Phụ nữ có nên lập “quỹ đen”?

26/10/2015 - 04:46
Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính, thật ra những khoản tài chính riêng nhiều khi đóng vai trò rất quan trọng để giải quyết tình huống mang tính “cấp bách”.
Trích từ thu nhập của mình ra một phần và cất riêng, mà nhiều người thường gọi là “lập quỹ đen”, thường gặp ở cánh đàn ông. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy phụ nữ cũng nên tạo cho mình một “ngân quỹ” riêng.

Chị Lê Ngọc, ngụ tại Q.Phú Nhuận, TPHCM, chia sẻ một bài học xương máu: “Chồng mình rất yêu vợ, nên thu nhập hàng tháng đều đưa hết để mình quản. Mới đây, bố mình phải phẫu thuật, mình muốn đóng góp 20 triệu để phụ cho bố, nhưng ngặt nỗi, chồng mình đã rút gần hết tiền trong “ngân quỹ gia đình” để mua xe hơi. Thế là mình phải vay nóng, lãi suất tới 3%/tháng”.

Còn chị Hà Vân, ngụ tại Cần Thơ, thì còn phải chịu một “cú trời giáng”. Số là thấy chồng trước giờ luôn tỏ vẻ chiều chuộng, mẹ con chị cần gì, anh đều sẵn sàng chi một cách hào phóng. Thế nhưng, gần đây chị phát hiện anh có mối “quan hệ lạ” với người phụ nữ khác. Ngay lập tức, anh ta trở mặt, đòi bỏ mẹ con chị để sống với “người mới”. Đồng thời, anh ta cắt luôn nguồn tài chính vẫn đóng góp cho gia đình. Một mình chị Vân với nghề kế toán làm bán thời gian, phải chắt bóp để 2 mẹ con đủ sống trong điều kiện vô cùng chật vật.

Cả 2 trường hợp trên, sau khi gặp chuyện đều lấy làm tiếc, bởi “nếu biết trước thì mình đã chủ động để dành một khoản tiền riêng, chứ đâu đến nỗi bị động như thế này”.
Nguồn “quỹ” đó có thể giúp phụ nữ chủ động giải quyết được nhiều vấn đề phát sinh trong đời sống. Ảnh minh họa: Theo Shutter Stock
 
Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính, thật ra những khoản tài chính riêng nhiều khi đóng vai trò rất quan trọng để giải quyết tình huống mang tính “cấp bách”. Ở đàn ông, thường thì nguồn “quỹ đen” này được sử dụng để mua sắm những thứ phục vụ nhu cầu cá nhân, hoặc mời bạn bè đi nhậu…

Còn với phụ nữ, nguồn “quỹ” đó có thể giúp họ chủ động giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc thường phát sinh trong đời sống, như phụ giúp cha mẹ, anh chị em ruột của mình; phục vụ các nhu cầu cá nhân hay đơn giản là chi tiêu vào những gì bản thân họ thích, chi cho các nhu cầu của gia đình, con cái trong tình huống nguồn ngân quỹ gia đình tạm thời eo hẹp… Khoản tiền “phòng thân” này càng quan trọng hơn khi họ phải tự đứng ra giải quyết các vấn đề nghiêm trọng như chồng bất ngờ phản bội, hôn nhân tan vỡ…

Theo chia sẻ của một số phụ nữ, họ thường chỉ lập quỹ riêng khi đã va chạm với những điều rắc rối xảy ra trong cuộc sống. Cách thức “lập quỹ” thường phổ biến là: Trích từ tiền lương, thu nhập hàng tháng khoảng 10% để gửi tiết kiệm, một số người còn “cất” cả những khoản thu nhập đột xuất. Về nguyên tắc, khoản tiền “cất riêng” này không gây ảnh hưởng gì đến cuộc sống chung của gia đình.

“Tích thiểu thành đa”, với bản tính tiết kiệm và khéo thu vén, dần dà khoản tiền này lớn lên, đủ để giải quyết những “chuyện lớn” như chu cấp tiền cho con đi du học, chi trả tiền khám chữa bệnh cho các thành viên trong gia đình, hay đôi khi trở thành “cứu tinh” giúp gia đình vượt qua những thời khắc ngặt nghèo như rủi ro, bệnh tật, mất khả năng kiếm tiền…

Tất nhiên, trong một xã hội vẫn còn phổ biến không ít định kiến, thì việc chị em dành riêng một khoản cho những dự định cá nhân, hay chỉ để tương đối độc lập, tự chủ về tài chính cá nhân, có thể sẽ nhận không ít lời chỉ trích, như: Gây mất lòng tin, không chia sẻ, chỉ nghĩ đến bản thân, hay thậm chí là có “âm mưu” toan tính chuyện gì khác…

Do đó, khi việc lập quỹ “bại lộ”, những “chủ quỹ” cần biết cách giải thích để người thân hiểu rõ mục đích, từ đó ủng hộ xây dựng nguồn quỹ này, như một giải pháp đảm bảo “an toàn tài chính” cho cả gia đình. Đó cũng là một cách hiệu quả để gìn giữ, duy trì hạnh phúc gia đình lâu dài, bền vững.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm