pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phía sau một phụ nữ thành công là một người đàn ông thành ý
Ảnh minh họa
Đàn ông năm 2024 khác lắm à nha!
Hồi hôm, cậu bạn cũ nổi tiếng "sát gái" năm xưa của tôi có hẹn tôi qua nhà chơi. Hai đứa cũng phải 22 năm rồi chưa gặp, từ hồi cậu ta cưới vợ và mời tôi đi dự đám cưới. Giờ vợ chồng cậu ta đã có 2 cô con gái lớn, một đứa học năm thứ 3 đại học, một đứa đang học lớp 11.
Trong trí nhớ của tôi, cậu ta là một anh chàng siêu "sát gái". Thậm chí, 2 cô bạn học cùng lớp với tôi mà tôi thích cũng lần lượt trở thành bạn gái của cậu ta chỉ vì lần nào gặp họ, tôi cũng rủ cậu ta đi cùng.
Cậu ta luôn trở thành bạn trai của mọi cô gái cậu ta gặp. Nên tôi hoàn toàn bất ngờ khi cậu ta giữ được hôn nhân đến 22 năm. Và tôi thực sự nể vợ của cậu. Nhưng nể hơn là cậu ấy vào bếp trực tiếp nấu nướng. Vợ cậu bảo tôi: "Tuấn nhà em nấu ăn ngon hơn em nhiều".
Cậu ta đang đứng dưới bếp, mắt lấp lánh đáp: "Đâu có, chồng còn phải học món súp vợ nấu nữa. Chưa giỏi hơn vợ được đâu". Hai cô con gái tít mắt tham gia: "Bố con còn là lượt áo dài phẳng phiu hơn cả Giỏ Tinh Tươm nhà chú Tú nhé!". Anh chàng "sát gái" năm xưa giờ thành một "người chồng quốc dân" thế này thì hoảng hồn quá đi.
Chưa hết đâu, sau khi ăn uống xong, cậu ta thu dọn bát đĩa định vào rửa thì vợ cậu ngăn lại: "Hôm nay để em làm đi! Anh ngồi nói chuyện với anh Tú đi, 22 năm rồi chưa gặp lại nhau". Cậu cười đáp: "Cảm ơn vợ của anh!". Trời ạ, tôi chưa bao giờ nghe thấy người chồng nào cảm ơn vợ ngọt ngào hơn câu cảm ơn của bạn tôi.
Bởi nó đi kèm cùng một cái thơm vào má. Câu chuyện của chúng tôi sau đó xoay quanh chuyện vì sao anh chàng "sát gái" năm xưa lại thành ông chồng sát cánh làm việc nhà cùng vợ hôm nay? Cậu đáp như thể đó là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu: "Vợ mình là đồng đội của mình mà? Đồng đội thì phải "teamwork" thôi!".
Đồng đội. Bao nhiêu người đàn ông nhớ điều này? Và bao nhiêu phụ nữ hiểu nghĩa của điều này? Tôi hồ nghi vì nhiều đàn ông hồi 2023 năm về trước không coi vợ là đồng đội đâu, mà họ coi vợ là nội trợ, là "đàn ông xây nhà, đàn bà xây… bếp".
Việc nhà vợ quán xuyến, đừng có nói là "teamwork", thứ duy nhất đàn ông "hỗ trợ" vợ mình chỉ là nhấc cái chân lên khi vợ lau nhà đến đó. Là ăn cho cũng tốt lắm rồi, nhìn ngoài kia đi, bao nhiêu người đàn ông bỏ cơm vợ nấu để đi ăn mỳ úp với bồ, bao nhiêu người giờ cơm đang bận "1,2,3 dzô!" ngoài quán bia?
Tôi cũng hồ nghi cả những người phụ nữ coi việc chồng làm việc nhà là "giúp vợ", là "chồng soái ca hơn đứt chồng nhà người ta". Nên có người được thể nghêu ngao câu: "Hôm nay mùng 8 tháng 3/Tôi giặt hộ bà chiếc áo của tôi".
Phía sau người phụ nữ thành công là...
Lúc rời nhà cậu bạn, tôi có hỏi sẵng cậu một câu. Nói là "hỏi sẵng" vì câu này rất đụng chạm tự ái đàn ông. "Vợ cậu chắc thu nhập tốt lắm nhỉ?". Cậu bật cười: "Đủ tiền cho nàng í mua sắm không cần hỏi ý kiến chồng".
Tôi có hồ nghi việc vợ cậu thu nhập cao hơn cậu, như nhiều gia đình tôi đã gặp. Bởi đúng là luôn có những người chồng thu nhập thấp hơn vợ nên sẵn sàng gánh vác việc nhà để vợ có thời gian kiếm tiền. Tôi thấy điều đó chẳng có gì phải phân tích.
Vợ chồng, ai làm giỏi việc gì thì làm việc đó, sao phải phân bì hay gắn nhãn cho cái bếp, cho việc nhà? Nhưng nhiều người vẫn có thói xấu ấy, bĩu môi chê bai "đàn ông đeo tạp dề là mất mặt đàn ông".
Có lẽ bởi với họ, đàn ông phải làm trụ cột nhưng là trụ giữa dòng để người vợ bấu víu vào đó. Phụ nữ độc lập chẳng ai nghĩ thế. Phụ nữ độc lập họ muốn chồng cùng gánh vác mọi thứ, trong đó có việc nhà.
