Phát điên vì học

26/04/2016 - 10:59
Luôn tạo áp lực cho mình đã khiến Nguyễn Ngọc H. (Huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) thẳng tiến tới Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
teentramcam3.jpg
Tự tạo áp lực cho mình, khi không đạt được mục tiêu, nhiều người trẻ rơi vào trầm cảm. Ảnh minh họa internet.

Sau 2 tuần điều trị tại bệnh viện, Ngọc H. có vẻ nhanh nhẹn hơn. Thế nhưng, cô luôn bắt mẹ xin ra viện để sớm trở về trường học. Dù trong giai đoạn chữa bệnh nhưng tinh thần học tập của H. cao vời vợi. Thậm chí, cô luôn lo lắng, bất an khi nghĩ rằng, thời điểm này các bạn trong lớp có cơ hội vượt qua thành tích của mình.

Đưa con đi chữa bệnh, chị Nguyễn Thị Bình (mẹ Ngọc H.) cho biết, vợ chồng chị làm nông nghiệp nên không bao giờ tạo áp lực học tập cho con. Thấy con học giỏi, có ý chí, chị rất mừng. Tuy nhiên, chị hơi lo khi con luôn đặt ra những mục tiêu cao chót vót.

Khi con thi THPT, chị Bình khuyên con thi trường gần nhà cho tiện đi lại. Nhưng Ngọc H. lại chê bai trường với đa phần là học sinh “làng nhàng”, con bé muốn học trường điểm để chứng minh khả năng của mình.

teentramcam5.jpg
Cha mẹ nên khuyến khích con cân bằng giữa việc học, giải trí và chơi thể thao để giảm áp lực trong cuộc sống. Ảnh minh họa internet.

Học trường điểm của huyện, H. luôn cố gắng ở top đầu. Sự nỗ lực, thậm chí cạnh tranh rất gay gắt khiến nhiều lúc Ngọc H. rơi vào mệt mỏi, căng thẳng. Đôi khi, với kết quả không như mong muốn, không đạt được mục tiêu đề ra, Ngọc H. cảm thấy mình vô dụng. Sự lo âu kéo dài dẫn đến mất ngủ thường xuyên, tâm trí rệu rã, kết quả học vì thế càng giảm sút nên Ngọc H. càng chán nản, buồn bã.

Cũng may, phát hiện con có những biểu hiện căng thẳng quá mức, chị Bình đưa con đi khám kịp thời và được bác sĩ yêu cầu cho con nhập viện. Bác sĩ Ngô Ái Linh (Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) cho biết: Nếu cha mẹ chủ quan, không để ý đến những biểu hiện bất thường của con thì con có thể rơi vào trầm cảm nặng. Với những trẻ tự tạo ra áp lực cho mình, khi không đạt được mục tiêu, con dễ thất vọng, chán chường. Bố mẹ cần giảm áp lực cho con bằng cách giúp con nhận diện vấn đề, giúp con cân bằng cuộc sống, khuyến khích con giải trí, chơi thể thao... sau những giờ học căng thẳng. Bên cạnh đó, hãy giúp con hiểu rằng không ganh đua, không so bì, tỵ nạnh là phương thuốc hữu hiệu để trị áp lực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm