Phong trào phụ nữ Pháp và luật “Cấm phá thai”

17/04/2016 - 21:42
Với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào nữ quyền, quyền được phá thai ra đời giúp phụ nữ Pháp không còn thực hiện việc này một cách lén lút đồng thời nhấn mạnh đến trách nhiệm của họ khi mang thai.

Luật “Cấm phá thai” ra đời ở Pháp vào thập niên 1920 và được áp dụng đến thập niên 1970. Trong luật, một số hoạt động được xây dựng như tội hình sự để xử phạt như các hành động phá thai bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và phạt tiền từ 100 đến 3.000 Francs Pháp (đồng tiền cũ) những ai tuyên truyền phá thai bằng lời nói, giấy in, sách vở... ở những nơi công cộng... Điều khoản 317 của đạo luật 1939 còn phạt nặng thêm: những người thuộc ngành y sẽ bị cấm hành nghề ít nhất là 5 năm hoặc suốt đời... những người tái phạm sẽ bị tù từ 5 đến 10 năm và bị phạt từ 5.000  đến 20.000 Francs Pháp (đồng tiền cũ). Tuy vậy hàng năm ở Pháp vẫn có hàng triệu phụ nữ phá thai. Trong những năm 1943 -1945 là thời Thống chế Pétain khuyến khích sinh con, tuy vậy vẫn có 4.055 trường hợp bị kết tội lén lút phá thai gây ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ. Đến năm 1955, luật 11-05 cho phép phá thai điều trị nếu có thai hại đến tính mạng của người mẹ.

1.jpg
 Khẩu hiệu về việc dừng phá thai. Ảnh minh họa.

Năm 1956, phong trào kế hoạch hóa gia đình được thiết lập ở Pháp. Qua thập niên 1960, các trung tâm kế hoạch hóa gia đình được mở ra nhiều trong xã hội Pháp do có nhu cầu lớn. Số hội viên của hội tăng nhanh, đến năm 1966 đã có 100.000 hội viên. Nhiều nhân vật có uy tín đã đứng ra bảo hộ cho phong trào trong đó có 3 bác sĩ từng được giải thưởng Nobel về y học. Từ trào lưu này, vấn đề ngừa thai được đưa ra bàn bạc. Năm 1967, dự luật Neuwirth đề nghị cho phép có các hoạt động ngừa thai và kế hoạch hóa gia đình đã được Quốc hội thông qua và công bố. Sự ra đời của Luật này đánh dấu sự thành công của phong trào kế hoạch hóa gia đình, từ một phong trào quần chúng từ nay đã được luật định.

Hai thập niên 1960 - 1970 đã tạo ra nhiều điều kiện thuận tiện cho phong trào đòi quyền phá thai. Hai điều kiện thuận tiện nhất là đó là tình hình xã hội của nước Pháp lúc bấy giờ và phong trào đòi nữ quyền.

Tình hình nước Pháp lúc này thay đổi một cách bất ngờ. Những thành phần trẻ chán ngán chiến tranh thế giới và đời sống đơn điệu, năm 1968 đã vùng lên bẻ gãy các cơ cấu và tư tưởng của xã hội cũ, đòi quyền tự do nhiều hơn. Một trong những tự do đó là tự do giới tính, tự do luyến ái với khẩu hiệu mà nhiều người ở thế hệ ấy còn nhớ: "Hãy luyến ái. Không chiến tranh". Bên cạnh đó phong trào đòi nữ quyền ra đời và phát triển mạnh mẽ. Về mặt sinh sản, phụ nữ đòi quyền tự do làm chủ bản thân mình, trước tiên là quyền được phá thai. Phong trào này ủng hộ tích cực phong trào sinh sản có kế hoạch trong gia đình.

Có những sự kiện thúc đẩy Quốc hội phải lấy quyết định về việc phá thai.

Đó là đến những năm 1970, nhiều người, kể cả những thành viên trong chính phủ đều thấy luật “Cấm phá thai” 1920 là lỗi thời, gây ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ. Do đó, cơ quan phụ trách vấn đề  y tế xã hội đã đệ trình Quốc hội một dự luật cho phép phá thai đối với một số trường hợp (khi tính mạng người mẹ bị đe đọa, bị cưỡng bức, thai nhi không bình thường như nguy cơ sinh ra trẻ dị tật…). Họ chủ trương rằng phụ nữ phải có nhiều thông tin hơn về phương pháp ngừa thai hiệu quả, về địa chỉ các bác sĩ được đào tạo về ngừa thai, cách sử dụng và mua những dụng cụ ngừa thai. Phụ nữ có quyền lựa chọn phương pháp ngừa thai và sinh con theo ý muốn.

Có 2 quyển sách được xuất bản và bán rất chạy lúc này là: “Giáo dục giới tính” và “Các phương pháp ngừa thai”, ngoài ra cũng có tổ chức những nhóm phân phối dụng cụ ngừa thai.

Số báo “Người quan sát mới“ ra ngày 5/4/1971 đã đăng bản tuyên ngôn của 343 phụ nữ đã có can đảm ký tờ kiến nghị đòi cho phá thai. Sáng kiến là của tờ báo nhưng thực hiện được là nhờ quyết tâm của các phụ nữ nổi tiếng trong phong trào như Anne Zelenski, Christine Delphy, Delphire Seyrig và Simone de Beauvoir là những người chủ chốt trong chiến dịch này. Bài báo là một quả bom và được báo “Thế giới“ (Le Monde) đăng lại ở trang nhất bởi phá thai vốn là một đề tài cấm kỵ nay được nhiều người nói đến.

Không bao lâu sau bản tuyên ngôn của 343 người phụ nữ, 252 bác sĩ ra bản tuyên ngôn nói lên lập trường của họ trong việc phá thai. Đó là, dù muốn hay không, phá thai là một quyền như những phụ nữ đã tuyên bố và là một sự kiện xảy ra mỗi ngày. Hai tháng sau, có thêm một số bác sĩ khác ký tên vào bản tuyên ngôn, tổng cộng có 560 chữ ký đã gây nên tiếng vang lên báo chí.

4.jpg
 Khẩu hiệu về quyền được phá thai. Ảnh minh họa.

Dưới sức mạnh của đông đảo quần chúng, của phong trào nữ quyền, ngày 13/11/74, Bộ trưởng Bộ Y tế Simone Veil trình trước Quốc hội dự án luật về quyền phá thai. Ngày 15/1/75, dự án luật được thông qua thường được gọi là luật Veil. Luật này cho phép người phụ nữ có thai có quyền đề nghị bác sĩ phá thai với hai điều kiện sau đây:

Người phụ nữ ở trong tình thế thân cô thế cô.

Cho phép phá thai trong vòng 10 tuần đầu. Qua tuần thứ 11, phá thai cố ý sẽ bất hợp pháp. Trong trường hợp phá thai điều trị vì mang thai và sinh đẻ có hại đến tính mạng của người mẹ, thời gian ngưng thai không có hạn định. Ngoài ra, người bác sĩ có quyền từ chối phá thai nhưng phải cho người mẹ biết sớm.

 Mặt khác, đề hạn chế việc phá thai, luật nhấn mạnh đến trách nhiệm của người mẹ, tôn trọng quyền tự quyết của người phụ nữ muốn có con hay không, cần có những biện pháp thông tin, truyền thông. Do đó, luật nhấn mạnh đến việc vận động, tư vấn các bà mẹ phải có trách nhiệm trong việc phá thai. Luật này chỉ có giá trị trong 5 năm và sau đó phải xem xét lại. Tuy vậy, đối với phụ nữ, đây là một thắng lợi của phong trào.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm