pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phòng tránh chứng khô mũi vào mùa hanh
Ảnh minh họa
Khô mũi xảy ra khi ống mũi trong của người bệnh bị khô. Hiện tượng này gây nên một lớp cứng trong niêm mạc mũi. Một số nguyên nhân gây nên chứng khô mũi như: nhiệt độ thay đổi đột ngột, thời tiết trở lạnh, hanh khô. Các công việc văn phòng, tài xế, làm việc trong môi trường điều hòa, không khí khô cũng làm ảnh hưởng đến tình trạng khô mũi.
Ngoài ra, những môi trường có chứa hóa chất độc hại, rác thải hay khói bụi công nghiệp cũng là tác nhân khiến tình trạng khô mũi trở nên nghiêm trọng hơn. Những người mắc bệnh viêm mũi, viêm niêm mạc mũi mạn tính, viêm họng mạn tính,... là những người dễ gặp chứng khô mũi khi thời tiết chuyển sang hanh. Tiếp xúc trực tiếp với một số loại chất kích thích như khói thuốc lá, khí thải cũng khiến cho mũi trở nên khô rát hơn.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng khô mũi vào mùa hanh nên bổ sung đủ nước cho cơ thể. Nước có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình trao đổi chất và nhận các chất dinh dưỡng từ thức ăn, bổ sung chất lỏng giúp cơ thể giải độc.
Cùng với đó là hạn chế tối đa tình trạng hạ thấp nhiệt độ điều hòa, tránh xa nơi có gió, quạt hoặc hơi điều hòa thổi vào mặt. Tập thói quen sử dụng khẩu trang, dù đi đường trong bán kính ngắn hay dài cũng nên sử dụng khẩu trang để bảo vệ mũi, hành động này sẽ khiến tình trạng khô mũi được cải thiện và khó mắc phải chứng khô mũi mùa hanh khô hơn. Hiện tượng khô mũi mùa hanh khô xuất hiện khi cơ thể thiếu vitamin C. Vì thế, cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin C trong chế độ ăn như ổi, cải xoăn, cam, dâu tây, chanh,...
Lưu ý:
- Bạn nên sử dụng một số biện pháp khắc phục nhẹ nhàng như xịt mũi bằng nước muối sinh lý hoặc rửa mũi bằng dung dịch vệ sinh mũi. Nước muối sinh lý không có hóa chất gây co mạch, người bệnh có thể xịt mũi 3 lần/ngày vào buổi sáng trước khi đi làm, trưa sau khi nghỉ trưa thức dậy và tối trước khi lên giường đi ngủ.
Việc xịt rửa mũi bằng dung dịch vệ sinh mũi dạng vòi xịt phun sương là cách hiệu quả để phục hồi và tăng cường sức khỏe niêm mạc. Khi sử dụng xịt rửa mũi sẽ khiến cho đường thở trở nên thông thoáng hơn, đảm bảo giữ độ ẩm an toàn cho mũi. Hiện có rất nhiều loại dầu có công dụng hữu hiệu trong việc khiến người bệnh nhanh chóng giảm chứng khô mũi như dầu olive, dầu dừa hay dầu mè.
- Tắm hơi cũng là cách rất tốt để giảm khô mũi và mệt mỏi cơ bắp. Tuy nhiên, không ngâm quá lâu vì bạn sẽ bị mắc chứng sổ mũi. Ngoài ra, sử dụng các loại máy tạo độ ẩm, máy phun nước sẽ giữ độ ẩm trong phòng khi thời tiết lạnh hay dùng điều hòa.
Chứng khô mũi không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng của bệnh không quá nghiêm trọng nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, mức độ làm việc, sự tập trung của người bị chứng khô mũi. Hiểu rõ khô mũi là gì, nguyên nhân, cách phòng tránh và lựa chọn phương pháp điều trị hợp lý bạn sẽ nhanh chóng khỏi khô mũi.