PepsiCo bị tố nhập nhèm về sản phẩm

29/01/2016 - 15:42
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), công ty Suntory Pepsico Việt Nam sẽ phải báo cáo trong tuần này và Cục sẽ sớm tổ chức họp báo để công bố kết quả về chất lượng trà Ô Long Tea+ Plus.

Nhập nhèm từ Aquafina đến Ô Long Tea Plus

Trước khi có vụ lùm xùm về chất lượng sản phẩm của trà Ô Long Tea Plus, sản phẩm nước đóng chai Aquafina của công ty này cũng bị phát hiện quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Theo đó sản phẩm của công ty này được cho là đã sử dụng nước máy để đóng chai thay vì nước tinh khiết như quảng cáo trên nhãn hàng sản phẩm.

Trước sức ép của các cơ quan hữu trách, cuối cùng các nhà sản xuất buộc phải thừa nhận sản phẩm Aquafina được sản xuất từ nguồn nước lã công cộng. Cùng với đó nhà sản xuất buộc phải ghi rõ thêm dòng chữ P.W.S (Public water source - nguồn nước công cộng) thay vì dòng chữ "Pure Water" (có nghĩa là "nước tinh khiết") như trước đó.

A1.jpg
Nước đóng chai Aquafina

Về trà Ô Long Tea Plus, gần đây có thông tin nguồn nguyên liệu sản xuất ra thứ sản phẩm đóng chai này có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Trà Ô Long Tea Plus ra đời khi mà thị trường đồ uống nước ngọt đang có khá nhiều hãng sản xuất khác đã tạo được chỗ đứng. Khi đưa sản phẩm ra thị trường, các nhà sản xuất tuyên bố mạnh mẽ về chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Nhật Bản và sản xuất trên dây chuyền hiện đại của quốc gia này.

Người tiêu dùng ban đầu có biết sản phẩm này có sử dụng trà trồng và chế biến tại Việt Nam, nhưng lượng trà dùng để sản xuất trà Ô Long Tea Plus thời gian gần đây bị hạn chế thu mua. Trong khi người sản xuất nguyên liệu trà Ô Long Tea Plus trong nước phải bán tháo nguyên liệu chè với giá bằng nửa trước đó, thì có thông tin khá bất ngờ là ông chủ của Ô Long Tea Plus lại nhập một lượng lớn nguyên liệu từ Trung Quốc.

Tờ khai nhập khẩu của Công Ty TNHH Nước Giải Khát Suntory Pepsico Việt Nam từ tháng 6 đến tháng 12/2015 thể hiện mặt hàng nhập khẩu là “Bột trà ô long-Instant Oolong tea powder SUN60 (Qui cách đóng gói: 20kgs/1 carton)”, nơi nhập khẩu là Việt Nam, nguồn gốc xuất xứ ghi “CN” (viết tắt của từ China). Đơn vị đối tác là Công ty SUNTORY BEVERAGE & FOOD ASIA PTE.LTD, Tên doanh nghiệp XNK là Công Ty TNHH Nước Giải Khát Suntory Pepsico Việt Nam.

Cũng giống như sản phẩm Aquafina, sản phẩm trà Ô Long Tea Plus cũng bị lập lờ về nguồn gốc nguyên liệu. 

Sản phẩm của trí tưởng tượng

Theo chương trình giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, trà Ô Long Tea Plus được nhà sản xuất Suntory Pepsico quảng cáo là có chứa OTPP - thành phần có tác dụng hạn chế hấp thu chất béo. 

“OTPP chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng” - đó là câu trả lời của PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội) về chất lượng sản phẩm trà Ô Long Tea Plus. Ông Thịnh khẳng định: “Trong suốt quãng đời nghiên cứu và giảng dạy của tôi, không có một hợp chất nào tên là OTPP”.

tra-o-long-tea-plus.jpg
Trà Ô Long Tea Plus bị tố quảng cáo sai sự thật.

Theo chiết từ của PGS Thịnh thì OTPP có thể hiểu là: Ô Long Tea Polymerized Polyphenols (một loại chất chống oxy hóa và có trong tất cả mọi loại trà). Nếu như vậy, đây chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, một cái tên tự phong đặt ra với mục đích kích thích vào thói quen, tâm lý của người dân Việt Nam.

TS. Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho biết: Từ trước đến nay người dân thường có tâm lý ác cảm với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Thực tế thì không phải hàng hóa nào có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng độc hại. Cũng có nhiều sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, để bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan chức năng mà cụ thể là Cục An toàn thực phẩm cần sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề liên quan đến sản phẩm này.

Năm 2012, hàng trăm nghìn gói chè Ô Long có xuất xứ Trung Quốc đã bị một công ty của Nhật Bản tiến hành thu hồi, do bị phát hiện có chứa hàm lượng thuốc trừ sâu vượt tiêu chuẩn cho phép.

Về vấn đề quảng cáo của sản phẩm, TS. Tuấn nhận xét: Một đơn vị sản xuất hàng hóa thì phải nói đúng bản chất của mình, phải đặt người tiêu dùng lên trên hết để tạo niềm tin. Việc quảng sai sự thật hay “gây hiểu nhầm” dễ đánh mất niềm tin và người tiêu dùng coi đó như là một sự lừa dối.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết: Sau khi nhận được phản ánh về chất lượng sản phẩm trà Ô Long Tea Plus quảng cáo chất lượng Nhật Bản nhưng nhập nguyên liệu bột Ô Long từ Trung Quốc, Cục An toàn thực phẩm đã gửi công văn tới Công ty Suntory Pepsico Việt Nam và yêu cầu công ty giải trình rõ ràng về sản phẩm Trà Ô long Tea Plus. Báo cáo phải có trong tuần này, sau đó Cục sẽ họp báo để công bố thông tin

Cũng theo ông Phong, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ cho kiểm tra các nhà máy của Suntory Pepsico Việt Nam.

Nhà sản xuất của hai sản phẩm này vẫn im lặng trước các thông tin mà báo chí nêu. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm