pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Afghanistan đang sống ngược thời đại sau 1 năm mất đi tự do
Bất chấp những lời hứa của chính quyền Taliban về một viễn cảnh hòa bình và ổn định, đất nước Afghanistan đang sống trong cảnh u ám, còn người dân thì tuyệt vọng mỗi ngày.
Maryam (đã được thay đổi họ tên để bảo vệ danh tính), một cô bé chỉ mới 10 tuổi nhưng đã có suy nghĩ sẽ cố tình trả lời sai câu hỏi trong bài thi chỉ để được học lại một lần nữa. Cô bé biết rằng, khi lớn hơn em sẽ không bao giờ được đi học tiếp nữa. Điều đó đồng nghĩa với việc tương lai và khát vọng của em trên từng con chữ sẽ mãi mãi bị chôn vùi.
Đây chính là Afghanistan gần một năm sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước, những mầm non tương lai nơi đây không còn cơ hội để tiếp tục trưởng thành những cây xanh tươi tốt.
Lời hứa vẫn chỉ là lời hứa
Khi tiếp quản Afghanistan, chính quyền Taliban hứa hẹn rằng sẽ đem lại những tiến bộ và tạo điều kiện để phụ nữ được học hành. Tuy nhiên, thực tế thì phũ phàng làm sao.
Phụ nữ nơi đây đang phải đối mặt với những hạn chế khắc nghiệt, ngỡ chỉ có thời xưa mới tồn tại điều này. Phụ nữ Afghanistan mất luôn quyền di chuyển khi không có người giám hộ, hay quyền lựa chọn trang phục nơi công cộng, thậm chí cả quyền được đi học sau lớp 6. Điều này đồng nghĩa với việc, đến tuổi dậy thì, một bé gái sẽ mất đi cả giáo dục lẫn tự do.
Những người phụ nữ sống trong cảnh bần hàn lại càng thiệt thòi hơn, họ không có những người giám hộ ở bên mình. Trang phục, yêu cầu cơ bản nhất của một con người thì phụ nữ ở đây lại không có quyền lựa chọn. Họ buộc phải mặc bộ burqa (áo choàng phụ nữ Hồi giáo, che kín cơ thể và chỉ để hở lưới ở mắt).
Một cô gái 16 tuổi, đã phải nghỉ học vào tháng 9 năm ngoái, đang điều trị chứng trầm cảm chia sẻ nỗi ám ảnh của mình: "Đã 3 lần tôi thấy phụ nữ bị người Taliban đánh đập trong chợ. Nguyên nhân là vì họ bị cáo buộc mặc trang phục quá bó sát cơ thể, không hợp thuần phong mỹ tục.
Một lần khác các cô gái bị đánh chỉ vì cười và nói quá to trong khi họ chỉ đang thảo luận về những bộ váy mới mua và những điều đời thường khác".
Nữ sinh này chia sẻ rằng, cô lựa chọn việc ở nhà thay vì ra ngoài đường để tránh đụng độ với những người Taliban hà khắc. Phụ nữ đang dần "biến mất" trên đường phố Afghanistan. Tại nơi làm việc, phụ nữ cũng dần vắng bóng thay vào đó là các nam giới thống trị.
Hồi tháng 7, các quan chức Taliban yêu cầu nhân viên nữ của Bộ Tài chính nước này - những người đủ năng lực nhưng không được đi làm trong 11 tháng qua - phải cử một nam giới trong gia đình đến làm thay.
"Họ yêu cầu tôi đề xuất một người đàn ông trong gia đình tới Bộ làm thay tôi, để họ có thể sa thải tôi", bà Maryam, 37 tuổi, cho hay. Bà có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh và đã làm việc hơn 15 năm ở cơ quan trên.
"Kể từ khi lên nắm quyền, Taliban đã giáng chức và giảm lương của tôi. Tôi thậm chí không thể trả nổi học phí cho con mình. Khi tôi thắc mắc, một quan chức thẳng thừng đuổi tôi khỏi phòng. Ông ta nói chuyện này không có gì phải bàn cãi", bà Maryam nói về sự bất công mình gặp phải.
Cuộc sống thay đổi hoàn toàn
Nền kinh tế ở Afghanistan gần như tê liệt 1/3 sau khi Taliban cắt giảm một số hoạt động kinh tế, thương mại. Một doanh nhân đã sa thải gần 500 nhân viên sau khi công ty không thể cầm cự trước các chính sách của chính quyền mới.
"Rất nhiều doanh nghiệp sụp đổ, nếu mọi thứ còn tiếp tục như vậy, tình trạng này sẽ tồi tệ thêm nữa", vị doanh nhân cho biết.
Trước tình cảnh này, những nhà giàu trước đây đã bị suy thoái kinh tế cướp đi tất cả, còn những người sống trong tầng lớp trung lưu trước kia thì chìm sâu trong cảnh đói nghèo. Tất cả đang quay ngược dòng thời gian khốn khó trước đây. Ít nhất một nửa dân số hiện tại đang sống dựa vào viện trợ lương thực.
Anh Sardar (đã thay đổi danh tính) và vợ từng làm việc cho chính phủ trong lực lượng an ninh trước đây. Họ đã có thời gian kiếm đủ tiền để mua đất và xây nhà. Nhưng giờ đây cả hai đều bị sa thải khi Taliban lên nắm quyền. Người vợ hiện ở nhà làm nội trợ còn người chồng phải làm việc lao động chân tay, ngồi bên vệ đường chờ ai đó đến thuê mình. Nếu may mắn được làm việc, anh sẽ nhận được đồng lương 2 USD/ngày.
"Tôi chưa từng làm việc này trong đời nhưng hiện tại quá khó khăn, tôi cần nuôi gia đình mình. Mẹ tôi bị bệnh tiểu đường và bà cần phải mua thuốc để duy trì sự sống", Sardar nói trong sự tuyệt vọng cùng cực.
Chảy máu chất xám đã làm cho việc điều hành đất nước trở nên khó khăn hơn. Ngân hàng trung ương, đang phải vật lộn với tình trạng các nhà quản lý cấp cao giàu kinh nghiệm nhất đã ra nước ngoài sinh sống. Cả một bộ phận thế hệ những người Afghanistan có học thức cũng đã rời đi.
Trong hai thập kỷ trước, người dân Afghanistan từng sống trong những ngày yên bình nhưng giờ đây họ đã bị tàn phá bởi bạo lực và lạm dụng. Cuộc sống của họ bị ám ảnh bởi những trận đột kích vào ban đêm, nạn cướp bóc hay điều kiện chăm sóc y tế, giáo dục cũng hạn hẹp.
"Taliban đang đại diện cho Taliban, không phải Afghanistan. Một nửa dân số đã không có đại diện trong chính phủ trong 9 tháng qua", một nhà phân tích Afghanistan cho biết.
Nhiều người Afghanistan đã quyết định rời bỏ đất nước để xây dựng cuộc sống mới ở nước ngoài. Theo bà Basij-Rasikh, nhà sáng lập kiêm chủ tịch một ngôi trường nữ sinh tại Afghanistan, cộng đồng quốc tế cần đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan tị nạn tiếp tục được giáo dục, cũng như coi việc đầu tư vào phụ nữ và trẻ em là ưu tiên trong viện trợ.
"Trong các trại tị nạn, nhiều bé gái đã không được đi học trong thời gian dài. Bỏ mặc những bé gái này là cách đối xử giống như Taliban đang làm", bà Basij-Rasikh chia sẻ.
"Chúng tôi là phụ nữ Afghanistan. Tương lai của chúng tôi phải thuộc về chúng tôi", bà Basij-Rasikh nhấn mạnh.
Nguồn: The Guardian