Phụ huynh xúi con... phạm luật

24/12/2015 - 18:00
Nhiều công dân Việt Nam 18 tuổi "mù" kiến thức pháp luật. Thậm chí chính các phụ huynh còn xúi con mình phạm luật.

Tại sao những người trưởng thành ở Việt Nam, đã học xong môn Giáo dục công dân (GDCD) tại trường, ra tòa còn trả lời câu hỏi của thẩm phán bằng một câu nói rất ngô nghê: Bị cáo không biết có luật đó.

Tôi không thấy ngạc nhiên mà chỉ thấy hài khi câu trả lời không biết được nhiều bị cáo sử dụng trong các phiên tòa để tự bào chữa cho mình.

Lý lẽ: Không biết không có tội được dân Việt sử dụng khá triệt để. Vì thế, mới có chuyện: Dân ăn gì cũng hóa chất, đi đường thì vi phạm luật, người dân thích thì mở loa inh ỏi, rác vứt khắp nơi, đánh nhau thoải mái chỉ vì... nhìn ngứa cả mắt... Bởi vì khi bị hỏi đến, chỉ cần 1 câu: Tôi không biết. Tôi vô tình phạm tội.

Nhiều vị thành niên phạm tội với lý do... tôi không biết. Ảnh minh họa

Ở nước ngoài không tồn tại những chuyện đó. Nếu bạn sang Singapore rồi ném rác ra đường, bạn sẽ hiểu ngay thế nào là luật pháp. Ở đó cụm từ "tôi không biết" sẽ được cảnh sát nói rằng: "Vậy bây giờ chịu phạt đi cho biết".

Ở Đức, bạn lao ra đường vượt đèn đỏ, xe ngược chiều với bạn (đang ở làn đèn xanh) sẽ lao ầm ầm, phóng hết tốc lực để đâm chết bạn ngay. Bởi vì, họ căm ghét những kẻ vi phạm pháp luật. Ở đó, nếu tai nạn xảy ra do vi phạm luật giao thông thì bất luận kẻ vi phạm có gặp chuyện gì, hắn vẫn sẽ phải chịu toàn bộ thiệt hại và phải bồi thường. Nếu hắn bị tai nạn mà chết thì hãng bảo hiểm của hắn sẽ phải đứng ra bồi thường cho người đi đúng luật (mặc định được coi là nạn nhân).

Việc giáo dục pháp luật trong nhà trường không được chú trọng, nên đa số công dân Việt Nam 18 tuổi có kiến thức pháp luật bằng 0.

Môn Giáo dục công dân chỉ tồn tại về... hình thức. Ảnh minh họa

Ngay cả gia đình cũng chẳng bao giờ có ý thức giáo dục pháp luật cho con cái. Thậm chí không ít gia đình còn xúi con vi phạm. Họ sẵn sàng nói: "Đi vào đường một chiều có một đoạn ngắn thôi, sao phải đi vòng?", "Lần sau cứ đi ngược chiều đi, đoạn đó không có công an"...

"Không có công an" là lý do để mọi người coi việc vi phạm pháp luật là "có thể chấp nhận được".

Mỗi khi xảy ra vi phạm nào đó, người dân lại trách móc cơ quan nhà nước là đã không giáo dục pháp luật cho họ. Thực tế công dân 18 tuổi chắc chắn phải biết về pháp luật, nhà trường, gia đình phải có trách nhiệm giáo dục. Không thể nói câu không biết được. Bởi vì khi chúng ta vi phạm pháp luật, ít nhất có từ 1 nạn nhân phải chịu đựng hậu quả do sự thiếu hiểu biết của chúng ta gây ra.

Việc tự học để biết về pháp luật là nghĩa vụ của mỗi công dân và thái độ tuân thủ pháp luật nghiêm minh là việc cần thiết phải làm. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm