Phòng, chống quấy rối tình dục: Cần thay đổi cách nhìn trong xã hội

24/11/2018 - 17:41
Quấy rối tình dục vẫn còn "đất sống" có nguyên nhân quan trọng từ quan niệm của nhiều người mang tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân, đa số là phụ nữ và trẻ em gái.

Bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân  

Đào Thị Tuệ Linh, một sinh viên ngành báo cho biết, em thấy nạn quấy rối tình dục (QRTD) khá phổ biến tại trường học, công sở. Nam giới thường không nghĩ đó là quấy rối mà chỉ nghĩ đó là hành vi trêu đùa. Bản thân Linh cũng từng là nạn nhân của QRTD khi bị người khác giới khoác vai, chạm vào vùng eo. Khi em tỏ thái độ không thích, khó chịu vì những hành động quấy rối thì bị cho là “chảnh” vì theo họ, con gái có hấp dẫn, có sức hút thì mới “được” đụng chạm, phải hãnh diện coi như là “đặc ân” dành cho mình. Thậm chí trong một lần kiến tập tại một cơ quan, Linh đã bị một cán bộ nhiều lần có những đề nghị quá đáng về việc đưa đón cùng với những lời bóng gió, đe dọa...

img_1234.JPG
Sinh viên chia sẻ quan điểm về quấy rối tình dục 

 

Không chỉ nữ sinh viên bị quấy rối, Kiên, một sinh viên ngành xã hội học, Học viện Báo chí và Truyên truyền, cho biết trong một lần tham gia dự án tại Ninh Bình, em đã bị một người đàn ông đã có gia đình gạ gẫm đi nhà nghỉ. 

“Chưa bao giờ em nghĩ là nam giới cũng bị QRTD cho đến khi chính bản thân mình bị gạ gẫm. Người đàn ông đó là một công chức, đã có vợ và hai con nhưng là người đồng tính nên muốn tìm một bạn tình nam. Lúc đó em chỉ muốn đánh cho người đó một trận nhưng phải kiềm chế vì không muốn làm hỏng dự án”, Kiên chia sẻ.

_dsc0291.JPG
Quấy rối tình dục không loại trừ cả nam giới

 

Bà Cao Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam, cho biết, QRTD cũng không loại trừ trong giới doanh nhân, những người được coi là thành đạt và ít nhiều có những ảnh hưởng xã hội. Theo một tổng kết của Tổ chức Lao động thế giới ILO, 17% nữ cán bộ quản lý cấp trung đã từng bị cấp trên hoặc lãnh đạo trực tiếp của cấp trên đề nghị đổi tình dục lấy sự thăng tiến.

Bà Sally Moyle, Giám đốc điều hành của tổ chức Care Australia cho biết, QRTD có thể xảy ra ở mọi nơi với mọi đối tượng, đây là vấn đề không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Một số nghiên cứu cho thấy, 80% nữ làm việc trong ngành truyền thông Australia bị QRTD. Nhiều phụ nữ đã phải từ bỏ công việc mình yêu thích vì không chịu được sự quấy rối, xâm hại. Điều đó cho thấy, mặc dù có hành lang pháp lý rõ ràng (Australia có luật phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái từ những năm 80 thế kỷ trước) nhưng nếu không thay đổi quan điểm về của người gây ra bạo lực thì rất khó giải quyết vấn đề.

“Vấn đề xúc phạm, QRTD thường được cho là vấn đề của phụ nữ trong khi người gây ra thường là nam giới. Vai trò của nam giới thực sự quan trọng trong giải quyết vấn đề này”, bà Sally Moyle chia sẻ.

 

Cần thay đổi cả trong luật pháp và nhận thức của xã hội

Bà Cao Thị Hồng Vân, cho biết, Bộ luật Lao động năm 2012 là văn bản đầu tiên quy định QRTD tại nơi làm việc tại các Điều: 8, 37, 182, 183. Đặc biệt, năm 2015, được sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Đây được coi như một khuyến nghị mạnh mẽ, rõ ràng hướng dẫn cho người sử dụng lao động cùng với người lao động xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm cơ sở cho việc phòng chống hành vi QRTD.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, cần thiết có những quy định về QTTD một cách cụ thể và mạng mẽ hơn nữa trong dự thảo Bộ Luật lao động đang được sửa đổi lần này.

_dsc0295.JPG
Cần có sự thay đổi nhận thức của cả xã hội về quấy rối tình dục

 

Một nguyên nhân khiến QRTD trở nên phổ biến và không bị ngăn chặn đúng mức là việc đổ lỗi cho nạn nhân.

Trong đó, lý do khá phổ biến đó là việc nạn nhân ăn mặc gợi cảm. Tuy nhiên bà Sally Moyle thẳng thắn khẳng định, pháp luật các nước trên thế giới đều có chung nguyên tắc mỗi cá nhân đủ năng lực hành vi phải chịu trách nhiệm về chính hành vi của mình. Phụ nữ không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về hành vi của người khác. Điều đó cũng một lần nữa khẳng định hành vi QRTD luôn đến và chủ động xuất phát từ chính người có hành vi quấy rối.

_dsc0247.JPG
Bà Bà Sally Moyle, Giám đốc điều hành của tổ chức Care Australia (trái) chia sẻ về phòng chống quấy rối tình dục

 

“Đanh thép” hơn, bà Nguyễn Vân Anh Giám đốc CSAGA khẳng định, mặc gì là quyền của mỗi người nói chung và phụ nữ nói riêng. Trong một phạm vi riêng tư nhất định, phụ nữ cũng như bất cứ ai thậm chí có quyền lựa chọn không mặc gì. Tuy nhiên điều đó không thể là nguyên nhân cho hành vi QRTD đến từ người khác. 

TS. Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết, hầu hết các nạn nhân bị bạo lực trong đó có QRTD thường không tìm kiếm sự hỗ trợ. Một trong những nguyên nhân là xã hội vẫn còn tâm lý "đổ tội" cho nạn nhân. Điều này gây ra nhiều hệ lụy: Khiến nạn nhân xấu hổ sợ hãi bị đánh giá nên chịu đựng trong im lặng. Nạn nhân coi việc bị quấy rối là một trải nghiệm đáng xấu hổ mà không coi là một vấn đề xã hội cần tìm giải pháp. Sự đổ lỗi tạo ra môi trường thiếu sự cảm thông, khiến các nhà thực thi chính sách chưa đánh giá được đầy đủ mức độ nghiêm trọng của bạo lực đối với phụ nữ cũng như  trợ giúp kịp thời khi nạn nhân tìm sự hỗ trợ.

Theo TS. Lưu Hồng Minh, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy văn hóa từ cấp độ cá nhân đến cộng đồng trong vấn đề đổ lỗi cho nạn nhân cũng như việc hoàn thiện khung chính sách là giải pháp quan trọng để tạo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Action Aid tại Việt Nam, có tới 87% phụ nữ tại 2 thành phố là TPHCM và Hà Nội từng bị QRTD nơi công cộng; 67% người chứng kiến đã không có hành động gì. Trong khi đó, nghiên cứu của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam cho thấy, 31% em gái đã từng bị QRTD ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, 11% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, QRTD.

 

Tọa đàm "Phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc - Nhận diện và ứng phó" do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) kết hợp cùng với Tổ chức CARE (một tổ chức nhân đạo và hỗ trợ phát triển quốc tế) tại Việt Nam, Đại sứ quán Canada, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức ngày 23/11 với sự tham gia của các khách mời và 300 sinh viên của học viện. Tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về bình đẳng giới, QRTD... những người trong tương lai sẽ  hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm