pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phát hiện con đười ươi đầu tiên biết dùng lá thuốc để điều trị vết thương hở: Một cái nhìn sâu sắc vào nền y tế sơ khai của các loài động vật
Tên của nó là Rakus, một con đười ươi đực, thuộc giống Sumatra (Pongo abelii), đang sống ở Vườn quốc gia Gunung Leuser, Indonesia. Các nhà khoa học đã theo dõi con đười ươi này trong suốt khoảng 30 năm nó sinh sống ở đây. Năm 2022, trong một cuộc cãi vã với đồng loại, Rakus bị một con đười ươi đực khác vả vào mặt.
Cuộc xô xát hôm đó để lại trên má phía bên trái của Rakus một vết rách, nó bị mất hẳn một mảng thịt to bằng một cái nắp chai. Thường thì, đụng độ giữa những con đực với nhau trong thế giới linh trưởng không thực sự hiếm gặp. Nhưng những gì mà các nhà khoa học quan sát thấy sau khi theo dõi Rakus mới là điều đáng chú ý.
Lần đầu tiên, và trên toàn thế giới, họ xác nhận một con đười ươi có khả năng hiểu biết về vết thương của mình, như một vị bác sĩ. Con đười ươi sau đó đi tìm lá của một loài cây leo có tên là Akar Kuning (Fibraurea tinctoria). Mỗi ngày, nó đều lấy một nắm lá, nhai nát, rồi đắp lên vết thương hở của mình như một bài thuốc thực sự.
Không rõ con đười ươi này đã học được cách sử dụng vị thuốc đó từ đâu, nhưng đây rõ ràng là một thủ thuật y khoa phức tạp trong thế giới linh trưởng. F. tinctoria từ trước đến này chỉ được sử dụng bởi con người. Nó là một vị thuốc cổ truyền có khả năng điều trị vết thương, và một số bệnh khác như tiểu đường, kiết lị và sốt rét.
Phân tích thành phần hóa học cho thấy lá của loài cây này có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, kháng nấm và chống oxy hóa. Tất cả đều phù hợp và rất hữu ích trong quá trình điều trị và chữa lành vết thương trên mặt của Rakus.
Không còn nghi ngờ gì nữa, hành vi của con đười ươi này là một hoạt động y tế trong thế giới động vật.
Nhìn vào nền y tế sơ khai của các loài vật
Trên thực tế, con đười ươi Rakus không phải là cá thể động vật đầu tiên biết chữa bệnh được ghi nhận. Từ lâu, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số loài chim, ong, thằn lằn và voi biết sử dụng các vị thuốc thảo mộc.
Chúng thường ăn những loại cỏ, lá cây, hoặc hoa quả có tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng trong đường tiêu hóa, hỗ trợ diệt virus, vi khuẩn, thậm chí giảm đau như thuốc phiện.
Một ví dụ gần gũi hơn chính là con chó nhà bạn. Bất kể khi nào nó ăn cỏ, con chó không làm điều đó vì nó thèm vitamin. Nó đang ăn cỏ vì nó bị đau bụng. Và cỏ có thể kích thích chó nôn ra thức ăn ôi thiu, hoặc giúp chúng đẩy phân ra khỏi cơ thể.
Các nhà khoa học có hẳn một lĩnh vực nghiên cứu gọi là "Zoopharmacognosy", ghép từ zoo ("động vật"), pharma ("thuốc") và gnosy ("biết"). Lĩnh vực này nghiên cứu sự hiểu biết của động vật về cách sử dụng các vị thuốc có trong thiên nhiên.
Không rõ mức độ hiểu biết hoặc học tập, nghiên cứu y tế của các loài vật đã tiến hóa đến mức nào, nhưng nhiều loài động vật dường như đã phát triển khả năng bẩm sinh để phát hiện các loại thực vật có khả năng chữa bệnh. Dưới đây là một số ví dụ mà các nhà khoa học đã phát hiện được:
- Gấu, hươu, nai sừng tấm, một số loài thú ăn thịt và vượn lớn có thể ăn những cây thuốc có tác dụng chữa bệnh.
- Một số loài thằn lằn đối phó với vết cắn của rắn độc bằng cách ăn một loại rễ cây nào đó có tác dụng chống nọc rắn.
- Khỉ đầu chó ở Ethiopia ăn lá cây để chống lại giun dẹp gây bệnh sán máng.
- Ruồi giấm đẻ trứng ở những cây có nồng độ ethanol cao, khi chúng phát hiện ra ong bắp cày ký sinh, một cách để bảo vệ con cái của mình.
- Vẹt đuôi dài cùng với nhiều loài động vật ăn đất sét để hỗ trợ tiêu hóa và tiêu diệt vi khuẩn.
- Khỉ nhện lông cừu ở Brazil ăn một số loại cây để tăng hoặc giảm khả năng thụ thai theo ý muốn.
- Vượn cáo mang thai ở Madagascar gặm nhấm lá me, lá sung và vỏ cây để hỗ trợ việc tiết sữa, tiêu diệt ký sinh trùng và tăng cơ hội sinh nở thành công.
- Voi mang thai ở Kenya ăn lá của một số cây để hỗ trợ quá trình sinh đẻ.
Nằm trong số những nhóm động vật thông minh nhất hành tinh, vượn lớn tất nhiên cũng có hành vi sử dụng dược phẩm được biết đến. Hơn 60 năm về trước, Toshisada Nishida, một nhà nhân chủng học người Nhật đã báo cáo một số con tinh tinh ở Tanzania ăn lá cây aspella, một loại lá không có giá trị dinh dưỡng.
Hành động tương tự được Michael Huffman, một nhà sinh vật học làm việc tại Viện Nghiên cứu Linh trưởng thuộc Đại học Kyoto quan sát thấy vào năm 1996 trên một con tinh tinh bị táo bón.
Huffman cho rằng con tinh tinh này đã nhai lá của một loài cây có độc mà bình thường các loài động vật đều tránh. Nhưng con tinh tinh này đã nhai thuốc và ngày hôm sau, nó đã đi đại tiện được.
Loài cây này có lông cứng trên lá, sờ vào thấy thô ráp. Huffman đưa ra giả thuyết rằng tinh tinh nuốt nó để tận dụng sự thô ráp đó, sử dụng lá và thân để cọ rửa ruột và loại bỏ ký sinh trùng.
Dựa trên quan sát của mình, Huffman đã đưa ra một bộ tiêu chí cho phép ông đánh giá khi nào, tại một thời điểm nào, một con vật đang có hành vi sử dụng lá cây như một vị thuốc điều trị y tế:
1. Tiêu chí đầu tiên là con vật đang ăn một loài thực vật không nằm trong chế độ ăn thường xuyên của chúng.
2. Thứ hai, loài cây phải cung cấp ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng. Điều này gợi ý đó không phải thức ăn mà là thuốc.
3. Thứ ba, cây phải được tiêu thụ vào những thời điểm cụ thể trong năm - ví dụ như mùa mưa - khi ký sinh trùng phát triển mạnh nhất có nhiều khả năng gây dịch bệnh.
4. Thứ tư, chỉ có một số cá thể bị bệnh mới ăn lá thuốc, các cá thể khác trong nhóm không tham gia.
Đối chiếu theo tiêu chí của Huffman, các nhà khoa học đã thống kê được các loài vượn lớn như tinh tinh có khả năng sử dụng tới 40 loại thảo mộc khác nhau để chữa bệnh. Nền y tế của chúng đã được phát hiện tại 25 địa điểm trên toàn thế giới.
Một bài thuốc phức tạp, một thủ thuật y tế có chiến lược
Một trong những ví dụ điển hình nhất về việc động vật biết dùng thuốc chữa bệnh đã được ghi nhận tại một vùng sâu vùng xa trong lưu vực Congo, liên quan đến bonobos, hay còn được gọi là tinh tinh lùn.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi nhà sinh thái học và nhân chủng tiến hóa Barbara Fruth đến từ Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Plank ở Leipzig, Đức. Cô đã tới Công viên Quốc gia Salonga của Congo để theo dõi một nhóm tinh tinh lùn sống ở đây, một địa điểm cách ngôi làng gần nhất của loài người 25km.
Công việc đòi hỏi Fruth phải bám theo đàn tinh tinh, đôi khi lội qua đầm lầy, bò dưới cây dây leo để theo dõi chúng, thu thập phân của chúng về phân tích. Trong suốt gần 2 năm theo dõi liên tục, giữ khoảng cách 7 mét, nhìn qua ống nhòm và đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm mầm bệnh của người sang tinh tinh, Fruth quan sát thấy những con tinh tinh lùn này biết cách sử dụng một loài cây bụi địa phương gọi là Manniophyton fulvum như một vị thuốc.
Điều quan trọng là cách chúng chuẩn bị thuốc rất tinh tế.
Những con tinh tinh lùn sẽ vặt lấy một chiếc lá M. fulvum, và đặt nó nằm phẳng trên lưỡi. Sau đó, chúng sẽ tiết nước bọt, gập những chiếc lá lại tạo thành một quả bóng nhỏ.
Việc đặt lá lên lưỡi nhằm để tránh chúng tiếp xúc với môi và da, loài cây này có khả năng gây ngứa và lở loét. Trong động tác cuối cùng, những con tinh tinh không nhai lá M. fulvum mà nuốt chửng quả bóng lá xuống như uống một viên thuốc tự chế.
Trong vòng gần 2 năm theo dõi liên tục, Fruth đã quan sát thấy những con tinh tinh lùn lặp lại hành vi này 56 lần. Cô cũng phân tích thành phần của lá cây M. fulvum để nhận ra nó không hề có giá trị dinh dưỡng.
Loài cây này cũng không có trong chế độ ăn hàng ngày của tinh tinh. Chúng chỉ ăn lá M. fulvum trong mùa ký sinh trùng phát triển. Tất cả phù hợp với những tiêu chí của Huffman về việc sử dụng thuốc trong thế giới động vật.
Báo cáo trên Tạp chí American Journal of Primatology, Fruth cho biết chắc chắn những con tinh tinh lùn ở Congo đang chế tạo một loại thuốc cho riêng chúng, từ lá của loài cây M. fulvum.
Thế nhưng, những gì mà cô phát hiện còn vượt xa so với lý thuyết của Huffman, từng cho rằng tinh tinh dùng lá nhám có lông để quét ký sinh trùng và tăng tốc độ thải phân ra khỏi đường ruột của chúng.
Fruth nói rằng trong quá trình theo dõi lũ tinh tinh ngủ trên cây và đi đại tiện vào mỗi sáng sớm, cô đã ghi lại được gần 700 chu kỳ thải phân của chúng. Kỳ lạ là sau khi ăn thuốc, thời gian đi đại tiện của tinh tinh lùn không ngắn hơn.
"Nếu bạn có thứ gì đó trong ruột trong 24 giờ và nó không đẩy nhanh thời gian đi qua ruột của bạn, thì bạn phải hỏi, thứ này có tác dụng gì và tại sao nó lại được nuốt chửng như vậy?", Fruth nói.
Một giả thuyết được đưa ra là lũ tinh tinh đã gói lá vào để tạo ra một loại thuốc giải phóng chậm trong đường ruột, giống với cách loài người chế tạo thuốc viên nén hoặc thuốc con nhộng. Điều này cho phép thuốc thấm sâu hơn vào ruột, tạo ra lợi ích chống viêm và chữa lành các tổn thương sâu bên trong đường ruột.
Ngoài ra, lá cây M. fulvum cũng đang được sử dụng bởi nhiều bộ lạc ở Châu Phi như môt loại thuốc nhét hậu môn để thụt tháo và điều trị bệnh trĩ và thụt. Huffman gợi ý rằng nếu con người và loài vượn lớn sử dụng cùng một cây thuốc thì có thể những loài vượn hình nhân thời kỳ đầu cũng đã có hành vi đó. Và việc sử dụng thuốc là một trong những hành vi có chức năng tiến hóa.
Động vật cũng có thuốc gia truyền
Đến đây, có một câu hỏi: Làm thế nào mà các loài động vật – ngay cả một số loài chẳng thông minh lắm – có thể biết cách sử dụng thuốc như con người?
Làm thế nào mà chim sẻ học được cách thu thập tàn thuốc lá chứa nicotin về lót tổ, thứ giúp chúng đuổi bọ ve và bảo vệ con nhỏ? Làm sao ong mật và kiến gỗ biết lót nhựa thông vào tổ chúng với mục đích tương tự, chống lại vi khuẩn?
Rõ ràng, một số hành vi sử dụng thuốc ở động vật là thứ mà chúng mới học được gần đây. Ví dụ như thuốc lá chỉ mới có tuổi đời dưới 100 năm, việc thu gom đầu lọc thuốc về trải tổ của chim sẻ không thể vượt quá tuổi đời của những điếu thuốc.
Đối với chim sẻ, 100 năm nghĩa là khoảng 30-50 thế hệ.
