pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phải làm gì khi có dấu hiệu có kinh nhưng không có kinh?
- 1. Những nguyên nhân khiến cho phụ nữ có dấu hiệu có kinh nhưng không có kinh
- 1.1. Không có trứng rụng trong chu kỳ
- 1.2. Mang thai
- 1.3. Sử dụng thuốc tránh thai hoặc 1 số loại thuốc đặc trị
- 1.4. Đa nang buồng trứng
- 1.5. Tắc kinh
- 1.6. Phá thai
- 1.7. Viêm nhiễm, nhiễm trùng
- 1.8. Bệnh tuyến giáp
- 1.9. Căng thẳng
- 2. Phải làm gì khi có dấu hiệu có kinh nhưng không có kinh?
Có khá nhiều trường hợp phụ nữ tới tháng, có dấu hiệu có kinh nhưng không có kinh. Nếu thường xuyên diễn ra hiện tượng đến tháng đau bụng nhưng lại không có kinh thì nên khám bác sĩ phụ khoa để tìm nguyên nhân.
1. Những nguyên nhân khiến cho phụ nữ có dấu hiệu có kinh nhưng không có kinh
Cơ thể bạn trong thời điểm này không ra máu nguyệt san có thể là một trong những nguyên nhân dưới đây.
1.1. Không có trứng rụng trong chu kỳ
Nếu trong tháng đó bạn không rụng trứng thì đến kỳ kinh nguyệt, cơ thể có thể sẽ không ra máu. Có từ 10 đến 18% chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là chu kỳ không rụng trứng.
Đọc thêm:
- Ra khí hư màu nâu trước kỳ kinh nguyệt: Nguyên nhân và cách xử lý
- Kinh nguyệt bình thường có màu gì? Kinh nguyệt ra nhiều máu đỏ tươi có sao không?
Lý do không rụng trứng có thể ngẫu nhiên hoặc liên quan đến các vấn đề như: trọng lượng cơ thể, dinh dưỡng, hoặc phụ nữ đang trong độ tuổi tiền mãn kinh.
1.2. Mang thai
Khi có dấu hiệu có kinh nhưng không có kinh có thể là do bạn đã mang thai. Khi mới mang thai, bạn có thể ra một ít máu báo thai trong khoảng thời gian gần đến kỳ kinh nguyệt.
Đi kèm máu báo, còn có thể xuất hiện hiện tượng đau bụng, căng tức ngực, ngực to và bụng to hơn, cơ thể mệt mỏi khiến bạn nhầm tưởng mình đang gần đến chu kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả của việc bào thai đang trong quá trình làm tổ chứ không phải máu kinh thật sự. Bạn có thể tự kiểm tra tại nhà hoặc đến cơ sở y tế làm xét nghiệm.
1.3. Sử dụng thuốc tránh thai hoặc 1 số loại thuốc đặc trị
Thuốc tránh thai có thể làm mất kinh.Thuốc này có thể khiến bạn ra máu nhưng với một lượng nhỏ chứ không nhiều như kỳ kinh thông thường. Tuy thế, các triệu chứng căng, đau tức ngực, đau bụng … vẫn có thể diễn ra giống như các chu kỳ trước đó.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc kháng sinh liều cao, an thần ... cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, thậm chí làm kinh nguyệt không xuất hiện.
1.4. Đa nang buồng trứng
Khi cơ thể có thừa lượng hormone androgen thì bạn có thể gặp hội chứng đa nang buồng trứng. Hội chứng này làm các nang trong buồng trứng tăng trưởng.
Khi các nang vỡ ra gây đau bụng giống như trong kỳ kinh hay ra máu âm đạo bất thường, khiến bạn xuất hiện các dấu hiệu có kinh nhưng không có kinh.
1.5. Tắc kinh
Đây là một dạng rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới. Các dấu hiệu của kỳ kinh nguyệt vẫn diễn ra như bình thường nhưng máu thì lại không thể thoát ra được. Nếu bị tắc kinh kéo dài có thể dẫn đến vô kinh.
