Bìa sách "Những cô gái ồn ào" |
Tự hào trong đội ngũ… “Những cô gái ồn ào”
Chào Linh Phan, hẳn là nhiều người sẽ nghĩ khi sang châu Âu sinh sống, học tập và làm việc là chị đã tránh được sự “ồn ào” rồi chứ? Cuốn sách “Những cô gái ồn ào" ra đời dựa trên ý tưởng nào của chị vậy?
“Những cô gái ồn ào” đến một cách rất tình cờ và nhanh chóng, từ một dự án website được mình khởi sự là www.makeitnoise.com. Đây là website chuyên cung cấp và chia sẻ thông tin về nghề và cuộc sống trong lĩnh vực PR & Truyền thông đầu tiên và duy nhất của Việt Nam. Trong ngành PR mà nói, “make some noise” (hãy làm ồn ào lên, khuấy động lên) là một định nghĩa đơn giản và sơ đẳng nhất có thể gán cho nó. Tính từ “ồn ào” ở tựa sách cũng ra đời từ đó.
Tuy nhiên, sau một thời gian tương đối dài làm việc một cách chuyên nghiệp trong ngành này, đặc biệt là từ sau khi rời khỏi Việt Nam và bắt đầu tiếp xúc với môi trường PR của phương Tây, mình mới có sự so sánh và nhận thấy ngành PR tại Việt Nam còn có quá nhiều ngộ nhận. Bao nhiêu năm rồi, người làm PR vẫn không thể giải thích một cách đơn giản nhất thực sự “nghề PR” là gì kể cả thực tế lẫn trong sách vở. Cuốn sách này ra đời như vậy, với mục đích để “bình dân hóa” những khái niệm về PR, ai đọc cũng có thể hiểu được nghề đó là gì, làm PR là làm gì và công việc của một người làm PR thì như thế nào.
Cuốn sách “Những cô gái ồn ào” (viết chung với Bạch Dương) dường như là cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam nói về phái nữ làm việc trong lĩnh vực PR. Cuốn sách được viết với giọng văn dễ gần, dễ tiếp cận. Trên tất cả, chị muốn nhắn nhủ “các cô gái ồn ào” hãy luôn tự tin và tự hào về công việc mình lựa chọn, vì đó cũng chính là một phong cách sống?
Đúng vậy, nghề PR có liên quan tới sáng tạo và bản thân người làm PR cũng cần phải có những thẩm mỹ riêng về mọi lĩnh vực. Hầu hết những cô gái theo nghiệp PR chuyên nghiệp, cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài mình từng tiếp xúc, đều là những người rất có cá tính, hiểu biết, nhạy cảm. Họ có thể làm PR cho nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đều rất biết và quan tâm chú trọng với việc xây dựng hình ảnh cá nhân, tự tạo cho mình một phong cách riêng và đặc biệt là họ rất… duyên dáng. Muốn đạt được tất cả những điều trên, không chỉ học bài bản về PR là đủ, cá nhân mỗi người cần phải tự đầu tư để làm giàu kiến thức và tâm hồn của mình, như vậy cuộc sống mình cũng phải đa dạng và nhiều màu sắc. PR làm thay đổi phong cách sống của họ và cũng chính phong cách sống giúp họ thành công hơn trong PR.
Viết đúng sự thật về nghề nghiệp thế này, chị có sợ nhiều bạn gái sẽ không dám bước chân vào lĩnh vực PR không?
Không, vì chẳng bao giờ là quá muộn để các bạn bắt đầu một điều gì đó. Các bạn có thể sẽ nhận ra mình không hợp với nghề này kể cả khi đã học và đi làm một thời gian. Một trong những mục đích khi mình và Dương viết sách cũng là nhắm tới những bạn trẻ đang bị loay hoay không có mục đích hoặc bị “ảo tưởng” về những hào quang của nghề này. Không riêng gì PR, nghề nào mà dấn thân thực sự thì cũng đều không có gì dễ dàng. Nhưng những bạn yêu thích thực sự, đam mê thực sự thì cuốn sách sẽ là cẩm nang và là một người bạn nhỏ giúp các bạn hoàn thiện mình và thành công hơn trong công việc.
“Những cô gái ồn ào” có thể coi là cuốn cẩm nang không chỉ cho chính phụ nữ trong ngành PR mà còn dành cho cả những đức ông chồng, người yêu của họ. Chị muốn nhắn nhủ gì với “một nửa thế giới” kia, để tránh đi những ngộ nhận và để đồng cảm hơn?
Một trong những độc giả không quen từng gửi cho mình một bài review về sách chị viết khá dài và nắn nót với tựa đề là “Thử đọc nếu vợ hoặc người yêu bạn làm PR”. Góc nhìn này làm mình thực sự rất hứng thú và đang nghĩ trong đợt tái bản tới có nên đề xuất với NXB làm một số hoạt động giới thiệu sách nhắm tới các đối tượng này hay không. Nghề PR là một nghề nghiệp khá áp lực và đôi khi quá tải, làm việc ngoài giờ hay cuối tuần là chuyện bình thường. Nếu không hiểu thì rất có thể sẽ dẫn tới những tranh cãi hay hiểu lầm không đáng có. Vậy nên, nếu được, các ông chồng và các anh người yêu hãy nên đọc sách và coi đó là một cơ hội để trân trọng và thấu hiểu người mình yêu thương.
Tác giả Phan Linh |
Đua với thời gian
Được biết, chị và anh xã quen nhau từ khi chị còn làm PR trong nước. Biết được áp lực của công việc của một cô gái PR, anh xã chị không thấy… sợ sao?
