Anh Lò Văn Việt ở bản Pá Ngam 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên có nương sắn ở tít trên núi. Sau bao nhiêu năm bới đất lật cỏ ở mảnh nương này, anh chỉ thu được ngô và lúa. Hôm rồi, trong lúc đào xới đất, anh chạm phải một vật kim loại. Sau cả giờ đồng hồ đào bới, cuối cùng anh Việt cũng đưa được vật thể lạ đó lên. "Vật này có rất nhiều hoa văn, tôi nhìn không hiểu gì cả. Tôi nhấc lên thử thì nó rất nặng. Đưa tay gõ vào vật thể lạ, có tiếng kêu vang", anh Việt nhớ lại.
Bề mặt trống đồng này có 4 con cóc, đầu hướng ngược chiều kim đồng hồ
Anh Việt mang vật thể lạ về bản, chẳng ai trong bản biết nó là vật gì. Nghe tin anh Việt nhặt được đồ cổ, nhiều người đã đổ xô đến xem. Có người trả anh cả tỷ đồng, nhưng anh Việt không bán. Chỉ đến khi các cán bộ văn hóa xã đến tìm hiểu, anh Việt mới biết đó là một chiếc trống đồng cổ, chứ không phải là thùng vàng như anh tưởng.
Sau đó, anh Việt đã đồng ý bàn giao lại chiếc trống đồng này lại cho Bảo tàng tỉnh Điện Biên nghiên cứu.
Bề mặt trống đồng có hình ngôi sao 12 cánh tượng trưng cho 12 tháng trong năm
Qua xác minh hiện vật của Bảo tàng tỉnh Điện Biên, đây là một trống đồng, có trọng lượng khoảng 20kg. Mặt trống còn khá nguyên vẹn, với đường kính mặt trống 61cm, chiều cao 49cm. Trên bề mặt trống có 4 cụm cóc đơn, nằm phân bố, cách đều 4 góc, hướng ngược chiều kim đồng hồ. Chính giữa trống là biểu tượng ngôi sao 12 cánh, có thể biểu tượng cho 12 tháng trong năm, hoặc dùng để đo thời gian của người xưa. Ngoài ra còn nhiều hoa văn khác, như bông gạo, chim lạc... cũng được phát hiện trên bề mặt trống.
Xung quanh trống đồng có nhiều hoa văn, họa tiết rất lạ
Điều đặc biệt, gây nên bất ngờ cho cán bộ ngành văn hóa tỉnh Điện Biên là trong khi mặt trống đồng này hình tròn thì đáy trống lại có hình Elip, khác nhiều so với hình dạng của một số trống đồng khác đã phát hiện trước đây. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ thêm để xác định đáy trống được đúc hình dạng như vậy hay bị biến dạng do nằm trong đất lâu ngày.
Trống đồng được phát hiện ở Điện Biên khác so với các trống đồng cùng thời, vì một mặt hình tròn và một mặt hình e líp
Bà Trịnh Thị Mai, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Điện Biên, cho biết: Dựa vào hình dạng chiếc trống vừa phát hiện, ban đầu có thể nhận định đây là chiếc trống thuộc dòng trống Heger 3 (hay còn gọi là trống Shan) có nguồn gốc từ người Caren đỏ thuộc vùng Đông Bắc Mianma, có niên đại cách đây khoảng 2.000 năm. Tuy nhiên để làm rõ ràng, chính xác nguồn gốc, xuất xứ, niên đại của trống thì cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để làm sáng tỏ những giá trị văn hóa, lịch sử của hiện vật trước khi hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch.