“Chỉ mong con vui khi đến trường!”
Chị Nguyễn Thị Hoa (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) năm nay đón nhận một niềm vui nho nhỏ nhưng cũng đầy ắp nỗi lo, đó là có con gái vào lớp một. Không còn được các cô giáo bảo bọc như ở trường mầm non trước đây, với cả mẹ con chị, việc lên cấp tiểu học như hứa hẹn nhiều thách thức mới. “Sống ở Thủ đô nhưng phải nói thật là tôi thấy áp lực học hành trường lớp của con luôn khiến các phụ huynh căng thẳng. Các đồng nghiệp có con lớn hơn thì lo việc thi cử, còn tôi, khi con mới học lớp một nhưng tôi chỉ lo con học hành nặng nề, mệt mỏi và thiếu niềm vui!”, chị Hoa chia sẻ.
Nỗi lo của chị Hoa không phải là không có cơ sở khi mới chỉ đưa con đến trường nhận lớp và làm quen với lớp mới vào đầu tháng 8/2018 (con chị Hoa học một trường công lập trong quận), chị đã thấy “chóng mặt” với sĩ số quá đông, lên đến gần 70 cháu/lớp. Sĩ số đông, trong khi lớp học thì chật chội, chiếc bàn bé tí ngồi đến 3 bạn, chị Hoa bỗng cảm thấy hoang mang.
Dẫu đã chuẩn bị tinh thần là năm nay lứa “rồng vàng” sẽ tăng đột biến so với các năm trước (Sở GD&ĐT dẫn số liệu tăng hơn 30.000 học sinh lớp 1 so với năm ngoái) song chị vẫn không tránh khỏi sự lo lắng. Bởi có trải nghiệm cùng con, chị mới “ngấm” được những nỗi lo này. “Con đi học về câu đầu tiên tôi hỏi là con có vui không, thì con chỉ bảo là cũng vui, nhưng mà ngồi chật quá, con bị đau lưng, mỏi cổ... Lớp cũng quá đông nên việc cô giáo không thể bao quát hết lớp và sát sao hơn với từng em, cũng là điều mà tôi lo lắng khi năm học mới đã cận kề!”, nữ phụ huynh cho biết.
Điều mà chị Hoa cũng như nhiều phụ huynh năm nay có con vào lớp một mong muốn là các con thật sự có một môi trường học tập vui vẻ, bổ ích, giảm tải bớt những kiến thức nặng nề không cần thiết và tăng thêm các giờ học trải nghiệm. Tiếng Anh cũng là môn học được nhiều phụ huynh kỳ vọng sẽ tiếp tục được tăng cường trong quá trình đổi mới giáo dục.
Học hành quá căng thẳng cũng là nỗi băn khoăn của nhiều cha mẹ khi có con học ở các cấp phổ thông cao hơn, đặc biệt là các lớp đầu cấp và các em chuẩn bị thi THPT Quốc gia. Những lùm xùm trong thi cử, từ việc lọt đề thi lớp 10 THPT tại Hà Nội cho đến vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia tại Hà Giang, Sơn La gây chấn động, khiến phụ huynh thấp áp lực càng nhiều hơn trên vai của con cái họ.
Từ huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, ông Nguyễn Đức Cần - phụ huynh có con năm nay thi THPT Quốc gia - cho rằng ông cảm thấy thương con nhiều hơn khi chứng kiến việc thi cử đang bị gian lận, những học sinh có cơ hội thực thụ lại bị ngang nhiên tước mất cơ hội đó chỉ vì sự tắc trách của một số cán bộ ngành giáo dục. “Con trai tôi năm nay học lớp 10 rồi, cháu nó học ngày học đêm những mong thi đỗ vào ĐH Bách khoa Hà Nội. Dẫu biết vẫn có thể có tiêu cực trong thi cử nhưng với mức độ nghiêm trọng như năm vừa qua thì khó chấp nhận nổi. Tôi mong đây là bài học xương máu của ngành giáo dục, qua đó chấn chỉnh công tác thi thật tốt, đừng để những học sinh đang ngày đêm phấn đấu học tập mong được vào đại học, lại bị tước mất cơ hội ấy!”, ông Cần thẳng thắn.
Còn với chị Nguyễn Thanh Hải (Đồng Hới, Quảng Bình), kỳ vọng của chị là con thật sự có một ngôi trường học tập lành mạnh, không bạo lực. “Con trai lên lớp 6 rồi nhưng đi học về vẫn bị bạn bè trêu chọc chỉ vị cháu bị thừa cân. Sự trêu đùa quá đà đó khiến con tôi không muốn đến trường, khi nói chuyện với cô giáo thì cô cũng hứa sẽ khuyên nhủ các bạn thêm nhưng nhiều ngày rồi mà tình trạng không biến chuyển. Bạo lực học đường nhen nhóm từ đây nhưng để dập tắt được hành vi đó, tôi nghĩ giáo viên cần chú tâm nhiều hơn, có trách nhiệm hơn với chính học sinh của mình chứ không phải là nghĩ rằng bố mẹ mới là chủ đạo trong việc này!”, nữ phụ huynh chia sẻ.
Những cam kết, nỗ lực
Năm học mới đang đến rất gần nhưng bên cạnh những địa phương đã có sự chuẩn bị thật tốt cho học sinh thì vẫn còn nhiều địa bàn đang đối mặt với khó khăn do thiên tai, bão lũ. Tại một số tỉnh như Yên Bái, Nghệ An..., bàn ghế, sách vở đã hư hỏng nặng sau trận mưa lũ vừa qua khiến thầy và trò đang nỗ lực khắc phục hậu quả, chuẩn bị cho năm học mới. Nghệ An là tỉnh bị ảnh hưởng của mưa lũ bởi hoàn lưu bão số 4.
Theo kế hoạch ngày 20/8 là ngày tựu trường cho học sinh các cấp học nhưng nhiều điểm trường ở các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông... vẫn ngập trong bùn, nước. Nhiều lực lượng đang phối hợp xử lý, nước rút đến đâu, công tác nạo vét bùn đất, lau dọn bàn ghế, đồ dùng, trang thiết bị dạy học, tổng vệ sinh và xử lý môi trường được tiến hành đến đó.
Tại tỉnh Yên Bái, ngành giáo dục đang dồn sức tập trung khắc phục các thiệt hại về cơ sở vật chất dạy học tại các xã bị lũ ống, lũ quét tràn qua. Về xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn, một trong các xã bị thiệt hại nặng nề của bão số 3 (tháng 7-2018), khung cảnh ngổn ngang, tan hoang hôm nào đã bước đầu được khắc phục. Các quỹ đất ở mới giúp người dân tái định cư dựng lại nhà, đường giao thông, điện lưới, cột viễn thông bị lũ cuốn trôi được sửa mới.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh cho biết đang vận động cán bộ, giáo viên toàn ngành tham gia quyên góp ủng hộ học sinh vùng lũ, triển khai đưa các thiết bị dạy học, sách giáo khoa, giường tầng, đồ dùng nấu ăn đến các trường vùng sâu, vùng xa có học sinh bán trú. Cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Yên Bái tập trung việc xây thêm lớp học mới tại những nơi bị thiệt hại do thiên tai, bảo đảm học sinh ra lớp với tỷ lệ cao nhất, không để học sinh nào phải bỏ học vì khó khăn nơi ăn, nghỉ tại các trường bán trú.
Tại Hà Nội, ngành giáo dục thành phố trong năm học này đặt ra 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp trọng tâm cần thực hiện, trong đó có rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT Thủ đô; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; Đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục.
Đặc biệt, để giải quyết tình trạng quá tải và chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề nghị các quận, huyện tìm mọi giải pháp, tận dụng tối đa các phòng trống, phòng chức năng... để làm phòng học cho học sinh. Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các địa phương, nhất là các quận, khu đô thị và các khu chung cư trong việc tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để giảm sĩ số HS mỗi lớp, bảo đảm ít nhất không quá 45 học sinh/lớp.