Phụ nữ Ấn Độ vật lộn mỗi ngày để lấy nước sinh hoạt cho gia đình

Phương Thanh (dịch)
25/08/2021 - 13:00
Phụ nữ Ấn Độ vật lộn mỗi ngày để lấy nước sinh hoạt cho gia đình

Phụ nữ Ấn Độ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm và khó khăn khi đi lấy nước cho cả gia đình. Ảnh minh họa

Tình trạng phụ nữ phải dành ra hàng giờ đồng hồ đi lấy nước sinh hoạt cho gia đình đang xảy ra tại bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ.

Phụ nữ chỉ được ngủ vài giờ mỗi ngày

Tình trạng thiếu nước trầm trọng đang xảy ra tại làng Bardechi Wadi, ở Trimbakeshwar thuộc bang Maharashtra (Ấn Độ). Phụ nữ chỉ được ngủ vài tiếng một ngày và phải bắt đầu đi lấy nước từ 10 giờ tối đến tận sáng hôm sau.

Trong khoảng 5 tháng của mùa hè hàng năm, phụ nữ Thakur, một bộ tộc sinh sống tại bang Maharashtra của Ấn Độ, phải dành hàng giờ để đi lấy nước sinh hoạt cho gia đình. Sở dĩ, họ phải chờ rất lâu để nước thấm xuống các rãnh ở đáy giếng.

Việc lấy nước này cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và cả nước để uống. Ở những nơi hạn hán như làng Bardechi Wadi, lấy nước được xem là trách nhiệm hiển nhiên của phụ nữ. Tuy nhiên, trách nhiệm này lại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tinh thần và dễ khiến phụ nữ rơi vào tình cảnh bị bóc lột có tổ chức.

Lấy nước được xem như thử thách đối với phụ nữ vì họ phải xuống tận các giếng sâu để hứng được nguồn nước hiếm hoi từ các mạch nước ngầm sâu dưới lòng đất. Công cuộc lấy nước có thể mất hàng giờ và phải bắt đầu thực hiện từ đêm.

Họ phải đợi nước ngầm thấm ra khỏi giếng khô thì mới có thể dùng những chiếc bát nhỏ để lấy. Có thể mất đến một giờ để đổ đầy một chậu nước và phải mất 4 - 6 giờ để lấy đủ nước cho cả gia đình sử dụng trong một ngày.

Sunita-Pardhi-who-had-come-to-the-well-with-her-son.webp

Sunita Pardhi (Ấn Độ) và những người phụ nữ khác phải vật lộn để lấy nước từ giếng. Ảnh: Al Jazeera

Trong tình cảnh khan hiếm nguồn nước, gia súc tại đây phải được chăn dắt đến những ao bùn ở xa để uống nước. Cô Sunita Pardhi, 30 tuổi, người dân địa phương, cho biết: "Vào mùa hè, tôi chỉ ngủ vài giờ sau bữa tối và sau đó bắt đầu di chuyển đến giếng vào lúc 10 giờ tối".

"Tôi và những người phụ nữ khác trong làng đi lấy nước cùng nhau. Một người leo xuống giếng, một người ở trên, cầm đuốc và kéo xô lên. Vào mùa hè, phụ nữ ở làng này chỉ được ngủ vài giờ", Sunita chia sẻ.

Trèo xuống giếng là một việc rất nguy hiểm và rủi ro đối với phụ nữ vì giếng rất sâu và không an toàn khi làm việc này trong đêm tối. Chỉ có 10 đến 12 phụ nữ trong làng biết cách trèo xuống giếng. Vì vậy, một số gia đình phải nhờ những người phụ nữ này giúp đỡ.

"Đổ đầy nước là nhiệm vụ của phụ nữ"

Đó là những gì đàn ông tại khu vực này quan niệm. Puja Pardhi, 16 tuổi, học sinh tại làng Bardechi Wadi (Ấn Độ) phải dành 4 giờ mỗi ngày để đi lấy nước cho gia đình 8 người. Tuy nhiên, Puja chia sẻ, em vẫn phải làm những công việc nhà khác mặc dù đã đảm nhiệm trọng trách lấy nước cho cả nhà.

"Đàn ông cho rằng lấy nước là nhiệm vụ của phụ nữ. Nếu người ta nhìn thấy một người đàn ông mang theo chậu nước, mọi người sẽ cười nhạo anh ta", Nivrutti Pardhi, một người dân cho biết.

Theo người dân địa phương, tình trạng khan hiếm nước tại làng Bardechi Wadi xảy ra do 2 nguyên nhân chính: quản lý, bảo tồn nước kém và sự thờ ơ của các quan chức trong khu vực.

People-of-Bardechi-Wadi-looking-at-water-level-after-first-spell-of-rain-in-June.webp

Người dân tại làng Bardechi Wadi nhìn nước trong giếng sau cơn mưa đầu tiên vào tháng 6. Ảnh: Al Jazeera

Ngôi làng cách Đập Middle Vaitarna khoảng 3km, con đập cung cấp nước cho trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ. Phụ nữ có thể đến đây để lấy nước nhưng một chuyến đi đến hồ chứa nước cũng phải mất 1 giờ đi bộ do địa hình khó khăn.

Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã xây dựng các biện pháp nhằm hỗ trợ người dân, bao gồm xây dựng đường ống dẫn nước từ một cái giếng gần đập Middle Vaitarna và dẫn nước về làng.

Phần lớn dự án lắp đặt đường ống gần như đã hoàn thành. Tuy nhiên, các công trình phụ đang chờ xử lý nên dự án vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Chính quyền địa phương đã cam kết đường ống dẫn nước có thể bắt đầu hoạt động vào năm sau. Nhưng nhiều người dân vẫn hoài nghi và chỉ tin khi dự án thật sự đi vào hoạt động.

Nguồn: Al Jazeera
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm