pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phát hiện hơn 1.700 virus cổ đại trong băng tan chảy
Ca sĩ Chris Ludacris Bridges quay cảnh anh uống nước tan chảy từ sông băng ở Alaska (Mỹ)
Điều này làm dấy lên lo ngại rằng khi thế giới ấm lên và băng tan, nó có thể giải phóng các mầm bệnh mà khoa học chưa biết đến, gây ra đại dịch chết người.
Trước đó, vào năm 2015, một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đã tìm thấy nhiều virus trong lõi băng dài 304 m được lấy từ sông băng Guliya trên Cao nguyên Thanh Tạng, nằm ở giao điểm của Trung Á, Nam Á và Đông Á. Các loại virus này có niên đại từ 41.000 năm trước và sinh tồn qua ba lần thay đổi lớn từ khí hậu lạnh sang ấm.
Những lõi băng này được bảo quản tại địa điểm có nhiệt độ -31 độ C tại một viện nghiên cứu ở Columbus, Ohio (Mỹ).
Nhà cổ khí hậu học Lonnie Thompson tại Đại học Ohio chia sẻ: "Ba lõi băng nằm trong bộ sưu tập của chúng tôi được lấy từ những tảng băng hiện nay không còn tồn tại. Các tảng băng trên núi đang biến mất với tốc độ nhanh chóng khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục gia tăng".
Chỉ một ngày sau khi nghiên cứu được đăng tải, ca sĩ diễn viên người Mỹ Chris Ludacris Bridges đã đăng video quay cảnh anh uống nước tan chảy từ sông băng ở Alaska. Video nhận được hàng triệu lượt xem trên TikTok và Instagram, làm dấy lên lo ngại rằng Ludacris đang mạo hiểm mạng sống của mình khi uống nước sông băng chưa qua xử lý.
Các nhà khoa học từng ghi nhận các tác nhân gây bệnh chết người xuất hiện từ tầng đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy ở nhiều địa điểm khác trên thế giới. Điều đó làm dấy lên nỗi sợ về một đợt bùng phát dịch tiềm tàng.
Ví dụ, vào năm 2016, bào tử bệnh than đã thoát ra từ xác động vật bị đông lạnh trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia. Chúng khiến hàng chục người phải nhập viện và một trẻ em tử vong.
Nghiên cứu ban đầu cho thấy, tất cả hơn 1.700 loại virus được tìm thấy trong lõi băng ở Cao nguyên Thanh Tạng không gây ra mối đe dọa nào đối với sức khỏe con người. Chúng chỉ có thể lây nhiễm cho cổ khuẩn, là sinh vật đơn bào và vi khuẩn. Chúng không thể khiến con người, động vật hoặc thậm chí là thực vật bị bệnh.
Nhưng việc nghiên cứu chúng rất quan trọng bởi chúng cung cấp dữ liệu quý giá về lịch sử khí hậu của Trái Đất và có thể giúp chúng ta hiểu được các vi khuẩn trong tương lai có thể trông như thế nào.
Lõi băng được chia thành chín phân đoạn, mỗi phân đoạn đại diện cho một mốc thời gian và thời kỳ khí hậu khác nhau. Các phân đoạn có độ tuổi từ 160 đến 41.000 năm.
Các nhà nghiên cứu đã trích xuất ADN từ mỗi phân đoạn và sử dụng một quy trình gọi là phân tích metagenomic, nghiên cứu về cấu trúc và cách vận hành của toàn bộ trình tự acid nucleic từ sinh vật, để xác định từng chủng virus.
Từ phân tích của mình, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các cộng đồng virus rất khác nhau, điều đó tùy thuộc vào điều kiện khí hậu tại thời điểm chúng bị đóng băng.