Rất nhiều những phụ nữ khác, đã có chồng và thậm chí 2-3 đứa con vẫn cứ say sưa với công việc này. Điều quan trọng nhất trong nghề này là biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cần sáng suốt để biết lúc nào thì cần tập trung hay lúc nào nên ưu tiên điều gì. Chồng mình thì không thấy sợ gì cả. Anh ấy là dân nghiên cứu nhưng khá tâm lý, rất thông cảm và hiểu công việc của vợ, thường xuyên động viên và nhắc mình giữ gìn sức khoẻ. Bọn mình lấy nhau sau đó chuyển khỏi Việt Nam luôn nên chắc anh ấy cũng chưa được thực sự “nếm trải” sự bận rộn khi mình còn làm PR ở Việt Nam.
Sống ở châu Âu, chị vừa làm mẹ lần đầu, lại vừa dành thời gian làm việc, và tiếp tục cho ra đời 2 cuốn sách ở thời điểm khá gần nhau, giống như là chị có “phép thuật” để… nhân đôi thời gian 24 tiếng vậy?
Thực ra, có lẽ chính một phần vì sống tách biệt và xa khỏi Việt Nam nên mình mới có nhiều thời gian hơn. Cuộc sống ở Việt Nam mình thấy rất ngặt nghèo về mặt thời gian, lúc nào cũng cảm thấy kiệt quệ. Riêng thời gian đi trên đường cũng có khi đã mất vài tiếng đồng hồ. Tất nhiên, sau khi chuyển sang đây mình cũng sắp xếp để cuộc sống khoa học hơn, ví dụ như dậy từ 4-5h sáng để làm việc, 7h sáng con dậy thì mình sẽ nấu nướng rồi cả nhà ăn sáng, vì con còn nhỏ và thời gian nghỉ thai sản của Nauy cũng rất lâu (lên tới 1 năm) nên mình thoải mái ở nhà trông con, rèn cho con lịch sinh hoạt điều độ, khi nào con ngủ thì mẹ làm việc. Buổi tối con cũng ăn sớm và ngủ sớm từ 7h30, nên sau đó mình có nhiều thời gian nghỉ ngơi, học tập hoặc làm việc mình muốn. Cả con và chồng đều rất hợp tác, hỗ trợ, nhất là chồng luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi việc nội trợ kể cả khi anh đã đi làm cả ngày nên mình có tư tưởng thoải mái hơn và nhiều năng lượng hơn cho các công việc cá nhân.
Ở đây cuộc sống rất yên tĩnh, có nhiều khoảng không gian riêng và không có áp lực gì cả nên mình tập trung tốt hơn cho việc viết cũng như xử lý các công việc từ xa.
Bên cạnh công việc hiện tại và phát triển công việc cá nhân, hình như chị đang dự định học và học thêm rất nhiều nữa để phục vụ cho mục tiêu đời sống của mình?
Mình đã có một bằng thạc sĩ về Marketing Truyền thông chiến lược. Thời gian này mình đang hợp tác với một vài dự án làm về PR/Marketing với các công ty tại Canada, Mỹ và Việt Nam.
Khi có con rồi mình thường tìm đọc rất nhiều tài liệu liên quan tới nuôi dạy trẻ em, và cũng có một mong muốn được học thêm về lĩnh vực Giáo dục trẻ sơ sinh/trẻ nhỏ hoặc về Dinh dưỡng cho trẻ em. Rất có thể trong thời gian tới, sau khi con lớn hơn và hoàn thành các dự án, mình sẽ dành thời gian để học tiếp về các chuyên ngành này.
Chị thích được gọi như thế nào hơn, “một người mẹ chuyên nghiệp” hay “một cô gái ồn ào… chuyên nghiệp”?
Làm mẹ thì ban đầu không ai chuyên nghiệp cả, mà rồi ai cũng đều có thể trở thành chuyên nghiệp. Nhiều khi không có gia đình ở cạnh cũng thấy buồn nhưng nhờ sống độc lập mà mình cũng thấy mình “chuyên nghiệp” hơn trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng con trai.
Còn về nghề nghiệp, thực ra mình cũng không phải là người quá “ồn ào”. Mình có quan điểm cứ chăm chỉ làm việc thì thành công sẽ tới, vì cơn sóng ngầm thì bao giờ cũng mạnh mẽ hơn những gì bạn nhìn thấy ở phía trên mặt nước.
Với PR, mình chỉ dám nhận mình là một người yêu nghề thực sự và mong muốn truyền cảm hứng này tới các độc giả.
Phan Linh và chồng con tại Na Uy |
Phan Linh là một chuyên gia tư vấn PR thuộc lớp được đào tạo PR bài bản và chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, với gần 10 năm kinh nghiệm. Rời Việt Nam sang Na Uy làm việc và sinh sống, Phan Linh tiếp tục tỏa sáng với nhiều thành tích trong công việc bên cạnh sự nghiệp của một “first-time mom” (lần đầu làm mẹ) chuyên nghiệp. Cùng với “Những cô gái ồn ào”, Phan Linh cũng vừa cho ra mắt cuốn “Uống cà phê nói chuyện mặt trời” nói về hành trình khám phá và trải nghiệm cuộc sống. Những đứa con tinh thần của cô ra đời gần thời điểm với nhau thể hiện nhiệt huyết với những chuyến đi của cuộc đời và sức sáng tạo không ngừng nghỉ của một “cô gái ồn ào”. |