1.6. Phá thai
Việc nạo phá thai sẽ gây ra những cơn đau âm ỉ ở vùng bụng dưới, do tử cung co bóp để tống đẩy các mảng vỡ của niêm mạc ra ngoài cơ thể. Ngoài ra, nữ giới cũng có thể bị mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt, buồn nôn, xuất huyết âm đạo ... sau khi nạo phá thai vài ngày.
1.7. Viêm nhiễm, nhiễm trùng
Các bệnh viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang kẽ, nhiễm trùng phụ khoa, thậm chí các bệnh do vi khuẩn lây bệnh đường tình dục như lậu cầu và chlamydia có thể dẫn đến viêm vùng bụng chậu, gây co thắt hay đau vùng bụng dưới tương tự như khi bạn hành kinh.
1.8. Bệnh tuyến giáp
Vùng trước cổ có tuyến giáp điều hòa nhiều hoạt động của cơ thể, trong đó có chu kỳ kinh nguyệt. Khi tuyến giáp gặp vấn đề, sẽ ảnh hưởng đến 2 hormone điều hòa sự rụng trứng là FSH và LH. Kinh của phụ nữ sẽ không đều nếu các hormone FSH và LH bất thường.
Trong trường hợp này, những dấu hiệu trước kỳ kinh nguyệt có thể diễn ra trong thời gian dài. Chẳng hạn như tâm trạng nữ giới có thể thay đổi thất thường bởi tuyến giáp điều hòa chức năng não bộ. Máu âm đạo lúc này cũng có thể ra máu ít.
Ngoài ra, do không có sự rụng trứng nên vùng bụng dưới của bạn cũng có thể bị co thắt. Nguyên nhân bởi lớp nội mạc tử cung sẽ dày lên mà không bong tróc.
1.9. Căng thẳng
Căng thẳng (stress) làm tăng nồng độ cortisol trong máu, làm mất cân bằng nhiều hormone khác trong cơ thể điều hòa sự rụng trứng, cũng có thể gây mất kinh.
Nội mạc tử cung vẫn phát triển khi bạn bị căng thẳng nhưng lại không bong tróc. Vì thế, kỳ kinh bạn sẽ không đều hoặc không có trong trường hợp này.
2. Phải làm gì khi có dấu hiệu có kinh nhưng không có kinh?
Dấu hiệu có kinh nhưng không có kinh có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, có thể do lối sống, tâm lý hoặc bệnh lý. Điều quan trọng là bạn nên đến bệnh viện kiểm tra để được chẩn đoán chính xác, như vậy mới có hướng can thiệp phù hợp.
Một số biện pháp sau có thể giúp khắc phục hiện tượng này nếu không thường xuyên xảy ra như:
- Vệ sinh cơ thể: Đảm bảo giữ cơ thể và vùng kín thật sạch; nhất là trong những ngày hành kinh, trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Rèn luyện sức khỏe: Tập thể dục thể thao để nâng cao đề kháng. Chú ý trong kỳ kinh có thể nghỉ ngơi hoặc vận động nhẹ nhàng. Tuyệt đối không hoạt động mạnh và quá sức trong những ngày này.
- Thử thai: Kiểm tra xem mình có thai hay không bằng cách sử dụng que hoặc bút thử thai.
- Tránh thai khoa học: Sử dụng các biện pháp phòng tránh thai an toàn để không mang thai ngoài ý muốn, không phải nạo phá thai, ảnh hưởng đến tử cung và chu kỳ kinh nguyệt.
- Tránh căng thẳng: Không để cơ thể bị stress quá mức bằng cách ăn uống và nghỉ ngơi khoa học.
- Khám bệnh: Cần đi khám khi bị sốt, buồn nôn, đau bụng mà dùng thuốc giảm đau không thuyên giảm.
Khi tình trạng kèm theo nuốt đau, khó nuốt, khó thở, hay bị nôn, nôn ra máu, đại tiện phân đen, vàng tròng mắt, vàng da… bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khám ngay lập tức, ngăn ngừa được hệ lụy không tốt đối với sức khỏe. Khi bị viêm nhiễm phụ khoa, cần điều trị bệnh dứt điểm.
Nhìn chung, bạn không nên chủ quan khi thấy có dấu hiệu có kinh nhưng không có kinh. Nếu hiện tượng này diễn ra thường xuyên, cần đến khám các bác sĩ phụ khoa để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.