Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng (9/12): Phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nam giới bởi tham nhũng

Minh Châu
08/12/2023 - 22:22
Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng (9/12): Phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nam giới bởi tham nhũng

Hình minh họa

“Nam giới và phụ nữ bị ảnh hưởng bởi tham nhũng theo những cách khác nhau, là chủ thể cũng như đối tượng của những hành vi tham nhũng khác nhau. Bất bình đẳng giới sinh ra tham nhũng và ngược lại, tham nhũng có xu hướng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới”, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết.

Xử lý nhiều vụ việc nhạy cảm

Ngày 8/12, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc".

Hội thảo được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng (9/12).

Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ), đánh giá: Công tác PCTN, tiêu cực của Việt Nam thời gian qua đã có những bước chuyển biến, đột phá mạnh mẽ.

Nhiều vụ việc, vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, khiến dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được xem là "nhạy cảm - vùng cấm" đã được tập trung xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên.

Năm 2023, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, có tổ chức như y tế, giáo dục, ngoại giao, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm định phương tiện giao thông, buôn lậu…

Công tác PCTN không chỉ đạt được những kết quả về phương diện phát hiện và xử lý, trong năm 2023 còn có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTH, tiêu cực.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Văn cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay công tác PCTN vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, trong bối cảnh tham nhũng, tiêu cực vẫn được nhìn nhận là một trong những nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt trên một số lĩnh vực, tham nhũng còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế…

Theo TS Nguyễn Cảnh Lam, Vụ trưởng Vụ 5, Ban Nội chính Trung ương, trong năm 2023, các cơ quan điều tra đã thụ lý 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can; kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can.

Các cơ quan chức năng cũng chủ động phát hiện, đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Đặc biệt là những vi phạm có tổ chức, liên quan nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước...

Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 6/2023, Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác 15 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ, bố trí công tác khác với gần 150 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 4 cán bộ diện Trung ương quản lý, 65 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý.

Riêng Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành 9 cuộc kiểm tra đối với các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 76 tổ chức đảng liên quan các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC...

Quang cảnh Hội thảo


Bất bình đẳng giới sinh ra tham nhũng

Trình bày tham luận tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho rằng: Từ lâu, tham nhũng được coi là một chủ đề trung lập về giới nhưng thực tế, tham nhũng và bất bình đẳng giới có mối quan hệ chặt chẽ với nhau về nhiều mặt.

Nam giới và phụ nữ bị ảnh hưởng bởi tham nhũng theo những cách khác nhau, là chủ thể cũng như đối tượng của những hành vi tham nhũng khác nhau. Bất bình đẳng giới sinh ra tham nhũng và ngược lại, tham nhũng có xu hướng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới.

Chính vì vậy, xem xét khía cạnh giới và lồng ghép giới là cần thiết nếu chúng ta muốn xây dựng những chiến lược hiệu quả để PCTN và đạt được sự phát triển bền vững, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

PCTN và bất bình đẳng giới không chỉ đơn thuần là nghĩa vụ đạo đức mà còn là điều kiện quan trọng để đạt được tiến bộ. Bằng cách giải quyết tác động về giới của tham nhũng, chúng ta có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn kéo dài sự bất bình đẳng và hướng tới đóng góp vào sáng kiến và chính sách PCTN những nhạy cảm về giới hơn.

Áp dụng quan điểm giới vào công tác PCTN đòi hỏi phải xem xét xem tham nhũng ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới khác nhau như thế nào, cả trực tiếp và gián tiếp. Bằng cách thực nghiệm cho thấy các xã hội có bất bình đẳng giới có mức độ tham nhũng cao hơn. Điều này bắt nguồn từ phân bổ quyền lực, nguồn lực và cơ hội không đồng đều, có thể dẫn đến mức độ tham nhũng khác nhau.

Khi phụ nữ bị loại ra khỏi quá trình ra quyết định và hoạt động kinh tế, tiếng nói của họ thường không được lắng nghe và nhu cầu của họ bị bỏ qua dẫn đến thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, "phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nam giới bởi tham nhũng". Thực hiện chức năng đại diện, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ, phát huy quyền làm chủ của phụ nữ, tham gia hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội…

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, thúc đẩy lồng ghép giới trong PCTN đòi hỏi các chiến lược toàn diện, đa chiều, có thể nhận ra những tác động khác nhau đối với nam giới và phụ nữ. Thực hiện các chính sách nhạy cảm giới, cải thiện việc thu thập dữ liệu, xây dựng năng lực, trao quyền và thúc đẩy quan hệ đối tác là những bước quan trọng trong việc tạo ra cách tiếp cận công bằng và hiệu quả hơn để PCTN.

Việc lồng ghép giới vào tất cả các khía cạnh của nỗ lực PCTN không chỉ thúc đẩy tính toàn diện mà còn tăng cường cuộc chiến tổng thể chống lại các hành vi tham nhũng, đồng thời thúc đẩy xã hội công bằng và bình đẳng hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm