Phụ huynh bạo hành giáo viên: Con trẻ "gánh" tổn thương

Tiểu Di
20/12/2019 - 21:17
Phụ huynh bạo hành giáo viên: Con trẻ "gánh" tổn thương
Những vụ va chạm giữa cha mẹ học sinh và giáo viên ngày càng nhiều. Trong “cuộc chiến” này, chưa biết ai thắng nhưng có lẽ người tổn thương là con trẻ.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ phụ huynh tấn công giáo viên. Ngày 18/12, Nguyễn Thanh Toàn (TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã tát tới tấp và bắt 3 cô giáo mầm non phải quỳ trước cửa lớp học vì anh ta nghi ngờ các giáo viên đã bạo hành con gái mình. Trước đó, bà Nguyễn Thị Trường Thy, mẹ của một học sinh đăng ký học năng khiếu tại Trung tâm Mun Art (Đà Nẵng), đã tát thẳng vào mặt hiệu trưởng trung tâm này trong khi 2 bên đang giải quyết những bất đồng quanh sự việc con của bà Thy không vào lớp mà chơi ở ngoài sân trường suốt 2 giờ đồng hồ.

Phụ huynh bạo hành giáo viên: Con trẻ tổn thương - Ảnh 1.

Mẹ của một học sinh đăng ký học năng khiếu tại Trung tâm Mun Art (Đà Nẵng) đã tát thẳng vào mặt hiệu trưởng trung tâm này trong khi 2 bên đang giải quyết những bất đồng quanh sự việc con của bà Thy không vào lớp mà chơi ở ngoài sân trường suốt 2 giờ đồng hồ. Ảnh cắt từ clip

Đây không phải lần đầu xảy ra những va chạm xô xát giữa cha mẹ học sinh và giáo viên nhưng điều đáng nói là càng ngày những vụ va chạm càng xảy ra nhiều hơn và nghiêm trọng hơn về mức độ.

Mỗi phụ huynh học sinh khi đưa con mình đến trường đều mong muốn con được chăm sóc và nuôi dạy một cách tốt nhất. Mỗi giáo viên, ngày đầu lên bục giảng, cũng mong muốn dạy dỗ những đứa trẻ nên người, đồng nghĩa với hoàn thành công việc, được nhận thù lao, cùng với đó là sự tôn trọng từ cha mẹ học sinh. Nhưng điều gì khiến những mong muốn của 2 bên đều không thể đạt được, không những thế mối quan hệ giữa họ xấu đi đến mức phải "đụng chân đụng tay" với nhau?

Bắt đầu từ những khó khăn trong công việc của giáo viên, khi những đứa trẻ không nghe lời. Ở bậc học mầm non, nhiều đứa trẻ không chịu ăn ngủ sinh hoạt đúng với giờ giấc, mong muốn của các cô giáo. Ở những bậc học cao hơn, bọn trẻ không chịu làm bài tập, không thuộc bài hoặc không giữ kỷ luật…

Nhưng khó có thể trách những đứa trẻ. Bất cứ đứa đứa trẻ nào trong quá trình khôn lớn cũng đều có thể có những phản ứng "bất tuân", chẳng đứa trẻ nào ngay từ khi sinh ra đã biết chấp hành "kỷ luật".

Cùng với những khó khăn mang tính cơ chế: lớp đông học sinh, giáo viên quá tải, chương trình học không hợp lý, kiến thức quá nhiều…, khiến không ít giáo viên căng thẳng và một phần trong số họ đã trút những bất bình của mình lên chính học sinh.

Phía cha mẹ học sinh, không ít người sau khi đã bỏ ra tiền học phí và các khoản đóng góp khác, họ phó thác tất cả cho giáo viên và nhà trường. Họ bắt đầu có tư tưởng đòi hỏi những "thành tựu" nhất định ở con mình. Với suy nghĩ "chỉ cần bỏ tiền là có tất cả", dẫn tới việc họ  cư xử thiếu tôn trọng với giáo viên.

Giáo dục con trẻ cần sự chung tay phối hợp chặt chẽ của chính cha mẹ học sinh và giáo viên, nhà trường. Nhưng thay vì "bắt tay nhau", ở một số trường hợp, cha mẹ học sinh và giáo viên lại mâu thuẫn và đối đầu. Giáo viên cũng không thiếu "chiêu" để nhằm vào con trẻ, từ bạo hành sức khỏe, tinh thần, thậm chí không ít giáo viên suy đồi còn lạm dụng tình dục học sinh của mình. 

Ở phía kia, cha mẹ học sinh cũng đáp trả bằng nhiều hình thức, từ lăng mạ giáo viên, rồi đặt camera quay lén, cho đến hành hung xâm, hại sức khỏe danh dự của người hàng ngày truyền đạt kiến thức cho con mình.

Những cuộc đấu của cha mẹ học sinh với giáo viên cứ thế "leo thang" về mức độ nghiêm trọng.

Câu chuyện mẹ học sinh thẳng tay tát vào mặt hiệu trưởng khi 2 bên đang ngồi họp giải quyết bất đồng là ví dụ điển hình cho việc phụ huynh cũng ưu tiên lựa chọn bạo lực chứ không đơn thuần là hành động nóng giận nhất thời. 

Khi cả giáo viên và cha mẹ học sinh đều ưu tiên sử dụng bạo lực thì người tổn thương nhất có lẽ là đứa trẻ. Học sinh sẽ nghĩ gì khi tận mắt chứng kiến và sau này trên mạng xã hội sẽ lan truyền hình ảnh cha mẹ mình đánh đập, hành hung thầy cô giáo của con?

Khi bị giáo viên dùng nhục hình, xâm hại thân thể, học sinh là những nạn nhân gần như không thể có bất cứ phản kháng nào. Nhưng khi cha mẹ "phản đòn" không có nghĩa là "đòi lại được sự công bằng" cho con trẻ, mà dưới góc độ nào đó, chúng lại chịu thêm sự tổn thương.

Khi người lớn lựa chọn bạo lực là cách giải quyết ưu tiên, nguy cơ con trẻ sẽ "kế thừa" cách suy nghĩ và hành động tiêu cực tương tự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm