Dễ mất khả năng làm mẹ
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ từng tiếp nhận không ít trường hợp nhập viện trong tình trạng ngất xỉu, mặt tái nhợt, băng huyết do tự giải quyết "hậu quả" bằng thuốc. Cách đây không lâu, chị Trần Mai L., được người nhà đưa đến bệnh viện này cấp cứu trong tình trạng đau bụng, dịch âm đạo thâm đen, có mùi hôi. Trước đó, L. tự mua thuốc phá thai về uống. Theo các bác sĩ, do thai mới hoại tử nên chưa gây nhiễm trùng nặng cho bệnh nhân. Thực tế, khá nhiều trường hợp nhiễm trùng tử cung, cổ tử cung, túi cùng âm đạo và các cơ quan lân cận do tự phá thai bằng thuốc (PTBT), thai đã bị đình chỉ nhưng không ra.
Tự PTBT, chị Nguyễn Hoài H. phải vào viện cấp cứu. Do bị rối loạn đông máu nên sau khi uống thuốc, máu trong cơ thể của H. cứ chảy ra theo đường âm đạo. Tuy nhiên, do nghĩ rằng đây là triệu chứng bình thường sau dùng thuốc nên H. không đi khám sớm. Khi máu ra nhiều, cơ thể nhợt nhạt, ngất xỉu, người thân mới phát hiện và đưa H. đến bệnh viện. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ đã phải truyền tới 4 lít máu để cứu sống bệnh nhân.
Nhiều trường hợp đến cấp cứu tại bệnh viện trong trạng thái băng huyết, đau đớn thậm chí là ngất xỉu.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết, không ít trường hợp do tự PTBT hoặc dùng sai cách, bị băng huyết, suýt vỡ tử cung, có trường hợp phải cắt cả tử cung nên mất khả năng làm mẹ. Ngoài ra, nhiều trường hợp sau dùng thuốc, máu có ra và nghĩ đã thực hiện xong nhưng thực tế, thai vẫn nằm trong tử cung, dần bị hoại tử, gây viêm nhiễm, nguy hiểm đến tính mạng.
Chống chỉ định với trường hợp nào?
PTBT là phương pháp dùng thuốc để thai bị đẩy ra ngoài. Hiện loại thuốc này được bày bán tại nhiều nhà thuốc. Không ít người có thai ngoài ý muốn và ngại đến chốn đông người đã tự tìm hiểu thông tin theo cách rỉ tai hoặc xem trên mạng, mua rồi sử dụng nên phải vào viện cấp cứu.
Do tâm lý chủ quan và xấu hổ nhiều người chọn phương án tự giải quyết “hậu quả” bằng thuốc.
Theo Bộ Y tế, PTBT chỉ được áp dụng trong tuổi thai nhất định, thai đã nằm trong tử cung. Trong khi đó, chị em không thể tự biết thai đã vào tử cung hay chưa nên tự ý mua thuốc phá thai về uống sẽ rất nguy hiểm. Theo TS Nguyễn Duy Ánh, nếu tự sử dụng hoặc phá thai tại cơ sở y tế không đủ tiêu chuẩn, bác sĩ không theo dõi sát bệnh nhân, thai có thể không được đẩy hết ra ngoài; gây băng huyết, mất máu dài ngày; nguy cơ nhiễm trùng tử cung cao. Hơn nữa, thuốc này chống chỉ định cho nhiều trường hợp như: Bị rối loạn đông máu, tử cung gập; từng sinh mổ; các trường hợp có tiền sử băng huyết, dị ứng thuốc, thiếu máu; có vấn đề tim mạch, thận, hen suyễn... Với những trường hợp có thể sử dụng thuốc, sau khi dùng, cần phải theo dõi diễn tiến quá trình ra máu, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào, phải thông báo ngay cho bác sĩ để được xử lý. Sau khoảng 14 ngày sử dụng thuốc, chị em cần tái khám để biết kết quả cụ thể.
Theo nhiều chuyên gia sản khoa, dù không can thiệp dao kéo nhưng nguy cơ nhiễm khuẩn đường sinh dục do PTBT khá cao. Bởi bệnh nhân ra máu lâu hơn, đây là môi trường thuận lợi khiến vi trùng xâm nhập, gây nhiễm khuẩn huyết. Ngoài ra, bỏ thai bằng phương pháp trên cũng có thể gây sót thai và nhau, phải can thiệp bằng hút buồng tử cung. Vì thế, nếu muốn áp dụng biện pháp đình chỉ thai nghén như trên, tốt nhất chị em cần đến những cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, điều trị và phải tuân thủ tuyệt đối khuyến cáo sử dụng thuốc
Nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy, tỉ lệ thành công của phương pháp PTBT xấp xỉ 96% nếu dùng đúng cách; khoảng 3% trường hợp dùng thuốc không có tác dụng. Theo Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tuyến huyện chỉ được phép PTBT khi thai dưới 7 tuần, ở tuyến tỉnh là dưới 8 tuần và ở tuyến Trung ương là dưới 9 tuần. Cơ sở y tế được cấp phép và bác sĩ phải được đào tạo về PTBT mới được thực hiện phương pháp này. |