Cậu bạn bảo tôi: "Nói thật chứ tôi cũng muốn vợ tôi kiếm tiền nhiều hơn tôi để tôi có thể toàn tâm, toàn ý, toàn thời gian lo cho gia đình. Chứ làm quản lý phòng trà thế này, tối cuối tuần nào cũng phải 12h đêm đến 1h sáng mới về, oải lắm! Tiếc thời gian cuối tuần với con lắm. Chúng nó thì đang lớn, sẽ cưới chồng, theo chồng, mình muốn cũng chẳng được chơi cùng chúng như bây giờ!".
Tôi trở về nhà mà nghĩ mãi. Về đàn ông kiểu như cậu. Dù tôi đã gặp rất nhiều gia đình như gia đình nhà cậu, nơi mà những người đàn ông không nề hà việc nhà, nấu ăn giỏi hơn cả vợ, kiếm tiền nhiều hơn cả vợ, làm Giám đốc điều hành công ty cỡ bự. Nhưng như cậu, coi việc mình làm là hiển nhiên như hơi thở thì thực sự đáng mặt đàn ông năm 2024 lắm!
Đàn ông đặt vợ trong đầu
Những người đầu óc còn nằm lại ở thế kỷ 18 luôn nói: "Đàn ông mà đội vợ lên đầu rõ là thứ đàn ông nhu nhược". Họ không biết rằng đàn ông năm 2024 không "đội vợ lên đầu" mà là "đặt vợ trong đầu".
Tôi không muốn "vạch áo cho người xem lưng" đâu nhưng tôi phải lấy tôi ra làm ví dụ cho công bằng và có dẫn chứng cụ thể. Tôi là người như vậy: Đặt Vợ Trong Đầu. Và vợ tôi thì càng chẳng ham hố được chồng nàng "đội vợ lên đầu".
Bởi nàng dù không sợ độ cao nhưng cũng chẳng ham vắt vẻo. Nàng cũng chỉ thích tôi "đặt vợ trong đầu", là làm gì cũng nhớ rằng mình đã có vợ, nghĩ gì cũng phải nghĩ cho vợ.
Như nàng, luôn "để chồng trong đầu", vắng nhau một lúc hơi lâu lâu là nhớ nhau, là nhắn cho chồng, đôi khi chẳng phải "Em nhớ anh xã" mà chỉ là đôi ba khoảnh khắc xưa cũ của 2 vợ chồng, là "em thấy cái áo này chồng mặc thì rất đẹp trai".
Tôi cũng không thích gọi vợ là "nóc nhà". Bởi để vợ mình chịu mưa nắng thì làm chồng thất bại rồi. Tôi thích sự thiết tha của hai chữ "người nhà" hơn. Dù vợ chồng chẳng máu mủ ruột thịt nhưng lấy nhau về là tinh huyết trộn vào nhau rồi.
Là những đứa con mang họ cha như món quà vợ rút ruột ra tặng chồng, tạc thành một đứa trẻ, "tác phẩm" vĩ đại nhất của hôn nhân vậy. Chỉ khi "đặt vợ trong đầu", "đặt chồng trong đầu" chúng ta mới nhìn ra hai chữ "người nhà" như thế! Còn "đội vợ lên đầu" chỉ là sự cúc cung tận tuỵ của người trên kẻ dưới, chẳng phải là "người nhà" nữa.
Tôi thích ý nghĩ của tôi luôn có vợ trong đó là để sửa mình ngày một tốt lên chứ không phải để bày tỏ lòng yêu (kính) vợ. Là khiến vợ cũng phải trân trọng mình, gìn giữ mình như báu vật mà phải tốt lên từng ngày để vợ chồng sánh vai. Đừng người trước kẻ sau, người trên kẻ dưới. Đi cùng chứ đừng đi theo là vậy.
Hôn nhân vẫn là đổ đầy sự tốt đẹp của mình vào nhau, vào cuộc hôn nhân này chứ không phải bắt chồng, muốn vợ phải thế này hay thế nọ thì mình mới hài lòng, mình mới hạnh phúc. Nếu cứ nghĩ thế thì đúng là mình đang leo lên đầu, lên cổ bạn đời của mình rồi, phỏng ạ?
Ngày Quốc tế nam giới 19/11 này, nói về đàn ông năm 2024, những người đàn ông đặt vợ trong đầu như tôi hay những người đàn ông thành ý như cậu bạn của tôi có thành lời chúc tròn vẹn hơn không? Để phụ nữ thêm tin yêu đàn ông chúng tôi hơn, những người đàn ông của năm 2024 này!
Chủ đề của Ngày Quốc tế Nam giới năm 2024 là "Những nhà vô địch về sức khỏe nam giới".
Cải thiện sức khỏe của nam giới và trẻ em trai là 1 trong 6 mục tiêu chính của Ngày Quốc tế Nam giới (19/11) và chủ đề "Những nhà vô địch về sức khỏe nam giới" thể hiện cam kết này. Theo đó, Ngày Quốc tế Nam giới năm nay sẽ tập trung vào các vấn đề về sức khỏe nam giới với các thông điệp như:
- Xây dựng cộng đồng khỏe mạnh!
- Hãy hành động và giữ gìn sức khỏe!
- Tạo ra một tương lai khỏe mạnh hơn!