Phạm Thị Diệu Thu nhớ người dưng bằng thơ

11/01/2017 - 09:00
Trong tập thơ 'Nhớ một người dưng' vừa ra mắt, tác giả Phạm Thị Diệu Thu cho người đọc thấy rõ hơn một tình yêu đầy mãnh liệt, khát khao, đam mê, bỏng cháy nhưng cũng rất nữ tính, e lệ, dịu dàng.
15536672_2067556073470633_904301708_o.jpg
"Nhớ một người dưng" là tập sách thứ 3 của Phạm Thị Diệu Thu 

Sau thành công của cuốn tản văn Loa kèn trắng đợi anh (NXB Văn học, năm 2014) và tập Trả lại những đam mê (NXB Văn học, năm 2015), mới đây, tác giả Phạm Thị Diệu Thu tiếp tục cho ra mắt độc giả yêu thơ cuốn Nhớ một người dưng do NXB Văn học và Sunflower Books ấn hành. 

Phạm Thị Diệu Thu sinh năm 1976, tốt nghiệp Khoa Báo chí trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, từng viết báo, tản văn, thơ… cho nhiều tờ báo. Chị đã đoạt giải trong các cuộc thi viết như cuộc thi viết 100 chữ Blog Opera  Giấc mơ và hiện thực do Bộ VHTT&DL và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức đăng trên chuyên trang Blog Việt, cuộc thi viết Mối tình đầu của tôi do NXB Dân trí tổ chức.

Trong Nhớ một người dưng, người đọc thấy rõ hơn một tình yêu đầy mãnh liệt, khát khao, đam mê, bỏng cháy, nhưng cũng rất nữ tính, e lệ, dịu dàng. Đọng lại là một tình yêu không tuổi, không có sự ngăn cách bởi không gian và thời gian. Xuyên suốt tập thơ là một nỗi nhớ, có khi thoảng qua phút chốc, có khi lại quay quắt cồn cào, trào dâng nước mắt:

"Chiều nay nỗi nhớ ùa về/Em ngồi gói lại đam mê một thời/Sao anh không nói một lời/Con tim tê dại sầu rơi nhạt nhòa..." (Bao giờ trở lại)

Những câu thơ giản dị và chân thành, dường như chị độc thoại và tự hỏi mình về nỗi nhớ, về những điều xao động trong hồn thơ đầy đa cảm của mình: "Em chỉ là người đàn bà kể chuyện bằng thơ/Mộng mơ và khờ khạo/Chẳng biết đời giông bão/Luôn mỉm cười và giàu lắm đức tin" (Người đàn bà trọn một kiếp đa đoan)

Đức tin để chị đi qua bao thăng trầm trong cuộc sống buồn, vui, được, mất để còn đó vẹn nguyên một nỗi nhớ về người. Dù rằng người dưng ấy chỉ thoảng qua như một cái bóng mờ nhạt trong cuộc đời chị. Nhưng nỗi nhớ thì ngập tràn trong vần thơ của chị viết.

Và người dưng ấy có phải là người đi hàng trăm cây số đến chỉ để kịp nghe chị ngâm đôi vần thơ nhỏ và ngắm chị với đôi mắt buồn ngơ ngác trong thơ chị không? “Người đàn ông yêu em nhất – là anh/Người đã lái xe vượt hàng trăm cây số/Chỉ để kịp nghe em ngâm đôi vần thơ nhỏ/Và ngắm em với đôi mắt ngơ ngác buồn” (Người đàn ông em yêu)

Người dưng ấy có lẽ chỉ là một ẩn số ngôn từ trong mạch cảm xúc thơ của một người phụ nữ đa sầu, đa cảm như chị:

"Nhớ người dưng quá/Bao giờ bên nhau/Tim buồn như khóc/Bên trời thương đau". (Nhớ quá người dưng)

Nỗi nhớ, sự chờ đợi, khát khao, ước hẹn được chị trải lòng vào thơ. Tiếng thơ của một người đàn bà yêu. Nó rung động qua câu chữ mà ẩn sâu một tiềm thức. "Tim buồn như khóc" khi được thốt lên.

dieuthu.jpg
 Tác giả Phạm Thị Diệu Thu

Thơ Phạm Thị Diệu Thu là nguồn cảm xúc từ chính trái tim mình. Thật dung dị và rất chân thật, không màu mè, mộc mạc như chính cuộc đời mình. Một hình ảnh của con người hay nuối tiếc về những điều đã qua. Chan chứa tình yêu thương, đầy lòng trắc ẩn, khắc khoải và da diết:

"Có giọt Thu long lanh/Vương trên đôi mắt biếc/Nhớ cồn cào da diết/Người dưng ơi người dưng..." (Bối rối)

Nhớ một người dưng mà không thể chạm vào, nhớ mà chỉ biết quan tâm và trải lòng qua những vần thơ, cái cảm giác chỉ biết là... nhớ. Nhớ một bóng hình nào đó thôi. Đó là thơ, là cảm xúc để chị viết như một sự giải tỏa tâm trạng của mình.

"Người chỉ là một người dưng/Cớ sao ta lại ngập ngừng nhớ thương/Giận mình gieo nỗi vấn vương/Để rồi thao thức đêm trường cô đơn/Trái tim cạn cả nỗi buồn/Nhớ ai cạn cả nguồn thương một đời/Người chỉ là người dưng thôi/Mà cho ta cả chân trời ước mong..." (Nhớ người dưng)

Người dưng! Nghe thật gần mà cũng thật xa. Người dưng đôi khi cũng chỉ là một cái cớ để mình huyễn hoặc viết thành thơ.

Sự mong manh, sương khói của người dưng cũng có thể là lời thơ tâm tình, đằm sâu như một vệt sáng lướt ngang qua đời chị. Để rồi ký ức, nỗi nhớ bắt nguồn từ những điều bình dị nhất, ấm áp nhất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm