Phong trào phụ nữ thế giới từ khi LHQ ra đời

27/03/2016 - 08:00
Năm 1945, lời mở đầu của Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ) một lần nữa khẳng định sự tin tưởng vào những quyền cơ bản của con người, về quyền bình đẳng giữa nam và nữ đã mở ra một trang mới cho phong trào phụ nữ thế giới.

Từ ngày 26/11 – 1/12/1945, Đại hội Phụ nữ Thế giới lần thứ nhất được tổ chức ở Paris (Pháp). Đại hội đã quyết định thành lập một tổ chức phụ nữ toàn thế giới lấy tên là Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế. Ngay từ ngày đầu thành lập đã có 80 triệu phụ nữ của 40 nước tham gia. Mục đích của Liên đoàn là tập hợp phụ nữ trên toàn thế giới không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo nhằm cùng nhau hoạt động để giành lại và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, người mẹ, người lao động, bảo vệ nhi đồng, đảm bảo hòa bình dân chủ và độc lập dân tộc.

Tại Đại hội đồng LHQ lần thứ nhất được tổ chức năm 1946, các đại biểu phụ nữ yêu cầu một sự quan tâm đặc biệt về những vấn đề liên quan đến phụ nữ. Do đó, Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC) thành lập một Tiểu ban về Địa vị của Phụ nữ, Tiểu ban này nằm trong Ban Nhân quyền. Năm 1946, cuộc họp đầu tiên và duy nhất của tiểu ban này đã nhất trí bỏ phiếu về việc cần thiết thành lập một ban hoàn chỉnh phụ trách về địa vị của phụ nữ.

L-khai-mc-Hi-ngh-th-gii---Nm-Quc-t-Ph-n-Mexico-6.1975.jpg
 Lễ khai mạc Hội nghị Quốc tế Phụ nữ tổ chức ở Mexico năm 1975

Tháng 6/ 1946, ban về Địa vị của Phụ nữ (UNCSW) được thành lập. Năm 1948, Điều 2 của Bản Tuyên ngôn chung về Nhân quyền tuyên bố: “Mọi người đều được hưởng tất cả các loại quyền và tự do đã được nêu trong Tuyên ngôn này, không có sự phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính”.

Tháng 6/1953, Đại hội Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế lần thứ III được tổ chức ở Đan Mạch đánh dấu một gia đoạn mới trong quá trình phát triển của phong trào phụ nữ quốc tế. Đại hội thảo luận các vấn đề: Địa vị phụ nữ trong xã hội và bản Tuyên ngôn quyền lợi của phụ nữ. Bản Tuyên ngôn nêu rõ quyền làm mẹ, quyền lao động, quyền công dân của mỗi người phụ nữ; phải đấu tranh đòi các quyền đó được ghi vào luật pháp và đòi cho được sự thi hành các quyền đó. Chủ trương này đã tranh thủ được nhiều tầng lớp phụ nữ trước kia không tham gia Liên đoàn nay xin gia nhập Liên đoàn.

Đến năm 1954, Đại hội đồng LHQ nhận thấy: “Phụ nữ hiện nay vẫn phải tuân theo những luật lệ, phong tục và ứng xử lạc hậu, không nhất quán với bản Tuyên ngôn” và kêu gọi chính phủ các nước loại bỏ các luật lệ, phong tục lạc hậu này.

Năm 1963, Đại hội đồng LHQ kêu gọi lập một dự thảo về Tuyên ngôn Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ . Năm 1966, ban về Địa vị của Phụ nữ (UNCWS) nộp dự thảo đầu tiên của bản Tuyên ngôn. Năm 1967, Đại hội đồng LHQ áp dụng bản Tuyên ngôn đã được điều chỉnh “nhằm bảo đảm sự công nhận về nguyên tắc bình đẳng nam nữ trước pháp luật và trong thực tế”. Năm 1968, Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC) đề xướng một hệ thống báo cáo về việc chính phủ các nước thực hiện các điều khoản của bản Tuyên ngôn. Năm 1975, năm Quốc tế Phụ nữ, LHQ bắt đầu tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Cũng trong năm này, Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ lần I được tổ chức tại Mexico. Hơn 1.000 đại biểu từ 133 nước đến dự và lập được bản “Kế hoạch hành động thế giới vì sự tiến bộ của phụ nữ”. Đây cũng là kim chỉ nam cho các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Bản Kế hoạch này kêu gọi chuẩn bị và áp dụng Công ước Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt Đối xử đối với Phụ nữ (CEDAW) cùng các biện pháp hữu hiệu để thực hiện.

Trong những năm 1976 – 1985 là thập kỷ Liên Hiệp Quốc về Phụ nữ với chủ đề: Bình đẳng nam nữ và sự hội nhập của phụ nữ vào tiến trình phát triển. Trong thập kỷ này đã đạt được một số thành tựu quan trọng như:

Năm 1976, Quỹ tình nguyện của LHQ dành cho phụ nữ được thành lập, duy trì thường xuyên và tự trị. Sau đó, năm 1984, Quỹ này đổi tên là Quỹ Phát triển của LHQ dành cho phụ nữ (UNIFEM), nhằm tài trợ cho các sáng kiến phát triển dành cho phụ nữ, đặc biệt ở các vùng nông thôn.

Năm 1978, Viện Nghiên cứu và đào tạo của LHQ vì sự Tiến bộ của phụ nữ (INSTRAW) đã được tạm thời thành lập tại New York. Viện tổ chức những hoạt động đào tạo để thức đẩy sự tham gia tích cực hơn của phụ nữ vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị. Sau này, Viện được chính thức thành lập vào năm 1983 tại Santo Domingo (Cộng hòa Dominica). Năm 1985, Đại hội đồng LHQ thông qua tư cách pháp nhân của Viện.

Ngày 18/2/1979, Đại hội đồng LHQ phê chuẩn Công ước Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt Đối xử đối với Phụ nữ (CEDAW).

Hi-ngh-th-gii-v-Thp-k-Ph-n-ca-Lin-Hp-Quc-Copenhagen-7.1980.jpg
 Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ của Liên Hợp Quốc, Copenhagen 7.1980

Năm 1980, Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ lần II được tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch), thảo luận các vấn đề: việc làm, sức khỏe, giáo dục bổ sung vào kế hoạch hành động chung. Một chương trình hành động quốc tế được phê chuẩn nhằm vào sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào phát triển, chính trị, lấy quyết định và các chiến lược quốc tế. Bình đẳng ở đây không chỉ mang ý nghĩa pháp lý mà còn là bình đẳng về quyền lợi, trách nhiệm và cơ hội tham gia vào phát triển với tư cách người thụ hưởng và tác nhân chủ động. Lần đầu tiên, một kế hoạch phát triển dài hạn cho phụ nữ được thiết lập và các vấn đề của phụ nữ được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội quốc gia.

Năm 1981, Công ước LHQ về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt Đối xử đối với Phụ nữ (CEDAW) có hiệu lực sau khi đạt yêu cầu phải có 20 nước phê chuẩn.

Năm 1984, cuộc khảo sát quốc tế của LHQ về vai trò phụ nữ trong phát triển đánh dấu lần đầu tiên phụ nữ được công nhận có vai trò chính trong tất cả các vấn đề phát triển vi mô và vĩ mô. Đây được coi là bước ngoặt lịch sử đối với các vấn đề của phụ nữ trong hệ thống LHQ.

Năm 1985, năm cuối cùng của Thập niên Quốc tế về Phụ nữ, Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ lần III được tổ chức tại Nairobi (Kenya). Kết quả đã ra đời văn kiện Nairobi “Chiến lược Hướng tới vì sự Tiến bộ của Phụ nữ”. Đây là chiến lược đầy đủ cho mọi lĩnh vực hoạt động của phụ nữ. Đến lúc này, hệ thống LHQ thật sự bắt đầu đề cập đến những vấn đề và những mối quan tâm của phụ nữ. Thành quả này là nhờ vào “Chiến lược Hướng tới vì sự Tiến bộ của Phụ nữ” và công tác vận động hành lang của phong trào Phụ nữ Quốc tế.

Trong những năm 1990 – 1995, bản Kế hoạch Trung hạn dành cho Phụ nữ và Phát triển của LHQ được Ban Kinh tế và Xã hội áp dụng từ năm 1987 được phổ biến rộng rãi. Bản Kế hoạch này dựa trên cơ sở của bản “Chiến lược Hướng tới vì sự Tiến bộ của Phụ nữ” cùng nhiều chương trình và kế hoạch khác nhau đã được nhiều tổ chức thuộc LHQ áp dụng. Đây là lần đầu tiên tất cả các cơ quan và tổ chức thuộc LHQ được giao các công tác thực hiện vì một mục đích chung.

B-Patricia-Licuanan-Ch-tch-y-ban-chnh-Hi-ngh-ph-n-th-gii-ln-th-IV.jpg
 Bà Patricia Licuanan, Chủ tịch Ủy ban chính Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ lần thứ IV

Năm 1995, Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ lần IV được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với chủ đề “Hành động vì bình đẳng, phát triển và hòa bình” với mục đích đánh giá lại quá trình thực hiện “Chiến lược Hướng tới vì sự Tiến bộ của Phụ nữ” và Công ước LHQ về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt Đối xử đối với Phụ nữ (CEDAW) đồng thời thông qua Cương lĩnh hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu đến năm 2000. Tuyên bố Bắc Kinh và Cương lĩnh hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu đến năm 2000 là 2 văn kiện quan trọng nhất của Hội nghị Bắc Kinh. Hai văn kiện này một mặt phác họa những trở ngại trên con đường phấn đấu cho sự bình đẳng của nữ giới bên cạnh nam giới. Mặt khác khẳng định những cam kết và sự quyết tâm của các chính phủ, các tổ chức quốc tế bằng mọi biện pháp nhằm đạt tới mục tiêu bình đẳng – phát triển – hòa bình và sự tiến bộ của phụ nữ.

Tháng 11/1998, Đại hội Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế 12 tổ chức tại Pháp. Đây là đại hội có ý nghĩa quan trọng chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI. Đại hội quan tâm 6 vấn đề liên quan đến Cương lĩnh hành động Bắc Kinh: Phụ  nữ, kinh tế và phát triển bền vững. Phụ nữ, sự tham gia trong hoạt động chính trị và quyền quyết định. Phụ nữ, y tế, văn hóa, giáo dục và an ninh xã hội. Phụ nữ và truyền thông. Phụ nữ và phân biệt đối xử.

Từ ngày 14-16/6/2007 đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ XVII tại Berlin (Đức). Hội nghị được coi là một “Diễn đàn Davos” dành cho phụ nữ, vấn đề bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm.

Từ ngày 8 - 12/4/2012, tại Brazil, Đại hội Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế lần thứ 15 đã diễn ra. Gần 250 đại biểu (mỗi tổ chức được cử 5 đại biểu), đại diện cho các tổ chức thành viên của Liên đoàn từ 50 nước trên thế giới đã tham dự Đại hội.

Với chủ đề “Phụ nữ toàn thế giới xây đắp nền hòa bình công bằng với đầy đủ các quyền, bình đẳng và phát triển”, Đại hội đã thảo luận về một số chủ đề như Tác động của khủng hoảng tài chính tới phụ nữ, Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, Tiếp cận của phụ nữ với vấn đề bình đẳng, phát triển và hòa bình… Các đại biểu tham dự đều đánh giá rằng Đại hội lần này diễn ra trong thời điểm đặc biệt quan trọng đối với sự tiến bộ của phụ nữ và hòa bình thế giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm