Phát điên khi trẻ không hài lòng là quăng ném đồ

03/10/2019 - 18:00
Ở cùng với mẹ con cô em gái, chị Hoài Thương (Kim Liên, Hà Nội) nhiều lần phát điên khi đứa cháu 5 tuổi không hài lòng chuyện gì là lập tức quăng ném đồ. Điên với đứa trẻ 1 nhưng chị bực với cô em 10 vì cách dạy con theo phương pháp “kỷ luật không nước mắt” khiến đứa trẻ “chứng nào tật nấy”.
Không hài lòng việc gì thì cậu bé liền quăng ném đồ để thể hiện cảm xúc của mình. Ảnh minh họa

 

Có chuyện gì, chỉ cần không hài lòng, bé Bo (5 tuổi) liền quăng ném mọi đồ vật trước mắt, từ điều khiển ti vi, điện thoại, bát đĩa, thậm chí ghế, bàn học gấp… Bao nhiêu đồ trong nhà bị hỏng vì kiểu “thích thì ném” của cậu bé. Thậm chí, cái ti vi đắt tiền mấy chục triệu cũng hỏng vì bị cu cậu ném điều khiển khiến màn hình vỡ toang.

Mới đây, khi chị Thương trêu rằng món xôi là phần cho anh của Bo, Bo không được ăn, cậu bé tức giận đạp ngay chiếc ghế xuống đất. “Phát điên” với hành động của cậu bé, chị Thương liền đánh tay cháu. Thế nhưng, mẹ cậu bé không hài lòng góp ý: Bác không được dạy trẻ con như thế. Bác phải bảo ban cháu nhẹ nhàng.

Điên với đứa cháu 1 thì điên với mẹ cậu bé 10, chị Thương cho biết, chính vì cách dạy con quá sách vở, lúc nào cũng áp dụng kiểu “kỷ luật không nước mắt” thì cậu bé mới ngỗ ngược như vậy. Lần nào con làm sai gì thì mẹ cũng nhẹ nhàng chỉ dạy: Lần sau con không được làm như thế nhé! Và sau bao nhiêu lần sau ấy thì cậu bé vẫn cứ không hài lòng là quăng ném đồ. Cậu bé không có kỹ năng kiềm chế cảm xúc.

Kỷ luật "không nước mắt" áp dụng với những đứa trẻ không biết kiềm chế cảm xúc, có "sở thích" quăng ném đồ sẽ không hiệu quả. Ảnh minh họa

 

Theo TS Vũ Thu Hương (Trung tâm Cá siêu quậy), áp dụng "kỷ luật không nước mắt” không phải lúc nào cũng hiệu quả. Khi trẻ có hành vi xấu, cần có hình phạt, kỷ luật với con chứ không thể lúc nào cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Với một đứa trẻ thích quăng ném đồ như bé Bo, nhiều người lớn sẽ tức giận phạt bằng cách đánh hoặc nhốt bé ở phòng kín. Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương cho rằng việc đó là không nên.

Để “điều trị” cậu bé không biết kiềm chế cảm xúc này, theo TS Vũ Thu Hương, cần phạt cậu bé bằng nhiều cách. “Ngay lúc ấy, bố/mẹ có thể đi mua kem cho cả nhà ăn và kiên quyết không cho bé ăn. Hoặc trong bữa cơm, cấm cậu bé ăn món mà nó thích nhất cũng là một cách phạt. Hoặc có thể phạt bằng cách bắt trẻ úp mặt vào tường, bắt đứng lên ngồi xuống 20 cái, leo cầu thang…”

Còn theo bác sĩ tâm lý trẻ em Hàn Quốc Cheonseok Suh, khi con có hành vi giận dữ, không đúng với bố mẹ, bố mẹ không nên làm theo đòi hỏi của con. Bố mẹ đừng quá thương con khi thấy con quấy khóc, hãy coi đó là những trở ngại không thể tránh khỏi trong quá trình dạy con và kiềm chế cảm xúc. Rồi bố mẹ sẽ thấy con nghe lời mình. Bố mẹ tốt không phải là những người lúc nào cũng nhẹ nhàng, tình cảm trong mọi việc. Đôi lúc, bố mẹ cũng phải thể hiện sự cứng rắn để giữ vững vị trí của người làm cha mẹ, đó mới là yêu thương thực sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm