giải thưởng này hứa hẹn còn nối dài với các đề cử tại BAFTA, SAG…
Lặng lẽ cống hiến
Trước khi đến với Boyhood, nữ diễn viên sinh năm 1968 người Mỹ này từng ghi dấu ấn của mình qua một vài dự án đình đám như: True Romance (Tạm dịch: Lãng mạn và tội ác), Ed Wood (Tạm dịch: Kẻ bất tài), Beyond Rangoon, Lost Highway (Tạm dịch: Lạc lối), Bringing Out The Dead (Tạm dịch: Cứu khỏi tay tử thần). Ngoài điện ảnh, sự nghiệp truyền hình của chị cũng nhận được nhiều chú ý khi tham gia loạt phim Medium (2005-2011) và nhận được 3 đề cử Quả Cầu Vàng, 2 đề cử Emmy và 1 lần chiến thắng hạng mục “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” năm 2005.
Patricia may mắn sinh ra trong gia đình nghệ thuật khi cha là một diễn viên và mẹ cũng hoạt động liên quan đến nghệ thuật. Ngay từ nhỏ, chị đã xác định mình sẽ theo nghiệp diễn. Khởi nghiệp từ năm 1987 với vai diễn trong phim truyền hình Daddy (Tạm dịch: Bố yêu), sự nghiệp của Patricia không có nhiều đột biến. Cô ân cần và chăm chỉ trong nghệ thuật. Giải thưởng điện ảnh đầu tiên cô nhận được năm 1992 – Nữ diễn viên xuất sắc trong phim Wildflower (Tạm dịch: Hoa dại) là tại giải CableACE của Hiệp hội truyền hình cáp quốc gia Mỹ. Ít ai biết rằng cô từng kết hôn với nam tài tử Nicolas Cage nhưng chỉ chung sống với nhau 9 tháng trước khi chia tay vào tháng 11/2000.
Ngoài phim ảnh, Patricia còn tích cực hoạt động từ thiện. Năm 2010 sau trận động đất ở Haiti, cô cùng người bạn thân Rosetta Millington-Getty cùng nhau hoạt động tích cực trong một tổ chức phi chính phủ để giúp đỡ các nạn nhân. Ngoài ra, cô còn tham gia hàng loạt các quỹ từ thiện: Eracism Foundation, Libby Ross Foundation, The Art of Elysium, The Heart Truth. Khi mẹ qua đời năm 1997 vì căn bệnh ung thư, cô tham gia tích cực sự kiện thường niên Race for the Cure để góp phần nâng cao nhận thức của mọi người.
Dù Boyhood đang được cả thế giới ngưỡng vọng nhưng với Patricia, bộ phim còn mang nhiều ý nghĩa khác. “Tôi nghĩ rằng, đó là những kinh nghiệm trong cả cuộc đời mình. Một ngày nào đó, khi tôi già và chết đi tôi vẫn nhớ nó. Đó là một phần quan trọng trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi”, cô nói. Cô cũng tự nhủ, chắc chắn sẽ còn xem lại nhiều lần bộ phim này nhưng theo cách… lặng lẽ hơn.
Patricia trong vai Olivia ở phim Boyhood