Trở lại với Rakus, con đười ươi biết nhai lá thuốc và đắp lên vết thương ở Vườn quốc gia Gunung Leuser, Indonesia. Các nhà khoa học giải thích: "Vì F. tinctoria có tác dụng giảm đau mạnh, nên con đười ươi có thể đã cảm thấy dễ chịu mỗi khi nhai lá của loài cây này. Tác dụng giảm đau khiến nó lặp đi lặp lại hành vi này nhiều lần, sau đó bôi lá thuốc đã nhai lên vết thương để bảo vệ nó khỏi ruồi nhặng".
Các nhà khoa học có hai giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất, Rakus là con đười ươi đầu tiên tình cờ phát hiện ra tác dụng giảm đau khi ăn lá cây F. tinctoria. Giả thuyết thứ hai là nó đã học được điều đó từ tổ tiên của mình.
Một kịch bản đơn giản thế này: Một ngày nào đó cách đây vài triệu năm, một con đười ươi sống trên hòn đảo nào đó ở vùng đất ngày nay thuộc về Indonesia cũng đã đánh nhau và có một vết thương hở.
Không rõ vì lý do gì, nó đã cầm lấy một chiếc lá cây F. tinctoria, nhai rồi đắp lên vết thương. Sau khi cảm thấy được giảm đau và dễ chịu hơn, con đười ươi ghi nhớ hành động đó và truyền lại cho con của nó. Con của nó cũng ghi nhớ hành động và truyền lại phương thuốc cho con của mình.
Rakus đang nhai lá Akar Kuning (Fibraurea tinctoria) và đắp lên vết thương hở của nó.
Đười ươi thuộc nhánh linh trưởng, và chắc chắn nó là một loài động vật thông minh, có khả năng quan sát, giao tiếp và học hỏi bằng cả giọng nói lẫn cử chỉ. Khả năng học được các bài thuốc gia truyền của chúng là hoàn toàn khả thi.
Nhưng dù bất cứ kịch bản nào là đúng, các nhà khoa học tin rằng Rakus cũng sẽ tiếp tục truyền bài thuốc mà nó biết sang cho con cái mình hoặc các con đười ươi khác trong quần thể.
Đặc biệt là trong bối cảnh: "Rakus vừa trải qua quá trình dậy thì thứ cấp khi nó đánh nhau với một con đười ươi đực khác… nó đang cố gắng khẳng định vị trí thống trị mới của mình trong quần thể địa phương", các nhà khoa học viết.
Việc một quần thể đười ươi biết một bài thuốc sẽ cho phép chúng có lợi thế tiến hóa tốt hơn so với quần thể đười ươi không biết đến nó. Giả sử Rakus không biết đắp lá thuốc F. tinctoria lên vết thương trên mặt, nó có thể sẽ bị nhiễm trùng và sau đó sẽ chết.
Đây cũng là cách mà chọc lọc tự nhiên đã hoạt động, có thể là sau hàng triệu năm để những con đười ươi gìn giữ bất kỳ bài thuốc gia truyền nào của mình, từ thuốc chữa vết thương, đau bụng cho đến bệnh tiêu hóa…
Nói tóm lại, mặc dù con người là loài động vật duy nhất cho đến nay phát triển được một nền y tế công nghiệp, hiện đại và hiệu quả, thứ giúp chúng ta gia tăng tuổi thọ và thống trị hành tinh. Loài người không phải loài vật duy nhất độc quyền mọi cây thuốc trên hành tinh này.
Nhiều loài động vật, đặc biệt là linh trưởng và vượn lớn cũng có thể sở hữu những bài thuốc gia truyền và một nền y tế sơ khai. Thậm chí, các nhà khoa học nghi ngờ tại một thời điểm nào đó trong quá khứ, chính con người đã học tập động vật để biết được những bài thuốc chữa bệnh.
Chúng ta vẫn luôn vậy, quan sát thiên nhiên và học hỏi từ thiên nhiên. Mọi người thường nói khi bị lạc trong rừng hãy uống nước ở dòng suối nơi những con ngựa đến uống nước, ăn trái của những cây mà những con khỉ đến ăn, chọn loài nấm nào mà có côn trùng đậu lại được.
Bây giờ, một kinh nghiệm nữa có thể là chọn loại thuốc mà những con đười ươi đắp lên mặt. Rõ ràng, trong trường hợp này, lá cây F. tinctoria có thể trở thành một loại thuốc trị vết thương hiệu quả mà con người đã học được từ những con vượn lớn.